Hàn Quốc muốn giải quyết bằng biện pháp ngoại giao

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Hàn-Nhật chưa 'hạ nhiệt', Seoul đã lên tiếng kêu gọi Tokyo tránh làm gia tăng mâu thuẫn giữa hai bên và cùng nhau giải quyết xung đột thương mại song phương qua con đường ngoại giao.

Theo Yonhap, ngày 25-7, tại cuộc họp hàng tuần của chính phủ về các vấn đề nhà nước, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon kêu gọi Nhật Bản tránh làm gia tăng căng thẳng liên quan đến biện pháp hạn chế xuất khẩu của Tokyo đối với Seoul, đồng thời đề nghị giải quyết vấn đề căng thẳng thương mại song phương bằng biện pháp ngoại giao. Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon nhấn mạnh: "Nhật Bản không nên làm tình hình thêm trầm trọng. Chúng ta hãy tìm giải pháp thông qua tham vấn ngoại giao. Chúng tôi hy vọng Nhật Bản sẽ đưa ra quyết định sáng suốt". Ông cảnh báo nếu Tokyo khiến tình hình xấu hơn, quan hệ căng thẳng giữa hai nước có thể "vượt ngoài tầm kiểm soát".

 Một biểu ngữ vận động tẩy chay các sản phẩm của Nhật Bản tại một siêu thị ở Seoul, Hàn Quốc. Nguồn: Reuters.

Một biểu ngữ vận động tẩy chay các sản phẩm của Nhật Bản tại một siêu thị ở Seoul, Hàn Quốc. Nguồn: Reuters.

Tuyên bố trên được người đứng đầu Chính phủ Hàn Quốc đưa ra giữa lúc Nhật Bản chuẩn bị ra quyết định sau cùng liên quan tới kế hoạch đưa Hàn Quốc ra khỏi "danh sách trắng" những quốc gia đáng tin cậy được hưởng ưu đãi về thủ tục xuất khẩu. Hiện "danh sách trắng" có 27 quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp… Đối với những quốc gia nằm trong danh sách, Nhật Bản cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ngoài danh mục quy định không cần phải kiểm tra, cấp phép riêng đối với từng hợp đồng mà chỉ cần một giấy phép chung. Nhật Bản đã đưa Hàn Quốc vào "danh sách trắng" từ năm 2004. Nếu quyết định được đưa ra, Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia đầu tiên bị Nhật Bản loại khỏi danh sách. Việc đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách này đồng nghĩa sẽ phát sinh thêm các thủ tục kiểm tra trước khi xuất khẩu đối với nhiều mặt hàng từ Nhật Bản xuất sang Hàn Quốc như: Hóa chất, dược phẩm, linh kiện điện tử, máy móc... Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) sẽ đưa ra các yêu cầu kiểm tra dựa trên những phán đoán liên quan tới vấn đề an ninh. Ngoài sự kiểm soát từ METI, Bộ Tài chính Nhật Bản cũng sẽ kiểm tra về mặt thuế quan, dù đã được METI cấp phép.

Nhằm giảm tác động từ việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu các vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc, Chính phủ Hàn Quốc sẽ cho phép các công ty trong nước tham gia nội địa hóa các nguyên liệu công nghiệp chủ chốt được tạm thời thuê lao động làm việc quá 52 giờ/tuần. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Lao động Hàn Quốc Lee Jae-Kap cho biết, các công ty nghiên cứu và phát triển (R&D) nội địa hóa các linh kiện và tiến hành các thử nghiệm mua các linh kiện thay thế có thể cho phép công nhân làm thêm nhiều giờ trong thời gian lên tới 3 tháng. Theo Luật Lao động hiện hành của Hàn Quốc, các lao động chỉ được phép làm thêm quá 12 giờ mỗi tuần khi cần tập trung đối phó với thảm họa xã hội hay thiên nhiên.

Mâu thuẫn giữa Hàn Quốc và Nhật Bản gia tăng phát sinh từ việc Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng ép lao động trong thời gian Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 tới cuối Chiến tranh thế giới thứ hai. Căng thẳng giữa hai nước láng giềng Đông Bắc Á đã leo thang trong tháng 7 này khi Nhật Bản siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc một số vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình từ ngày 4-7. Phía Hàn Quốc cáo buộc đây là động thái của Nhật Bản nhằm gây sức ép giải quyết mâu thuẫn song phương về vấn đề lao động thời chiến. Tuy nhiên, Tokyo luôn khẳng định biện pháp này được đưa ra vì lý do an ninh.

Trong bối cảnh quan hệ chính trị và kinh tế giữa hai nước xấu đi nhanh chóng sau động thái hạn chế xuất khẩu một số vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc của Tokyo, người dân Hàn Quốc bắt đầu tẩy chay các sản phẩm và dịch vụ từ Nhật Bản.

Trước đó, phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, nếu cần thiết, ông sẵn lòng giúp giải quyết tình hình căng thẳng thương mại đang leo thang giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Giới quan sát nhận định, Washington có thể đứng ra làm trung gian hòa giải cho hai nước, cũng như ngăn chặn không để tình trạng căng thẳng thương mại hiện nay lan sang các lĩnh vực khác. Về phần mình, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton bày tỏ lo ngại rằng, bất đồng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc có thể gây rạn nứt liên minh an ninh Mỹ-Nhật-Hàn trong bối cảnh các bên đang nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/han-quoc-muon-giai-quyet-bang-bien-phap-ngoai-giao-583351