Hàn - Nhật 'phá băng' quan hệ

Những tranh chấp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc trước đây đã cản trở nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm thống nhất đối phó với các đe dọa trong khu vực

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc hôm 9-3 cho biết Tổng thống Yoon Suk-yeol và phu nhân sẽ thăm Nhật Bản từ ngày 16 đến 17-3.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Hàn Quốc đến Nhật Bản trong 12 năm qua và diễn ra không lâu sau khi Seoul công bố kế hoạch chấm dứt tranh chấp kéo dài liên quan đến lao động cưỡng ép thời chiến.

Tổng thống Yoon sẽ có cuộc họp thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, sự kiện được mô tả là "cột mốc quan trọng trong việc cải thiện và phát triển quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản".

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho hay Hàn Quốc là một nước láng giềng quan trọng mà Nhật Bản nên hợp tác trong nhiều vấn đề khác nhau trên trường quốc tế. Nội dung chương trình nghị sự chưa được công bố.

Văn phòng của Tổng thống Yoon cho biết ông hy vọng sẽ mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế và văn hóa, đồng thời khôi phục giao lưu giữa người dân hai nước nhằm vượt qua "lịch sử không may" và tiến tới tương lai. Theo báo Korea Times, 2 nhà lãnh đạo cũng có thể thảo luận về việc bình thường hóa hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo GSOMIA.

Bà Yang Geum-deok, nạn nhân bị cưỡng ép lao động giai đoạn 1910-1945, rời đi sau cuộc biểu tình ở Seoul phản đối kế hoạch giải quyết tranh chấp bồi thường của chính phủ Hàn Quốc hôm 7-3. Ảnh: REUTERS

Bà Yang Geum-deok, nạn nhân bị cưỡng ép lao động giai đoạn 1910-1945, rời đi sau cuộc biểu tình ở Seoul phản đối kế hoạch giải quyết tranh chấp bồi thường của chính phủ Hàn Quốc hôm 7-3. Ảnh: REUTERS

Trước đó, Hàn Quốc hôm 6-3 cho biết quỹ do các công ty tư nhân Hàn Quốc tài trợ sẽ bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời Nhật Bản chiếm đóng từ năm 1910-1945, thay vì đòi tiền từ các công ty Nhật Bản bị kiện.

Theo Kyodo News, Thủ tướng Kishida ca ngợi quyết định của Hàn Quốc sẽ giúp khôi phục mối quan hệ "lành mạnh" giữa Tokyo và Seoul.

Những tranh chấp kể trên vốn đã cản trở những nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm thống nhất đối phó với Trung Quốc và Triều Tiên.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 7-3 cũng thông báo sẽ làm việc với Nhật Bản để tăng cường hợp tác an ninh, bao gồm cả quan hệ với Mỹ. Theo Reuters, Nhật - Hàn đồng thời nhất trí sẽ đàm phán chấm dứt hạn chế xuất khẩu đối với các linh kiện điện tử quan trọng trong tuần này.

Các nguồn tin ngoại giao cho biết Nhật Bản đang xem xét mời tổng thống Hàn Quốc làm khách mời tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), dự kiến nhóm họp vào tháng 5 tại TP Hiroshima.

Các nguồn tin nói với Kyodo rằng trong trường hợp Tổng thống Yoon dự hội nghị G7, Thủ tướng Kishida sẽ tìm cách tổ chức các cuộc đàm phán 3 bên, bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhằm tăng cường phối hợp đối phó chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Ông Leif-Eric Easley, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Trường ĐH Ewha ở Seoul, nhận định sau chuyến thăm Tokyo, ông Yoon có thể sẽ làm hài hòa hơn các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và thuyết phục Nhật Bản ủng hộ cách tiếp cận Triều Tiên của Seoul.

Về phần thủ tướng Nhật Bản, theo ông Easley, ông Kishida có khả năng kêu gọi Hàn Quốc ủng hộ chủ trương tăng năng lực quốc phòng của Nhật Bản và sự phối hợp 3 bên với Mỹ để duy trì "trật tự dựa trên luật lệ" ở châu Á.

Trước đó, mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ sau khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc hồi năm 2018 ra lệnh cho các công ty Nhật Bản bồi thường cho những lao động bị cưỡng ép. Mỹ gọi những động thái mới từ hai đồng minh là "đột phá".

Tổng thống Biden dự kiến gặp Tổng thống Yoon trong chuyến thăm vào ngày 26-4. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước thứ hai của một nguyên thủ nước ngoài tới Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Biden và là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Mỹ của một tổng thống Hàn Quốc kể từ năm 2011.

XUÂN MAI

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/han-nhat-pha-bang-quan-he-20230309205720846.htm