Hàn Quốc bỏ tham vọng tàu sân bay chuyển sang đầu tư cho tàu ngầm

Chương trình đóng tàu sân bay đầu tiên mang tên CVX của Hàn Quốc bị 'thất sủng' khi không nằm trong danh sách nhận phân bổ tài chính từ ngân sách quốc phòng năm 2023.

Tương lai của loạt chiến đấu cơ F-35B mà Seoul mua về vì vậy cũng bị đặt câu hỏi, nhưng đây lại là tin tốt cho đội tàu ngầm nước ngoài. Hạm đội có thể nhận được nhiều ngân sách hơn.

Đề xuất ngân sách năm 2023 mà chính phủ Hàn Quốc đưa ra ngày 30.8 (trình lên Quốc hội vào ngày 2.9) kêu gọi chi 57,1 nghìn tỉ won (42,5 tỉ USD) cho quốc phòng – tăng 4,6% so với năm 2022. Chương trình CVX không nằm trong danh sách nhận phân bổ tài chính vì chi phí đắt đỏ và ưu tiên trong đối phó mối đe dọa hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên thay đổi.

Trước đây, Hàn Quốc có chương trình LPX-II thiết kế tàu tấn công đổ bộ cho phép chiến đấu cơ F-35B cất hạ cánh thẳng đứng hoạt động. Đến gần đây chương trình CVX mang đến thiết kế tàu sân bay lớn hơn đáng kể, có đường băng dạng nhảy cầu giống tàu sân bay lớp Queen Elizabeth của Anh.

Thiết kế từ tập đoàn Hyundai Heavy Industries là một tàu sân bay dài gần 260 mét, rộng hơn 60 mét, trọng lượng rẽ nước lúc đầy tải khoảng 45.000 tấn, chở được 20 chiếc F-35B. Đặc biệt tàu còn có boong phụ vận hành máy bay không người lái cánh quay cùng khoang chìm triển khai thiết bị không người lái hoạt động trên mặt nước hay thiết bị không người lái hoạt động ngầm.

Thiết kế tài sân bay của Hyundai Heavy Industries - Ảnh: Youtube

Thiết kế tài sân bay của Hyundai Heavy Industries - Ảnh: Youtube

Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering đem đến thiết kế truyền thống hơn, đường băng không phải dạng nhảy cầu, dài 262 mét, rộng 45 mét, trọng lượng rẽ nước 45.000 tấn, chở được 16 chiếc F-35B cùng 6 máy bay trực thăng hạng trung.

Cả hai thiết kế đều lớn hơn tàu đổ bộ cho phép máy bay trực thăng hoạt động lớp Dokdo dài gần 200 mét, rộng hơn 30 mét, trọng lượng rẽ nước 19.5000 tấn.

Bất kể dùng thiết kế nào, tàu sân bay sẽ là bước phát triển đáng kể của hải quân Hàn Quốc, nhưng cũng là một khoản đầu tư khổng lồ.

Đóng một tàu sân bay lớp Queen Elizabeth tốn 2,3 tỉ bảng Anh (2,85 tỉ USD). Chi phí vận hành hàng năng chưa tính phi đội hoạt động trên tàu vào khoảng 96 triệu bảng Anh (112 triệu USD).

Chi phí đóng tàu sân bay của Hàn Quốc trước đó được ước tính vào khoảng 1,83 tỉ USD, mua 20 chiếc F-35B tốn 2,7 tỉ USD. Vốn dĩ Seoul sẽ tiến hành đấu thầu vào năm 2022 và kỳ vọng sở hữu tàu sân bay sẵn sàng đi vào hoạt động vào đầu những năm 2030.

Nhưng nay tương lai của chương trình CVX rất u ám, tuy vậy Hàn Quốc vẫn có khả năng đưa F-35B vào sử dụng bằng cách nâng cấp tàu đổ bộ hiện lớn. Triển khai chiến đấu cơ từ căn cứ trên đất liền là lựa chọn thực tế khác, đảm bảo F-35B nằm phân tán thay vì nằm trên tàu sân bay dễ trở thành mục tiêu của tên lửa Triều Tiên.

Hàn Quốc vẫn có cách sử dụng F-35B dù không có tàu sân bay - Ảnh: The Drive

Bên cạnh chi phí đắt đỏ thì lợi ích của tàu sân bay nếu nổ ra xung đột với Triều Tiên cũng bị nghi ngờ. Mặc dù chắc chắn là biểu tượng sức mạnh ấn tượng đưa Hàn Quốc sáng ngang với Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng tàu sân bay chưa chắc phù hợp với hệ thống 3 trụ cột trong thế trận quốc phòng quốc gia.

Hệ thống 3 trụ cột nhằm mục đích thiết lập cấu trúc phòng thủ sâu rộng phản ứng tốt hơn với một cuộc tấn công từ Triều Tiên. Trụ cột thứ nhất là chuỗi khí tài đủ sức tấn công phủ đầu các cơ sở hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng nếu cần thiết. Trụ cột thứ hai là mạng lưới tên lửa và phòng không tiêu diệt được tên lửa đạn đạo Triều Tiên bắn sang Hàn Quốc. Trụ cột thứ ba là chương trình đáp trả và trừng phạt quy mô lớn (KMPR) phát triển cách trả đũa bằng vũ khí thông thường nếu Bình Nhưỡng tấn công phủ đầu.

Hạm đội tàu ngầm dự kiến đóng vai trò quan trọng trong KMPR. Hệ thống 3 trụ cột năm tới sẽ nhận được 5,3 nghìn tỉ won (3,9 tỉ USD) – tăng 9,4% so với năm 2022.

Tàu ngầm Dosan Ahn Changho mới nhất của Seoul (KSS-III) sở hữu năng lực tấn công thông thường mà KMPR đòi hỏi. Trong đề xuất ngân sách quốc phòng 2023, chương trình KSS-III nhận 248,6 tỉ won (185 triệu USD).

Tàu ngầm KSS-III - Ảnh: The Drive

KSS-III là tàu ngầm phóng được tên lửa đạn đạo (SLBM). Sau loạt thử nghiệm phóng thành công tên lửa từ dưới nước vào khoảng tháng 9 năm ngoái thì tàu được ra biển thực hiện nhiệm vụ tuần tra vào tháng 8 trước.

Mỗi tàu có 6 ống phóng tên lửa đạn đạo, nhưng có thể trang bị tên lửa hành trình. Có thông tin tên lửa đạn đạo dùng cho KSS-III dường như là Hyunmoo 4-4 tầm bắn 500 km hoặc Hyunmoo 2B biến thể dành cho hải quân.

Tàu ngầm đem lại khả năng đáp trả dù tên lửa phóng từ đất liền đã bị hạ gục. SLBM có thể tấn công bất ngờ nhiều mục tiêu quan trọng ở Triều Tiên.

Trái ngược với chương trình tàu sân bay CVX, chương trình tàu ngầm đang phát triển rất nhanh. Lô KSS-III thứ hai dự kiến có 10 ống phóng tên lửa.

Ngoài KSS-III dùng động cơ diesel - điện, Hàn Quốc còn bắt đầu thảo luận khả năng thiết kế tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo tầm bắn xa hơn.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/han-quoc-bo-tham-vong-tau-san-bay-chuyen-sang-dau-tu-cho-tau-ngam-186551.html