Hàn Quốc: Lo ngại nguy cơ số ca mắc COVID-19 tăng đột biến sau bầu cử

Những lo ngại đã xuất hiện tại Hàn Quốc khi hơn 10.000 người trong diện phải tự cách ly đã đến các điểm bỏ phiếu trên toàn quốc.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 14/4/2020. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 14/4/2020. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Cơ quan Y tế Hàn Quốc ngày 16/4 tuyên bố sẽ theo dõi nguy cơ số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này tăng lên sau cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua.

Thứ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc Kim Ganglip cho biết: "Do thời gian ủ bệnh lâu nên chúng tôi phải chờ một hoặc hai tuần để xem các biện pháp kiểm dịch trong ngày bầu cử có thực sự hiệu quả hay không."

Trước đó, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử kể từ khi dịch COVID-19 hoành hành toàn cầu.

Kết quả sơ bộ cho thấy đảng Dân chủ đồng hành (DP) cầm quyền đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử này. Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu đạt mức cao nhất trong 28 năm qua.

Các biện pháp kiểm dịch đã được thực hiện tại các địa điểm bỏ phiếu như đeo khẩu trang, găng tay và kiểm tra thân nhiệt ở lối vào.

Trong tuần qua, Hàn Quốc ghi nhận trên dưới 50 ca mắc mới mỗi ngày, giảm mạnh so với mức cao nhất vào ngày 29/2 là 909 ca.

Ngày 16/4, số ca mắc mới đã giảm xuống mức thấp nhất (22 ca). Tuy nhiên, những lo ngại đã xuất hiện khi hơn 10.000 người trong diện phải tự cách ly đã đến các điểm bỏ phiếu trên toàn quốc.

Những người không sốt hoặc có triệu chứng hô hấp được phép rời khỏi nhà trong khoảng thời gian từ 17 giờ 20 đến 19 giờ tối 15/4 để tham gia bỏ phiếu sau khi các cử tri khác bỏ phiếu xong.

Liên quan đến tác động của dịch COVID-19 đối với kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển Hàn Quốc (KDI) cùng ngày 16/4 công bố báo cáo "Xu hướng kinh tế" số tháng Tư, nhận định toàn ngành công nghiệp nước này trong tháng 2 vừa qua lao dốc mạnh do dịch COVID-19.

Thị trường tuyển dụng cũng thu hẹp, tập trung chủ yếu ở ngành dịch vụ.

Tình hình sản xuất và công suất của ngành chế tạo Hàn Quốc cũng sụt giảm nghiêm trọng do khó khăn về nguồn cung linh kiện xe ôtô nhập khẩu từ Trung Quốc.

Các lô hàng xuất xưởng của ngành chế tạo trong tháng Một và Hai tính bình quân giảm khoảng 0,8%. Tỷ lệ tồn kho ngành chế tạo trong tháng 2 là 118%, cao hơn tháng trước. Công suất hoạt động bình quân của ngành này đạt 70,7%, giảm 4,9% so với tháng trước.

KDI nhận định tác động tiêu cực đang ngày càng gia tăng trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu.

Chỉ số tâm lý tiêu dùng ở Hàn Quốc cũng giảm mạnh từ 104,2 điểm trong tháng Một và 96,9 điểm trong tháng Hai xuống còn 78,4 điểm trong tháng Ba.

KDI đánh giá tiêu thụ của các ngành cần tiếp xúc trực tiếp giữa người với người trong tháng Ba có khả năng sẽ thu hẹp mạnh hơn nữa so với tháng Hai.

Xuất khẩu bình quân hàng ngày trong tháng Ba của Hàn Quốc giảm tới 4%, giảm sâu so với mức 12,4% của tháng Hai.

Xuất khẩu trong thời gian tới có khả năng sẽ sụt giảm hơn nữa bởi sau tháng Ba mới là thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát mạnh trên toàn cầu.

Trên thị trường tài chính, giá cổ phiếu, giá trị đồng won, lãi suất trái phiếu chính phủ đều giảm do lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu. Rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp cũng tăng cao./.

Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/han-quoc-lo-ngai-nguy-co-so-ca-mac-covid19-tang-dot-bien-sau-bau-cu/634966.vnp