Hàn Quốc thành quốc gia phi rác thực phẩm thế nào?

Hàn Quốc hiện ở vị trí dẫn đầu trong cắt giảm rác thực phẩm, với hơn 95% thực phẩm thừa được xử lý tái chế.

 Rác thải thực phẩm được cho là chiếm 10% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Ảnh: Getty Images.

Rác thải thực phẩm được cho là chiếm 10% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Ảnh: Getty Images.

Hàn Quốc có luật quy định người dân phải phân loại rác khi mang đến điểm thu gom, nhờ vậy, chỉ trong 3 thập niên nước này đi từ con số 0 để đến nay hơn 95% rác thải được tái chế, xác lập câu chuyện thành công như mẫu hình của cả thế giới.

Thế giới ngày nay mỗi năm thải ra 1,3 tỷ tấn thực phẩm các loại. Hai khu vực thải rác thực phẩm lớn nhất thế giới là châu Âu và Bắc Mỹ, mà theo tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tính bình quân thì số rác thực phẩm của 2 khu vực này là 95 - 115 kg/năm, tùy theo từng nước. Cũng theo FAO, còn khoảng 1 tỷ người thiếu đói trên thế giới và chỉ cần chưa đầy 1/4 lượng rác thực phẩm của châu Âu và Mỹ là đủ để họ no bụng.

Hành trình 26 năm

Mới đây, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã xác lập mục tiêu đến năm 2030 cắt giảm 20 triệu tấn rác thực phẩm như là 1 trong 12 giải pháp tối ưu hóa hệ thống thực phẩm toàn cầu. Thực hiện mục tiêu này, Hàn Quốc được nêu danh ở vị trí dẫn đầu hiện tại, với hơn 95% thực phẩm thừa được xử lý tái chế.

Nhìn vào cơ cấu bữa ăn truyền thống của người Hàn Quốc sẽ thấy để đạt được cột mốc đó là nỗ lực vô cùng lớn. Mỗi bữa ăn thường gồm nhiều món dẫn đến hiếm có bữa nào đồ ăn được “vét” sạch trên bàn, chính vì vậy Hàn Quốc có tỷ lệ lãng phí thực phẩm cao nhất thế giới. Số liệu của FAO cho thấy mỗi người Hàn Quốc thải ra hơn 130kg rác thực phẩm mỗi năm, cao hơn hẳn người dân châu Âu và Mỹ đã nhắc đến ở trên.

Chính phủ Hàn Quốc đã phải ban hành những quy định nghiêm ngặt để giải quyết vấn nạn này.

Dấu mốc là năm 2005, việc đổ rác thải thực phẩm ở các bãi rác là phạm luật. Đến năm 2013, khi quy định chung đã được thực hiện đầy đủ, chính phủ có thểm quy định về sử dụng túi đựng rác sinh học bắt buộc. Bình quân, một gia đình 4 người phải chi 6 USD/tháng tiền mua túi đựng rác tái chế. Tính tổng thể, doanh thu bán túi đáp ứng 60% chi phí cho việc thu gom xử lý rác tái chế.

Kết quả là, tỷ lệ rác tái chế là thực phẩm chỉ có 2% vào năm 1995 đã tăng lên hơn 95% tại thời điểm này. Thực phẩm tái chế ở Hàn Quốc được dùng để sản xuất phân bón và thức ăn chăn nuôi.

Mấu chốt là công nghệ

Công nghệ nắm phần chủ đạo đảm bảo chính sách của Chính phủ Hàn Quốc.. Tại thủ đô Seoul, chính quyền cho đặt 6.000 thùng rác tự động hóa có chức năng cân rác và máy quét nhận diện (RFID). Khi đổ rác, máy sẽ cân và tính phí thông qua hệ thống RFID quét thẻ căn cước. Theo chính quyền, nhờ cơ chế xả rác nhiều thì nộp phí nhiều, trong 6 năm qua đã giảm lượng rác thải được 47.000 tấn.

Thùng xử lý rác thông minh lắp đặt phổ biến ở Seoul (Hàn Quốc). Ảnh: PBS.

Đi kèm đó là chiến dịch truyền thông liên tục, hướng dẫn người dân cách xử lý rác để giảm chi phí, chẳng hạn như loại bỏ các thành phần nước trước khi đổ rác giúp không chỉ giảm trọng lượng rác mà còn giảm chi ngân sách tới 8,4 triệu USD cho công tác thu gom xử lý trong cùng quãng thời gian trên.

Rác thải đựng trong túi phân hủy sinh học được ép lại tại nhà máy xử lý để loại bỏ nước và nước này được chế biến ra khí sinh học và dầu sinh học. Rác khô thì chế biến thành phân bón thích hợp ngay cho vùng đô thị khi trào lưu trang trại đô thị nở rộ, tạo thành một chu trình khép kín và thực tế không gì có thể gọi là rác theo nghĩa đen nữa.

Trong 7 năm qua, trang trại đô thị phát triển mạnh mẽ ở Seoul với số lượng đăng ký với chính quyền tăng 6 lần, đạt tổng diện tích 170ha, tức ngang ngửa 240 sân bóng đá tiêu chuẩn. Các trang trại đô thị được xây dựng ở khu trống giữa các tòa chung cư, trên tầng mái kể cả ở trường học hay trụ sở công quyền và thậm chí là ở khoảng trống tầng hầm nếu nhà đầu tư muốn trồng nấm.

Sở dĩ trang trại đô thị nở rộ là nhờ chính sách trợ giá 80 - 100% chi phí đầu vào và tiến tới có khả năng sẽ lắp đặt dây chuyền xử lý ngay tại các khu có mật độ dân số cao. Ngoài lợi ích kinh tế, môi trường, chính quyền nhận thấy mô hình trang trại đô thị còn giúp gắn kết quan hệ hàng xóm cho cư dân.

Ở Hàn Quốc có nhiều nhóm xã hội dân sự kêu gọi thay đổi thói quen ăn uống hướng tới mục tiêu phi rác thải. Kim Mi-hwa từ Mạng lưới phong trào phi rác thải Hàn Quốc chia sẻ với tờ Bưu điện Huffington: “Tái chế kiểu gì cũng không thể sạch hết rác, kiểu gì cũng còn tỷ lệ thực sự là rác. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần có thay đổi triệt để trong văn hóa ăn uống, đơn cử như mỗi người chỉ dùng một đĩa ăn, trước mắt là giảm dần số món hay đĩa bát đựng thức ăn bày trên bàn”.

Thục An

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/han-quoc-thanh-quoc-gia-phi-rac-thuc-pham-the-nao-d292606.html