Hàn Quốc nở rộ bán hàng 'livestream'

Làn sóng bán hàng trực tuyến xuất phát từ Trung Quốc đang vực dậy ngành thương mại thời trang Hàn Quốc từng một thời gặp khó khăn.

Ding Xiaoping đang livestream để bán quần áo tại chợ bán buôn thời trang Dongdaemun. (Ảnh: SCMP)

Đối với nhiều người tiêu dùng và nhà bán lẻ Trung Quốc, trào lưu mua sắm qua phát trực tiếp (livestream) hiện đang rất phổ biến và được ưa thích, với hàng ngàn chương trình tiếp thị sản phẩm có hàng triệu lượt xem hằng ngày. Hiện nay, xu thế ấy đang lan rộng sang Hàn Quốc – một trong những kinh đô thời trang của châu Á.

Hình thức bán hàng mới

Chịu ảnh hưởng bởi phim truyền hình và nghe nhạc KPop từ nhỏ, Ding Xiaoping (Chiết Giang, Trung Quốc) luôn mơ ước được làm việc tại Hàn Quốc. Mong ước của Ding đã trở thành hiện thực vào năm 2018, khi cô bắt đầu làm người bán hàng livestream tại xứ kim chi.

Tính đến nay, Ding là một trong số khoảng 600 người Trung Quốc đang hoạt động ở khu Dongdaemun - cái nôi của những nhãn hàng thời trang nổi tiếng ở Seoul. Ding hiện đang bán quần áo cho các thương hiệu và nhà bán buôn của Hàn Quốc, với giá bán lẻ từ 98 Nhân dân tệ/áo và 150 Nhân dân tệ/váy.

Theo một công ty nghiên cứu, Trung Quốc hiện đang là quốc gia có lượng người bán hàng livestream lớn nhất thế giới, với hơn 100 triệu người xem hàng tháng, đạt doanh thu 4,4 tỷ USD riêng năm 2018. Bắt kịp xu hướng đó, các nhãn hàng thời trang Hàn Quốc cũng đang cố gắng thâm nhập vào thị trường béo bở này.

Kể từ năm 2016 đến giữa năm 2018, Bắc Kinh đã giới hạn các tour du lịch theo nhóm tới Hàn Quốc, vì nước láng giềng Đông Á đã lắp đặt hệ thống tên lửa chống đạn đạo (THAAD) do Mỹ sản xuất. Thống kê cho thấy, lượng khách Trung Quốc đến xứ sở kim chi đã giảm từ mức hơn 600.000 vào tháng 4/2016 xuống còn khoảng 227.000 vào tháng 4/2018.

Sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ vào tháng 8/2018, lượng khách du lịch Trung Quốc đến Hàn Quốc vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, với số lượng du khách chỉ đạt 493.000 vào tháng 4/2019, tăng 34,5%. Dù vậy, con số này vẫn không đủ để phục hồi ngành kinh doanh thời trang tại trung tâm Dongdaemun ở Thủ đô Seoul.

Thành viên của Hội đồng Khu du lịch đặc biệt Dongdaemun Fashion Town Park Joong-hyeon cho biết: “Chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề bởi THAAD, thị trường bán lẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thông thường, thời điểm này trong năm, khu Dongdaemun thu hút rất nhiều khách du lịch Trung Quốc nhưng hiện tại lượng khách đã giảm đáng kể. 60% doanh số của một số cửa hàng đến từ khách du lịch Trung Quốc”.

Dù các mặt hàng xuất khẩu văn hóa chủ đạo của Hàn Quốc là K-pop và K-drama tiếp tục là mục tiêu chính trong chiến dịch tẩy chay của Bắc Kinh chứ không phải mặt hàng thời trang nhưng ông Park cho biết, một số lô hàng thời trang đã bị hải quan Trung Quốc từ chối.

“Mặc dù hiện nay lý do liên quan đến THAAD đã được dỡ bỏ nhưng nhiều khách hàng Trung Quốc vẫn không muốn quay lại Hàn Quốc. Doanh số của các cửa hàng bán lẻ thời trang ở Dongdaemun vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, trong khi các nhà bán buôn mới phục hồi được từ 40 đến 50% doanh số,” ông Park Joong-hyeon cho biết thêm.

Sau khi nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của dịch vụ bán hàng livestream cho các khách hàng Trung Quốc, các thương nhân thời trang đã bắt đầu áp dụng hình thức bán hàng mới này. Từ năm 2017, nhiều người bán hàng livestream của Trung Quốc bắt đầu tìm đến khu Dongdaemun để tham khảo thị trường và ghi lại những trải nghiệm mua sắm khi ghé thăm các cửa hàng.

“Nếu như trước kia, chủ cửa hàng thường khó chịu vì những người nổi tiếng phát livestream và sử dụng không gian tại cửa hàng thì sau này, họ nhận thấy livestream có thể giúp họ bán nhiều hàng hơn và dần trở thành một hoạt động phổ biến quanh khu Dongdaemun”, ông Park Joong-hyeon nói.

Người chơi quyền lực

Hình thức bán hàng trực tiếp qua livestream đã nhanh chóng trở thành những “người chơi quyền lực” ở Dongdaemun, khi giúp vực dậy doanh số và thu hút khách hàng mới cho hơn 20.000 nhà bán buôn quần áo tại Hàn Quốc.

Hầu hết các người bán hàng qua livestream ở Dongdaemun tự kinh doanh và điều hành kênh mua sắm riêng trên các nền tảng như Taobao – hệ thống thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc. Tuy vậy, không ít các doanh nghiệp Hàn Quốc đang sử dụng dịch vụ riêng, vì họ hiểu tầm quan trọng và vai trò của các người bán hàng qua livestream trong hệ sinh thái thương mại điện tử của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Là nhà thiết kế thời trang kiêm Giám đốc điều hành của kênh mua sắm trực tuyến A. Glow, Hwang Kyo-Jun cho biết, phát trực tiếp hiện rất quan trọng đối với xu hướng mua sắm trực tuyến tại Trung Quốc.

“Người tiêu dùng Trung Quốc muốn biết sự thật về sản phẩm, từ nguồn gốc, xuất xứ, cho đến các kênh phân phối, và muốn đảm bảo rằng họ đang mua quần áo được sản xuất tại Hàn Quốc. Hầu hết các trung tâm mua sắm trực tuyến của Hàn Quốc đều có ảnh sản phẩm, nhưng không thể đảm bảo rằng những gì khách hàng nhận được sẽ giống như trong ảnh,” nhà thiết kế Hwang nhận định.

Trong bối cảnh Trung Quốc chặn các nền tảng công nghệ nổi tiếng như YouTube, Facebook và Instagram, các phương tiện nói trên lại rất phổ biến tại Hàn Quốc, Hong Kong và khu vực Đông Nam Á. Dù vậy, hội viên của Chợ Dongdaemun Jang Dong-youn cho rằng livestream trên Taobao mới là công cụ có tầm ảnh hưởng lớn nhất.

“Rất nhiều thương nhân Hàn Quốc muốn kết nối với người bán hàng trên Taobao. Đây đang là vấn đề nhức nhối của ngành thương mại điện tử tại Dongdaemun,” ông Jang Dong-youn cho biết.

Đối với những người như Ding Xiaoping, bán hàng trên livestream đã trở thành công việc hấp dẫn và thú vị đối với hàng triệu thanh niên Trung Quốc. Ding đã lên kế hoạch tiếp tục làm việc như một người bán hàng livestream trong tương lai gần, vì gia đình và bạn bè đều ủng hộ sự lựa chọn độc đáo này.

“Quay trực tiếp trên mạng giống như đang trò chuyện với hàng ngàn người. Tôi cho người xem lời khuyên du lịch Hàn Quốc, và dĩ nhiên, tôi cũng tiết lộ cho họ cách ăn mặc phù hợp với thời tiết tại đây” Ding chia sẻ.

Cẩm Yến

(theo South China Morning Post)

Cẩm Yến

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/han-quoc-no-ro-ban-hang-livestream-95896.html