Hàn Quốc: Nhà giàu đổ tiền để con học giỏi

Chi phí học tập để một học sinh vào được trường Y ở Hàn Quốc có thể lên đến 100 triệu won tương đương khoảng 87 nghìn USD/năm.

 Ảnh: Economist

Ảnh: Economist

Kết quả khảo sát của Nomura Research Institute cho thấy tại Nhật với các cá nhân kiếm được hơn 20 triệu yên/năm, 1/3 trong số này muốn dành thật nhiều tiền cho việc học của con cái, tỷ lệ như vậy đã đáng kể so với con số 19% vào năm 2000. Ngược lại, tỷ lệ này với những người kiếm được từ 1 triệu đến 2 triệu yên giảm từ 14% xuống 10%, theo báo Nikkei.

Giáo dục chất lượng cao, đặc biệt từ cấp phổ thông trung học, thậm chí còn căng thẳng hơn tại Hàn Quốc, nơi tỷ lệ sinh hiện rơi xuống mức thấp nhất trong 5 thập kỷ.

Khởi đầu từ năm đầu tiên của cấp phổ thông trung học, học sinh phải tham gia vào khóa đào tạo đặc biệt để có thể vào được ngành Y của Đại học Quốc gia Hàn Quốc. Sinh viên học hành cực kỳ vất vả để đảm bảo rằng họ có thể có được kỹ năng cần thiết.

Thực tế này đã khiến cho thị trường của những người điều phối kinh doanh, người không chỉ có chức năng giám sát công việc học hành của học sinh mà còn quản lý cả việc đọc sách cũng như hoạt động ngoại khóa, ngày một phát triển.

Để cho trường đại học thấy rằng học sinh sẵn sàng làm tất cả những gì có thể để có thể trở thành bác sỹ, người điều phối sẽ phải yêu cầu sinh viên tham gia vào các hoạt động có liên quan đến ngành y. Người điều phối thậm chí cũng sẽ cần phải nắm được quyển sách nào sinh viên cần phải đọc và làm tóm tắt cho sinh viên.

Đương nhiên các dịch vụ này không hề rẻ. Chi phí có thể lên đến 100 triệu won tương đương khoảng 87 nghìn USD/năm, tuy nhiên theo một người điều phối, nhu cầu cực kỳ cao bởi có nhiều bác sỹ muốn con họ nối nghiệp gia đình.

Truyền hình Hàn Quốc từng làm chương trình về những người điều phối giáo dục, chương trình đã thu được lượng người xem cao kỷ lục. Chương trình này được phát sóng cho đến tháng 2/2019 có tên SKY Castle, SKY là viết tắt của tên 3 trường đại học bao gồm Đại học Quốc gia Hàn Quốc, Đại học Hàn Quóc và Đại học Yonsei.

Chương trình kể câu chuyện về nhiều bậc cha mẹ có rất nhiều kỳ vọng vào con cái và đã giao con cho người điều phố rất khắc nghiệt. Và dù chương trình như một lời cảnh báo về chương trình đào tạo kỹ năng này, số lượng người điều phối theo nghề cứ ngày một tăng lên.

Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết chi phí giáo dục tư thục tại Hàn Quốc ước tính khoảng 321 nghìn won/học sinh phổ thông. Tuy nhiên nhiều bậc cha mẹ còn chi tiêu nhiều hơn. Một người cha cho biết chi phí khoảng từ 2 triệu won đến 5 triệu won mỗi tháng là hoàn toàn bình thường. Số tiền này tương đương đến nửa lương của người đi làm tại các tập đoàn lớn.

Chi phí giáo dục cao được cho là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng sinh con tại Hàn Quốc bởi các cặp đôi không muốn sinh con. Tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc, tức là tỷ lệ số con trung bình mà mỗi người phụ nữ sẽ có trong đời của họ, giảm xuống 0,98 vào năm 2018 – mức thấp nhất tính từ năm 1970.

Chính phủ Hàn Quốc đã chi ra 117 triệu won từ năm 2016 đến năm 2018 nhằm giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh sụt giảm cũng như dân số già. Thế nhưng cuối cùng chiến dịch cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì.

Nhiều gia đình trẻ tại Trung Quốc, Singapore và nhiều nền kinh tế lớn khác của châu Á đối đầu với vấn đề tương tự. Tại Trung Quốc, sẽ mất đến 7 thế hệ của gia đình thu nhập thấp để họ có thể cải thiện được mức thu nhập lên ngưỡng trung bình, theo tính toán của OECD. Các chuyên gia phân tích Trung Quốc cho rằng bất bình đẳng thu nhập và giáo dục đang khiến cho nhiều vấn đề trở nên tồi tệ hơn.

Các bậc cha mẹ muốn con cái được học hành tử tế, muốn con họ có tất cả các lợi thế để có thể đương đầu với một tương lai bất định. Thế nhưng với chính phủ nhiều nước châu Á, bất bình đẳng về cơ hội giáo dục thực sự là một thách thức lớn và thời gian không ủng hộ họ.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/han-quoc-nha-giau-do-tien-de-con-hoc-gioi-3503048.html