Hàn Quốc rúng động vì cái chết của binh sĩ chuyển giới đầu tiên

Cái chết của trung sĩ Buyn Hee Soo đã khơi dậy làn sóng đấu tranh cho quyền bình đẳng của cộng đồng người chuyển giới trước sự kỳ thị của xã hội và chính quyền Hàn Quốc.

Trung sĩ chuyển giới Buyn Hee Soo được phát hiện đã tử vong tại nhà riêng ở thành phố Cheongju, Hàn Quốc vào ngày 3/3. Lực lượng cứu hỏa tiến hành tìm kiếm cô sau khi một nhân viên tư vấn sức khỏe tâm thần trình báo việc mất liên lạc với Byun từ ngày 28/2, theo Yonhap.

Cảnh sát đang điều tra và chưa xác định được nguyên nhân tử vong, AFP đưa tin.

Shin Jeong Hwan, thành viên nhóm điều tra, cho biết trung sĩ Buyn nhiều khả năng đã qua đời trước đó vài ngày vì thi thể cô đã bắt đầu phân hủy.

 Hiện trường nơi lực lượng chức năng phát hiện thi thể của trung sĩ Buyn Hee Soo vào ngày 3/3. Ảnh: AFP.

Hiện trường nơi lực lượng chức năng phát hiện thi thể của trung sĩ Buyn Hee Soo vào ngày 3/3. Ảnh: AFP.

Buyn Hee Soo nhập ngũ ở độ tuổi 20 vào năm 2017, theo luật nghĩa vụ quân sự của Hàn Quốc. Vào năm 2019, binh sĩ này thực hiện phẫu thuật chuyển giới tại Thái Lan.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc sau đó xác định việc trung sĩ Buyn loại bỏ bộ phận sinh dục nam là khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần. Đầu năm 2020, một hội đồng quân sự đã cùng đưa ra phán quyết, buộc trung sĩ Buyn phải giải ngũ.

Giờ đây, tin tức về cái chết của trung sĩ Buyn đã gây ra nhiều luồng tranh cãi xoay quanh lập trường của giới cầm quyền Hàn Quốc đối với vấn đề bản dạng giới và đa dạng tính dục.

Ước mơ thuở nhỏ

Trước nguy cơ quân sự thường trực, Hàn Quốc có luật quy định mỗi công dân nam giới phải phục vụ trong quân đội gần 2 năm.

Tuy nhiên, Buyn đã tình nguyện gia nhập quân đội vào năm 2017. Cô từng khẳng định trước báo giới rằng phục vụ quân đội là ước mơ thời thơ ấu của cô.

Vào thời điểm bị buộc phải giải ngũ, trung sĩ Buyn đã công khai xuất hiện tại một cuộc họp báo để cầu xin được tiếp tục phục vụ đất nước.

“Tôi là một người lính Hàn Quốc”, Buyn nói bằng giọng đứt quãng. “Được phục vụ trong quân đội là ước mơ từ thời thơ ấu của tôi”.

“Không bàn về giới tính, tôi muốn chứng minh rằng tôi có thể là một người lính tuyệt vời để bảo vệ đất nước”, trung sĩ trẻ tuổi thổn thức. “Xin hãy cho tôi cơ hội”.

Trung sĩ Byun Hee Soo bật khóc trong một cuộc họp báo xin được tiếp tục phục vụ quân đội Hàn Quốc. Ảnh: Korea Times.

Sau khi phát hiện thi thể của Buyn tại nhà riêng vào ngày 3/3, các báo cáo cho biết lực lượng chức năng không tìm thấy thư tuyệt mệnh nhưng phỏng đoán trung sĩ Buyn đã tự sát. Các quan chức Hàn Quốc cho biết cô từng cố tự tử hồi cuối năm 2020.

Buyn từng đệ đơn kiện quân đội vì cho rằng quyết định buộc cô giải ngũ là trái pháp luật. Phiên điều trần đầu tiên trong vụ án đã được lên kế hoạch diễn ra tại một tòa án quân sự vào tháng 4.

Phát ngôn viên Moon Hong Sik của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã gửi lời chia buồn trước cái chết của Buyn nhưng từ chối yêu cầu trả lời bình luận từ phía truyền thông.

Sự kỳ thị

Cái chết của trung sĩ Buyn hôm 3/3 đã mở đầu làn sóng kêu gọi các thành viên quốc hội Hàn Quốc thông qua Dự luật chống phân biệt đối xử.

“Toàn xã hội Hàn Quốc phải chịu trách nhiệm về cái chết của cô ấy (Buyn)”, một người dùng viết trên nền tảng Daum, cổng thông tin lớn thứ hai của Hàn Quốc. “Tôi muốn những người đã chế nhạo và đưa ra bình luận ác ý trên mạng vì Buyn là người chuyển giới hãy suy ngẫm về hành động của mình”.

Các nhóm nhân quyền quốc tế từng bày tỏ lo ngại về cách Hàn Quốc ứng xử với binh lính đồng tính. Trên thực tế, binh lính trong quân đội Hàn Quốc có thể bị giam 2 năm tù nếu có liên quan đến các hành vi đồng tính.

“Chúng ta đã có thể cứu cô ấy (Buyn). Chúng ta đáng ra chỉ cần để cô ấy sống đúng với con người mình là được”, công tố viên Seo Ji Huyn của Hàn Quốc viết trên Facebook.

Công tố viên Seo Ji Huyn, người đã lên tiếng bênh vực trung sĩ Buyn sau khi cô qua đời vào ngày 3/3. Ảnh: Yonhap.

Nhiều nhà hoạt động xã hội đồng thời cảm ơn trung sĩ Buyn vì đã lên tiếng bảo vệ quyền của người chuyển giới trước sự kỳ thị của xã hội.

“Tôi thực sự xin lỗi vì chúng tôi đã thất bại trong việc bảo vệ cuộc sống mà bạn hằng mong muốn”, Jang Hye-young, một nhà lập pháp liên kết với Đảng Công lý Hàn Quốc, viết trong một bài đăng trên Twitter.

Trước đó, vào tháng 12/2020, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc đã gọi quyết định buộc trung sĩ Buyn giải ngũ là không công bằng và khuyến nghị rằng họ nên phục hồi chức vụ cho cô.

Lim Tae-hoon, Giám đốc Trung tâm Nhân quyền Quân sự Hàn Quốc, phát biểu sau cái chết của trung sĩ Buyn: “Chúng tôi cầu nguyện rằng trung sĩ Buyn Hee Soo, một người lính thuộc đơn vị tăng thiết giáp, sẽ gặp những người cùng chí hướng ở thế giới bên kia, nơi không có sự phân biệt và hận thù”.

Tàu chiến Hàn Quốc đến vịnh Ba Tư sau vụ Iran bắt tàu dầu Tàu dầu Hàn Quốc bị Iran bắt giữ vào ngày 4/1 có hai thuyền viên Việt Nam. Ngay sau vụ việc, Hàn Quốc điều tàu quân sự thuộc đơn vị chống hải tặc đến vùng biển.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/han-quoc-rung-dong-vi-cai-chet-cua-binh-si-chuyen-gioi-dau-tien-post1189834.html