Hàn Quốc sẽ là nước tiếp theo phóng tàu vũ trụ đến Mặt trăng

Hàn Quốc sắp trở thành nước thứ 7 trên thế giới thăm dò Mặt trăng với tàu vũ trụ Danuri.

Tàu vũ trụ Danuri sẽ thực hiện các phép đo có giá trị về bề mặt của Mặt trăng

Korea Pathfinder Lunar Orbiter (KPLO) là tàu thám hiểm không gian bên ngoài quỹ đạo Trái đất đầu tiên của Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KARI). Tháng 5 năm nay, KPLO chính thức được đặt tên là Danuri - kết hợp giữa hai từ “Mặt trăng” và “tận hưởng” trong tiếng Hàn.

Nhiệm vụ này được coi là bước đầu tiên trong chương trình không gian sâu của Hàn Quốc, bao gồm việc đưa robot hạ cánh xuống Mặt trăng năm 2030 và một nhiệm vụ lấy mẫu vật tiểu hành tinh mang về Trái đất. Danuri dự kiến sẽ được phóng vào ngày 2.8.2022, trên đỉnh tên lửa SpaceX Falcon 9 từ Trạm Không quân Cape Canaveral, Florida. Tàu vũ trụ sẽ đến Mặt trăng vào giữa tháng 12 do bay theo quỹ đạo tiết kiệm năng lượng gọi là Ballistic Lunar Transfer.

Sau đó, con tàu sẽ bay quanh Mặt trăng trong khoảng một năm, thực hiện các phép đo bề mặt và xác định các địa điểm hạ cánh tiềm năng cho các sứ mệnh trong tương lai. Dữ liệu thu thập từ Danuri cũng giúp hỗ trợ việc lập kế hoạch cho chương trình Artemis của NASA.

Theo tuyên bố của NASA, ba mục tiêu chính của sứ mệnh là:

- Thực hiện sứ mệnh thám hiểm không gian đầu tiên của Hàn Quốc (ROK).

- Phát triển và xác minh các công nghệ không gian phù hợp cho việc thám hiểm không gian sâu.

- Điều tra các đặc điểm vật lý của bề mặt Mặt trăng để hỗ trợ các sứ mệnh hạ cánh của robot trong tương lai.

Danuri là một sứ mệnh chung giữa KARI và NASA. Phía KARI sẽ quản lý việc sản xuất và vận hành tàu quỹ đạo, trong khi NASA hỗ trợ sứ mệnh này với việc phát triển một trong những trọng tải khoa học cũng như hỗ trợ thông tin liên lạc và điều hướng tàu vũ trụ, theo một thỏa thuận được ký vào năm 2016.

Tiến sĩ Sang-Ryool Lee, Giám đốc dự án KPLO tại NASA cho biết: “Chương trình có sự tham gia của KPLO là một ví dụ về hợp tác quốc tế nhằm đạt được thành công lớn hơn trong việc khám phá khoa học so với các sứ mệnh riêng lẻ”.

“Thật tuyệt vời khi sứ mệnh Mặt trăng của Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc có NASA làm đối tác. Chúng tôi rất vui khi thấy những kiến thức và cơ hội mới sẽ phát triển từ sứ mệnh KPLO cũng như từ hợp tác KARI - NASA trong tương lai”, ông Lee nói thêm.

Khối lượng khô của Danuri là 418 kg, phần thân chính rộng 1,82 m, dài 2,14 m và cao 2,29 m. KARI cho biết Danuri có lợi thế là nhẹ hơn so với tàu quỹ đạo Mặt trăng của các nước khác, ví dụ Selene của Nhật Bản nặng 1.984 kg hay Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt trăng (LRO) của Mỹ nặng 1.018 kg.

Danuri sẽ mang theo tổng cộng 6 công cụ khoa học, 5 trong số đó được phát triển bởi các trường đại học và tổ chức nghiên cứu của Hàn Quốc, công cụ còn lại do NASA cung cấp. 6 công cụ gồm máy chụp ảnh địa hình Mặt trăng (LUTI), camera đo phân cực góc rộng (PolCam), từ kế KMAG, phổ kế tia gamma KGRS, một thiết bị mang tên DTNPL và camera độ nhạy cao ShadowCam của NASA.

ShadowCam sẽ chụp ảnh các vùng luôn nằm trong bóng tối của Mặt trăng

ShadowCam là công cụ do Đại học bang Arizona và công ty công nghệ Malin Space Science Systems phát triển cho NASA. Công cụ này sẽ chụp ảnh các vùng luôn nằm trong bóng tối của Mặt trăng bằng cách sử dụng máy ảnh độ phân giải cao, kính viễn vọng và những cảm biến có độ nhạy cao. Việc này giúp làm sáng tỏ khả năng có thể có sương giá hoặc trầm tích băng trên bề mặt Mặt trăng.

Long Hải

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/han-quoc-se-la-nuoc-tiep-theo-phong-tau-vu-tru-den-mat-trang-184903.html