Hàn Quốc bác phân tích của Bộ Quốc phòng Mỹ về tên lửa mới của Triều Tiên

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng, các tên lửa mà Bình Nhưõng phóng đi là các tên lửa đạn đạo, song quân đội Hàn Quốc bác bỏ đánh giá này.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng, các tên lửa mà Bình Nhưõng phóng đi là các tên lửa đạn đạo, song quân đội Hàn Quốc bác bỏ đánh giá này.

Triều Tiên phóng tên lửa hôm 9/5. Ảnh: KCNA.

Triều Tiên phóng tên lửa hôm 9/5. Ảnh: KCNA.

Một quan chức thuộc quân đội Hàn Quốc tuyên bố: "Hàn Quốc và Mỹ đang cùng đánh giá và phân tích các tên lửa mà Triều Tiên phóng thử hôm 9/5. Chúng tôi chưa thể nói trước khi nào kết quả của hoạt động này sẽ được công bố".

Ngay sau vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, quân đội Hàn Quốc cho biết họ tin rằng đó là các tên lửa tầm ngắn, song không tiến hành xác định đó có phải tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên bị cấm phóng theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hay không.

Thậm chí khi người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, trung tá Dave Eastburn khẳng định đó là các tên lửa đạn đạo, quân đội Hàn Quốc vẫn bác bỏ đánh giá này, đồng thời nói rằng đó không phải "đánh giá chính thức" của chính phủ Mỹ.

Trong vụ phóng mới nhất, Triều Tiên đã phóng hai tên lửa từ một căn cứ ở tây bắc Bình Nhưỡng, với tầm bay lần lượt là 270 km và 410 km. Khoảng cách này còn rất xa mới đạt đến tầm bay của tên lửa đạn đạo liên lục địa từng khiến Mỹ đứng ngồi không yên khi Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công hồi năm 2017.

Tuy vậy, vụ phóng tên lửa mới nhất cho thấy Triều Tiên hoàn toàn dễ dàng có thể tấn công thủ đô Seoul hoặc binh sĩ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Các chuyên gia cũng đang nghiên cứu những bằng chứng cho thấy các tên lửa do Triều Tiên phóng đi gần đây dựa trên thiết kế của tên lửa Nga.

Chủ tịch Kim Jong-un giám sát cuộc diễn tập của quân đội Triều Tiên hôm 9/5. Ảnh: KCNA.

Theo báo cáo sơ bộ do 38 North, trang mạng chuyên theo dõi thông tin về Triều Tiên, công bố hôm 9/5, tên lửa mới của Triều Tiên có thiết kế tương tự tên lửa SS-26 Iskander của Nga. Tên lửa này được cho là sẽ “vượt mặt” hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và Hàn Quốc.

Giới chức Hàn Quốc hiện vẫn phỏng đoán về động cơ chính trị phía sau các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Họ cho rằng Bình Nhưỡng phóng tên lửa để gia tăng sức ép buộc Mỹ và các nước phải nới lỏng trừng phạt, phản đối các động thái phô diễn sức mạnh quân sự của Hàn Quốc như mua các máy bay chiến đấu F-35 mới hay tập trận chung với Mỹ.

Ngoài ra, vụ phóng tên lửa mới cũng có thể là thông điệp do Chủ tịch Kim Jong-un gửi tới người dân, từ đó nâng cao sự ủng hộ của họ dành cho chính quyền Triều Tiên.

Còn theo CNN, trong các cuộc gặp thượng đỉnh, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cam kết với Mỹ rằng Triều Tiên sẽ không phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa. Vì vậy, hai vụ phóng gần đây không vi phạm thỏa thuận giữa Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump.

Mộc Miên (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/han-quoc-bac-phan-tich-cua-bo-quoc-phong-my-ve-ten-lua-moi-cua-trieu-tien-a275025.html