Hàn Quốc - Triều Tiên rút hết vũ khí, trạm gác khỏi Bàn Môn Điếm

Theo kế hoạch đề ra, trong thời gian từ nay đến cuối năm, hai nước sẽ rút 11 chốt canh gác trong vòng bán kính 1 km xung quanh đường giới tuyến quân sự.

Ngày 22/10, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết hai miền Triều Tiên và Bộ chỉ huy Liên Hợp Quốc do Mỹ đứng đầu đã đồng ý loại bỏ vũ khí tại Khu vực an ninh chung tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm.

Theo kế hoạch đề ra, trong thời gian từ nay đến cuối năm, hai nước sẽ rút 11 chốt canh gác trong vòng bán kính 1 km xung quanh đường giới tuyến quân sự.

Ngoài ra, hai nước cũng sẽ rút toàn bộ vũ khí khí khỏi Khu vực An ninh chung (JSA) thuộc Bàn Môn Điếm, và cắt số lượng binh sỹ tại khu vực này xuống còn 35 người, đồng thời chia sẻ thông tin về thiết bị giám sát.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay, trong cuộc gặp ngày thứ Hai, Hàn Quốc, Triều Tiên và UNC nhất trí rút vũ khí và các chốt canh gác khỏi JSA trước ngày thứ Năm tuần này, rồi thực hiện một cuộc kiểm tra chung trong hai ngày sau đó.

Binh lính Hàn Quốc rà phá bom mìn ở vùng biên giới giáp Triều Tiên hồi đầu tháng 10.

Binh lính Hàn Quốc rà phá bom mìn ở vùng biên giới giáp Triều Tiên hồi đầu tháng 10.

Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ ngày càng ấm lên giữa hai nước láng giềng. Sau đó, các bên sẽ tiến hành “xác minh chung ba chiều” trong 2 ngày nữa.

Trước đó, ba bên đã tổ chức cuộc gặp thứ 2 ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm để thảo luận cách giải giáp vũ khí ở khu vực biên giới theo thỏa thuận giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng hồi tháng trước.

Trong tháng 9, Triều Tiên và Hàn Quốc đã đồng ý thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng quân sự tại biên giới sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Đầu tháng 10, hai bên bắt đầu loại bỏ các bãi mìn tại Khu vực an ninh chung, điều kiện được đưa ra trong đàm phán. Ngày 22/10, thỏa thuận được xác nhận đã "hoàn thành". Việc dỡ bỏ kéo dài 20 ngày nhưng chỉ bao gồm một phần nhỏ ảnh hưởng tới Khu phi quân sự.

Bộ Chỉ huy Liên Hợp Quốc (UNC) do quân đội Mỹ dẫn đầu, chịu trách nhiệm quản lý DMZ kể từ khi cuộc chiến liên Triều kết thúc vào năm 1953. Hiện UNC chưa đưa ra lời bình luận về thông tin được Bộ Quốc phòng Hàn Quốc công bố. Song trước đó vào ngày 19/10, UNC khẳng định ủng hộ những nỗ lực của Hàn Quốc và Triều Tiên trong việc thực hiện thỏa thuận quân sự.

Về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh, vì cuộc chiến 1950-1953 mới kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn chứ chưa có hiệp ước hòa bình. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước đã khởi sắc nhiều trong năm nay.

Sau cuộc gặp thượng đỉnh thứ ba với ông Kim Jong Un, diễn ra tại Bình Nhưỡng, Tổng thống Moon cho biết Triều Tiên đã sẵn sàng mời chuyên gia quốc tế tới kiểm tra việc dỡ bỏ một khu thử hạt nhân chính và sẽ đóng cửa phần còn lại của khu liên hiệp hạt nhân Yongbyon nếu Washington có hành động thiện chí để đáp lại.

Năm 2017, binh sĩ Triều Tiên nổ súng vào một người lính đào tẩu khỏi Khu vực an ninh chung trong khi quân đội Hàn Quốc ra sức giải cứu. Từ năm 1976 căng thẳng bắt đầu leo thang sau "vụ giết người bằng rìu". Binh sĩ Triều Tiên đã tấn công nhóm công nhân đang chặt cây trong Khu phi quân sự, khiến 2 sĩ quan quân đội Mỹ thiệt mạng.

Vũ Huy (TH)

Pháp luật Net

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/quoc-te/han-quoc-trieu-tien-rut-het-vu-khi-tram-gac-khoi-ban-mon-diem