Hàn Quốc sau bầu cử: Gánh nặng đường xa

Sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Tổng thống trước thời hạn và trở thành Tổng thống thứ 19 của Hàn Quốc, nhà lãnh đạo đến từ đảng Dân chủ tự do Moon Jae-in đã nhanh chóng bắt tay thành lập Chính phủ mới, với việc bổ nhiệm một loạt vị trí quan trọng gồm Thủ tướng, Chánh Văn phòng phủ Tổng thống, Giám đốc các cơ quan tình báo và an ninh quốc gia. Nhưng đây mới chỉ là bước đầu, phía trước vẫn còn một 'núi' thách thức cho tân Tổng thống Moon Jae-in.

Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: Getty

Chiến thắng của ông Moon Jae-in đã đánh dấu sự trở lại của chính giới có tư tưởng tự do sau 10 năm phái bảo thủ nắm quyền, báo hiệu những thay đổi chính sách lớn và tái định hình bối cảnh chính trị tại quốc gia Đông Bắc Á này.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Phủ Tổng thống, hay còn gọi là Nhà Xanh, tân Tổng thống Moon Jae-in cam kết sẽ thực hiện những thay đổi mạnh mẽ về chính trị, từ việc hợp tác với Triều Tiên cho tới hạn chế quyền hành và ưu ái đối với các tập đoàn gia đình trị, đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng và tích cực hỗ trợ việc làm cho thanh niên. Ông cũng hứa hẹn sẽ giúp nền kinh tế Hàn Quốc đạt mức tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định thu nhập cho đại bộ phận người dân và gia tăng vai trò của chính quyền trong việc đảm bảo hiệu quả và công bằng trên thị trường.

Mớ hỗn độn mà ông Moon Jae-in kế thừa

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, sự lạc quan và phấn khích sau bầu cử có thể sớm mất đi khi nhà lãnh đạo mới phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trước mắt. Bởi trên thực tế, đà phục hồi kinh tế của Hàn Quốc vẫn yếu ớt, thâm hụt tài chính lớn là rào cản đối với các nỗ lực của Chính phủ, trong khi Quốc hội đang nằm trong tay các đảng đối lập.

Không chỉ vậy, Hàn Quốc còn đang chịu sức ép không nhỏ từ những căng thẳng địa chính trị và bất đồng ngoại giao với các cường quốc trên thế giới. Những yếu tố này khiến dư luận hoài nghi liệu phe tự do có thể dùng quyền lực mới giành lại được để hiện thực hóa hiệu quả những thay đổi chính sách đầy tham vọng hay không.

Chiến thắng của vị luật sư về nhân quyền và từng đảm nhận chức Chánh Văn phòng Nội các dưới thời Tổng thống Roh Moo-hyun cho thấy, cử tri Hàn Quốc đang đặt kỳ vọng rất lớn vào một Chính phủ mới, đặc biệt sau một thời gian dài đất nước lâm vào tình trạng rối ren và bất ổn bởi vụ bê bối chính trị liên quan đến cựu Tổng thống Park Geun-hye.

Trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên vài tháng trở lại đây luôn căng thẳng tột độ, thậm chí có lúc gần kề miệng hố chiến tranh, người dân Hàn Quốc rõ ràng hy vọng vào một Tổng thống có khả năng duy trì hòa bình và ổn định bằng một phương thức ít gây thiệt hại nhất. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Tổng thống mới của Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với các thách thức lớn về đối nội và đối ngoại.

Chặng đường chông gai phía trước

Sau một chiến dịch tranh cử căng thẳng và nhiều mâu thuẫn, tân Tổng thống Moon Jae-in và đảng Dân chủ Tự do của ông sẽ phải đối mặt với sự săm soi và phản đối gay gắt từ phe bảo thủ, những người chắc chắn sẽ cản trở ông Moon Jae-in thúc đẩy các sáng kiến và buộc ông phải hợp tác chặt chẽ hơn với các đảng phái đối lập. Sau thất bại, các phe phái bảo thủ nhiều khả năng sẽ tái cơ cấu với những tầm nhìn mới và tăng cường nỗ lực để giành lại sự ủng hộ của cử tri trước các cuộc bầu cử thị trưởng vào năm tới, sự kiện được xem là một cuộc trưng cầu ý dân về cách thức hoạt động của Chính phủ mới.

Chiến thắng của ông Moon Jae-in đã phản ánh rõ sự tức giận của người dân đối với vụ bê bối tham nhũng của chính quyền Park Geun-hye, cũng như sự thất vọng của cử tri về tình hình kinh tế trong nước và an ninh quốc gia. Những bê bối chấn động liên quan các tập đoàn gia đình trị đã khiến người dân Hàn Quốc xuống đường biểu tình rầm rộ đòi cải cách quan hệ Nhà nước - doanh nghiệp theo hướng kinh tế thị trường công bằng và minh bạch cùng với một hệ thống chính trị "sạch". Điều này có nghĩa là Tổng thống mới sẽ cần có những thay đổi chính trị sâu sắc hơn để dập tắt sự bất mãn của người dân.

Bên cạnh đó, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á cũng đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái. Đặc biệt, sau tác động của các đòn trả đũa kinh tế của Trung Quốc do Hàn Quốc đồng ý cho Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Trong khi đó, những nguy cơ từ bên ngoài, như khả năng Mỹ thực hiện một chính sách thương mại theo hướng bảo hộ có thể sẽ gây thêm tác động tiêu cực đến kinh tế nước này. Rõ ràng, kinh tế là bài toán có quá nhiều ẩn số đang chờ ông Moon Jae-in.

Các vấn đề đối ngoại cũng khiến Tổng thống mới của Hàn Quốc phải đau đầu. Vấn đề được dư luận Hàn Quốc quan tâm hàng đầu là sự điều chỉnh chính sách của đối với Triều Tiên, sau khi quan hệ hai miền liên tiếp căng thẳng suốt thời gian cầm quyền của bà Park Geun-hye. Tân Tổng thống với chủ trương hướng tới một cách tiếp cận mang tính hòa giải hơn với Bình Nhưỡng, qua đó kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này. Ông Moon Jae-in được cho là sẽ linh hoạt hơn trong việc theo đuổi đối thoại và hòa giải với Triều Tiên.

Ngoài ra, việc triển khai THAAD cũng giống như "cái gai" trong quan hệ giữa Hàn Quốc với Trung Quốc. Kế hoạch lá chắn tên lửa này của Mỹ đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của Bắc Kinh và khiến quan hệ Trung - Hàn trở nên căng thẳng. Trong khi đó, tuy THAAD là bằng chứng khẳng định mối quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn, nhưng tuyên bố mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập việc Seoul phải trả 1 tỷ USD chi phí triển khai THAAD đã khiến người dân Hàn Quốc bất bình và đặt câu hỏi về quan hệ đồng minh lâu năm này. Liên minh an ninh với Washington có thể có những điều chỉnh khi chính quyền mới nhiều khả năng sẽ theo đuổi mối quan hệ song phương "cân bằng hơn" và tăng cường năng lực quân sự độc lập.

Trong thời gian tới, Tổng thống mới của Hàn Quốc phải tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc, đồng thời thương lượng lại với Mỹ về khía cạnh tài chính để không ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh khăng khít. Tổng thống mới sẽ phải tìm cách giải thoát Hàn Quốc khỏi thế mắc kẹt và sớm tìm ra một bước đi khôn ngoan để vừa cân bằng quan hệ với nước lớn, trong khi đảm bảo ngăn chặn mọi nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia. Tuy nhiên, những thay đổi quan trọng này sẽ phải vượt qua ải Quốc hội 300 ghế, nơi phe đối lập đang nắm quyền kiểm soát. Đảng Dân chủ Tư do của ông Moon Jae-in là chính đảng lớn nhất ở Quốc hội, song chỉ giữ 120 ghế.

Với hàng loạt vấn đề đối nội và đối ngoại phải giải quyết, chủ nhân mới của Nhà Xanh sẽ có một nhiệm kỳ 5 năm đầy thách thức. Giáo sư Lee Jun-han thuộc Đại học Quốc gia Incheon cảnh báo rằng, thất bại trong việc phối hợp suôn sẻ với các đảng phái đối lập có thể cản trở chính quyền mới thúc đẩy các sáng kiến mới.

Nguyễn Trung

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/han-quoc-sau-bau-cu-ganh-nang-duong-xa/