Hàn Quốc nỗ lực giảm thiểu tình trạng 'ám ảnh' làm việc

Văn hóa làm việc nhiều đến mức kiệt sức đã khiến nhiều người ở Hàn Quốc thậm chí mất mạng sau những tuần dài làm việc không ngừng nghỉ. Trong bối cảnh đó, chính sách mới được Chính phủ nước này ban hành đang được kỳ vọng sẽ tạo ra những biến chuyển đáng kể.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sự hối hận muộn màng của người vợ

Lần giở điện thoại một hồi lâu, bà Park Hyun-suk – một góa phụ mất chồng vì tình trạng gwarosa, từ trong tiếng Hàn để chỉ việc chết vì làm việc quá sức – mới tìm được một bức hình của chồng. Đó là bức hình hiếm hoi có đủ các thành viên trong gia đình họ, được chụp khi chồng bà Park vẫn còn mặc nguyên bộ đồng phục lao động màu trắng, đầu đội mũ bảo hộ. Ông Chae Soo-hong làm việc cho một công ty chuyên cung cấp món thịt bò nấu tương jangjorim nổi tiếng của Hàn Quốc. Công việc chính của ông là đảm bảo tiêu chuẩn và thời gian của chuỗi dây chuyền sản xuất.

Với phần việc như vậy, trong tất cả các ngày trong tuần, ông Chae sẽ phải đi tới xưởng chế biến của công ty để giám sát hoạt động sản xuất. Vào các ngày thứ 7, ông lại phải tới văn phòng công ty để xử lý sổ sách. Ngay cả khi đã về nhà, ông Chae cũng vẫn chưa dứt được với công việc. Dù không phải là trách nhiệm theo quy định nhưng vào buổi tối ông vẫn phải tiếp các cuộc điện thoại của các công nhân – phần lớn là các lao động nhập cư người nước ngoài – để trả lời những thắc mắc của họ, bao gồm từ công việc cho tới việc xử lý các vấn đề phát sinh trong cuộc sống ở Hàn Quốc.

“Khi ông ấy vào công ty năm 2015, công ty mới có 30 lao động. Đến thời điểm ông ấy qua đời, công ty đã lớn mạnh hơn rất nhiều, có tổng cộng 80 nhân viên. Cùng với sự gia tăng quy mô của công ty, phần việc mà ông ấy phải làm cũng tăng lên rất nhiều”, bà Park cho biết.

Những việc mà ông Chae phải làm cho công ty nhiều đến mức toàn bộ thời gian ở nhà của ông gần như chỉ để dành cho việc ngủ. Chuỗi những ngày làm việc triền miên như vậy của ông kết thúc vào một ngày thứ 7 của tháng 7/2017. Sáng ngày hôm đó, khi chuẩn bị đến văn phòng chính của công ty để sắp xếp sổ sách, như những ngày cuối tuần trước đó, ông phàn nàn bị mệt. Bà Park nghe thấy nhưng cũng chẳng mảy may chú ý vì ngày nào ông cũng kêu mệt!

“Lẽ ra tôi phải nhìn thấy những dấu hiệu rằng chồng mình thực sự không khỏe!”, bà Park hối hận. Tuy nhiên, đó là sự hối hận muộn màng vì vào lúc 19h00 cùng ngày, ông Chae đã trút hơi thở cuối cùng. “Ông ấy không về nhà vào ngày hôm ấy”, bà Park buồn rầu kể lại. Những đồng nghiệp của ông Chae phát hiện ông nằm gục ở sàn văn phòng. Lúc này, ông đã tử vong. Cơ quan pháp y đã không được mời vào cuộc nên nguyên nhân tử vong chính xác của ông đã không được xác định.

Ông Chae không phải là trường hợp cá biệt ở Hàn Quốc. Theo số liệu thống kê của Chính phủ nước này, trong năm 2017, ở Hàn Quốc đã có hàng trăm người ở nước này tử vong vì làm việc quá sức. Trong số 36 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), số giờ làm việc trung bình trong tuần của người Hàn Quốc cao hơn mức trung bình của tất cả các nước trong nhóm, trừ Mexico. Số giờ lao động trung bình mỗi tuần của Hàn Quốc nhiều hơn gần 50% so với mức trung bình của Đức – nước vốn nổi tiếng về các hoạt động sản xuất công nghiệp.

Trước tình hình này, hồi tháng 7 vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành quy định giảm số giờ làm việc tối đa của người lao động ở nước này từ 68 giờ/tuần xuống còn 40 giờ/tuần và số giờ làm thêm của người lao động được trả lương được quy định không quá 12 giờ. Quy định này có hiệu lực từ tháng 1/2019 và bắt đầu với các công ty có quy mô trên 300 lao động. Phát biểu về quy định, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng đây là cơ hội quan trọng để Hàn Quốc tránh xa một xã hội làm việc quá sức và hướng tới một xã hội dành nhiều thời gian cho gia đình. “Điều quan trọng nhất bởi đây chính là giải pháp cơ bản để bảo vệ mạng sống và an toàn cho người dân bằng cách giảm số ca tử vong vì làm việc quá sức, giảm những vụ tai nạn lao động và những lái xe trong tình trạng thiếu ngủ”, ông Moon nói.

Tuy nhiên, đối với những gia đình đã phải nếm trải những đau buồn do có người thân chết vì làm việc quá sức, nỗi đau của họ không dừng lại ở đó. Nó luôn hiện hữu cùng với cuộc chiến đòi bồi thường cho sự ra đi của người thân của họ. Điển hình ở đây chính là trường hợp của bà Park. Với việc rõ ràng ông Chae tử vong tại văn phòng công ty, bà Park ban đầu nghĩ rằng cái chết của ông chắc chắn sẽ được xếp vào nhóm những trường hợp tử vong liên quan đến công việc và gia đình bà sẽ nhận được tiền bồi thường. Thế nhưng, bà nhanh chóng phát hiện ra rằng việc này phức tạp hơn bà nghĩ nhiều.

Sau khi nhận được đơn đề nghị thanh toán bồi thường của bà Park, Cơ quan Bồi thường và Phúc lợi Lao động Hàn Quốc (COMWEL) - một cơ quan của chính phủ - yêu cầu bà Park chứng minh rằng ông Chae đã chết khi đang làm việc. “Đó thực sự là một thử thách. Ông ấy thường rời khỏi nhà vào lúc 7h00 sáng và về nhà lúc 22h00 đêm nhưng không có bảng ghi chép rõ ràng về thời gian làm việc”, bà nói.

Bước đột phá của bà Park trong hành trình chứng minh chồng bà đã phải làm việc đến chết đến khi bà phát hiện một trạm thu phí mà chồng bà ngày nào cũng lái xe đi qua có camera giám sát thể hiện rõ thời gian các xe đi qua. Với bằng chứng này, bà Park chứng minh được rằng ngày nào chồng bà cũng đi làm từ sáng sớm và đến tối muộn mới về nhà. Nhưng chừng đó là chưa đủ bởi vào các ngày thứ 7, chồng bà tới văn phòng chính của công ty làm việc. Đó cũng là nơi ông qua đời nhưng bà lại không có được hình ảnh ông Chae đi làm vào các ngày này.

Nỗi ám ảnh chết người

Luật pháp Hàn Quốc không chính thức công nhận các trường hợp tử vong do làm việc quá sức nhưng COMWEL xác nhận những ca tử vong do đột quỵ hoặc đau tim xảy ra trong thời gian người lao động làm việc quá 60 giờ một tuần liên tục trong 3 tháng đủ điều kiện nhận bồi thường cho việc tử vong do làm việc. Trường hợp của bà Park may mắn hơn nhiều người khác khi dù không có bằng chứng chứng minh ông Chae tuần nào cũng phải làm thêm vào các ngày thứ 7 nhưng bà Park vẫn chứng minh được rằng ông Chae đã làm việc hơn 180 giờ mỗi tuần trong suốt nhiều tuần liền trước khi qua đời. Chính vì vậy nên bà đã trở thành một trong số ít những trường hợp may mắn được nhận bồi thường từ COMWEL.

Một tháng sau khi ông Chae qua đời, bà Park có mặt tại một sự kiện có sự tham gia của hơn 10 người ở một phòng học nhỏ, cạnh chợ cá lớn nhất Seoul. Điểm chung của những người có mặt ở đó là đều mất đi người thân, thường là chồng hoặc cha, vì tình trạng làm việc quá sức. Nhóm này do cô Kang Min-jung đứng ra thành lập sau khi chú của cô – cũng là người đã nuôi nấng cô từ khi còn nhỏ - chết vì gwarosa.

“Khi chú tôi qua đời, tôi đã không ngừng tự hỏi mình tại sao chuyện đó lại xảy ra? Tại sao ông ấy lại phải làm việc nhiều đến như vậy. Khi đó, tôi đã quyết định sang Nhật để nghiên cứu về hiện tượng chết do làm việc quá sức”, cô Kang kể lại. Sở dĩ Kang tìm tới Nhật Bản bởi Nhật là nước đã bắt đầu nghiên cứu hiện tượng người lao động làm việc kiệt sức đến chết từ những năm 1980, khi số người tử vong vì văn hóa làm việc đến kiệt sức ở Nhật tăng mạnh. Đến nay, Nhật cũng là nước duy nhất trên thế giới quy định rõ bắt buộc Chính phủ phải nghiên cứu và có những biện pháp để ngăn chặn tình trạng người lao động làm việc quá sức.

Sau khi trở về nước, Kang bắt đầu tổ chức những cuộc gặp để kết nối những gia đình có người thân chết vì làm việc kiệt sức nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng về vấn đề này. Mới đầu, số người đến tham gia các cuộc gặp như vậy chỉ có vài người vì nhiều người chưa ý thức được việc có hiện tượng làm việc quá sức đến chết cũng như việc họ có thể được nhận bồi thường theo luật lao động khi người thân trở thành nạn nhân của tình trạng đó. Chính việc không nhận thức được nguy cơ tử vong vì làm việc quá tải đã dẫn tới những trường hợp đau lòng như ông Chae.

“Ông ấy hẳn nghĩ rằng việc làm việc như thế là bình thường. Là người sinh ra ở thời điểm bùng nổ dân số, ông ấy luôn tự nhủ phải chăm chỉ để nuôi sống gia đình. Ông ấy chẳng mấy khi nghỉ ngơi”, bà Park xác nhận. Thêm vào đó, Hàn Quốc còn là xã hội đòi hỏi thời gian làm việc của người lao động cao và nhiều chủ sử dụng lao động vẫn nghĩ rằng những người làm việc nhiều sẽ hiệu quả và làm việc tốt khiến nhiều khi người lao động không dám cho mình nghỉ ngơi.

Song, thực tế cho thấy, không chỉ là nguyên nhân dẫn tới những trường hợp tử vong vì kiệt sức, các dữ liệu cũng cho thấy Hàn Quốc nằm trong nhóm dưới về năng suất lao động trong OECD dù số giờ lao động bình quân thuộc nhóm cao nhất. Sau khi chính sách làm việc tối đa 52 giờ được Chính phủ Hàn Quốc ban hành, KT trở thành một trong những công ty đi đầu trong thực hiện tuân thủ luật.

Anh Kim Jung-jun - một công nhân của công ty cho biết, sau 3 tháng làm việc theo giờ giấc mới, anh ngủ được nhiều hơn và có nhiều thời gian cho gia đình, bạn bè hơn. Sức khỏe của anh cải thiện thấy rõ và hiệu suất làm việc cũng cao hơn. Bộ Lao động Hàn Quốc hồi tháng 8 cũng công bố số liệu cho thấy đã có khoảng 43.000 việc làm mới được tạo ra nhờ thay đổi chính sách này vì các doanh nghiệp buộc phải thuê thêm lao động thay vì yêu cầu các lao động sẵn có làm thêm giờ.

Tâm An

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/quoc-te/han-quoc-no-luc-giam-thieu-tinh-trang-am-anh-lam-viec-425652.html