Hàn Quốc tăng tốc chương trình không gian

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Ngày 5-8, Hàn Quốc đã phóng tàu thăm dò Mặt trăng đầu tiên của nước này trong bối cảnh Seoul đẩy mạnh các chương trình vũ trụ nhằm tham gia cuộc đua ngoài không gian.

Tàu thăm dò Mặt trăng Danuri của Hàn Quốc rời bệ phóng ngày 5-8. Ảnh: AP

Tàu thăm dò Mặt trăng Danuri của Hàn Quốc rời bệ phóng ngày 5-8. Ảnh: AP

Cụ thể, tàu thăm dò không người lái Danuri, được phóng lên từ Mỹ bằng tên lửa đẩy Falcon 9 do Công ty hàng không vũ trụ SpaceX phát triển, dự kiến sẽ tới quỹ đạo của Mặt trăng vào giữa tháng 12. Trong sứ mệnh kéo dài một năm, Danuri sẽ sử dụng 6 thiết bị khác nhau (5 trong số này được sản xuất tại Hàn Quốc) để tiến hành nghiên cứu, bao gồm phân tích bề mặt Mặt trăng nhằm xác định địa điểm hạ cánh tiềm năng cho các sứ mệnh trong tương lai. Tàu Danuri sở hữu thiết bị đầu tiên trên thế giới đánh giá khả năng chịu gián đoạn kết nối trong không gian. Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KARI) cùng ngày cho biết, vài giờ sau khi được phóng, Danuri đã liên lạc thành công với Trạm liên lạc không gian sâu Canberra, Úc.

Theo Hãng tin Bloomberg, vụ phóng đã đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới, và là nước thứ 4 ở châu Á (sau Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Ðộ) có các hoạt động nghiên cứu Mặt trăng từ vũ trụ. Ðây cũng là một phần trong chương trình vũ trụ của xứ kim chi với mục tiêu đưa tàu thăm dò đáp xuống “chị Hằng” bằng tên lửa tự chế tạo vào đầu thập niên 2030, đồng thời gia nhập nhóm 9 quốc gia đang triển khai dự án Artemis về việc trở lại hành tinh này vào năm 2024.

Ðể đạt được những tham vọng trên, Hàn Quốc đã bắt tay sản xuất tên lửa đẩy. Thiết kế đầu tiên là tên lửa hai tầng Naro-1 được đưa vào quỹ đạo thành công trong lần phóng thử thứ ba hồi năm 2013, nhưng đây là sản phẩm hợp tác với Nga. Kể từ đó, KARI chuyển hướng nghiên cứu sang Nuri, tên lửa ba tầng nặng 200 tấn. Tháng 6 vừa rồi, Hàn Quốc đã phóng thành công tên lửa này, giúp quốc gia Ðông Bắc Á trở thành nước thứ 10 trên thế giới đưa vệ tinh vào không gian bằng công nghệ nội địa. Hàn Quốc đã đầu tư 1,5 tỉ USD phát triển hệ thống Nuri. Seoul còn có kế hoạch thực hiện thêm 4 vụ phóng thử Nuri cho đến năm 2027, bao gồm một vụ phóng vào đầu năm tới, và cũng đang phát triển tên lửa mới, mạnh gấp đôi Nuri.

Tham gia nền kinh tế vũ trụ”

Vụ phóng tàu Danuri đánh dấu bước tiến đầu tiên để Hàn Quốc tham gia nền “kinh tế vũ trụ” sau các quốc gia tiên tiến khác đang hoạt động trong lĩnh vực này.

Kinh tế không gian đề cập nền kinh tế bên ngoài hành tinh của chúng ta, bao gồm khám phá không gian sâu, khai thác các nguồn tài nguyên quý hiếm trên Trái đất và phát triển các công nghệ cần thiết cho việc khám phá không gian. Các ngành liên quan đến vũ trụ đang thu hút nhiều sự chú ý vì tiềm năng phát triển rộng lớn của chúng. Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley từng dự đoán ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu sẽ tăng quy mô từ 348 tỉ USD trong năm 2017 lên khoảng 1.000 tỉ USD vào năm 2040. Còn Bank of America ước tính ngành kinh tế không gian sẽ tăng trưởng quy mô lên 1.400 tỉ USD vào năm 2030.

Theo Giáo sư Ahn Jae-myung tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc, dự án Danuri là chương trình thăm dò Mặt trăng và Chính phủ Hàn Quốc nhắm tới việc hạ cánh lên hành tinh cách Trái đất 386.000km vào thập niên 2030. Nhiệm vụ tiếp theo của Danuri là thu thập tài nguyên ở đó và quay trở lại Trái đất, sứ mệnh khó khăn hơn nhiều so với việc đơn giản là đổ bộ lên Mặt trăng. Lợi ích kinh tế của việc thực hiện kế hoạch này được kỳ vọng là rất lớn, trong đó thu thập các khoáng chất không có sẵn trên Trái đất. Tổng thống Yoon Suk-yeol gần đây nhấn mạnh tương lai của Hàn Quốc phụ thuộc vào không gian, vốn là lĩnh vực then chốt của năng lực cạnh tranh quốc gia. Chính phủ nước này sẽ đầu tư hào phóng và thành lập Cục Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc để hỗ trợ ngành công nghiệp vũ trụ.

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/han-quoc-tang-toc-chuong-trinh-khong-gian-a149764.html