Hạn ngạch Trung Quốc cấp đã hết, nếp lại khó đầu ra vì Campuchia đóng biên mà lối mòn thì 10 năm chưa đổi

Xuất khẩu gạo nếp Việt Nam gặp khó khăn kép, có yếu tố mới nhưng cũng có lối mòn đã 10 năm...

Dự báo chỉ khi nào biên giới Việt Nam - Campuchia mở cửa trở lại thì giá nếp mới có thể hồi phục.

Theo bản tin thị trường nông sản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, trong tuần qua giá nếp tươi dao động từ 6.000 - 6.300 đ/kg, giá nếp ruột từ 13.000 - 14.000 đ/kg. Nhưng cùng ngày (11/9), bản tin của Sở đã không báo giá nếp như trước.

Nguyên do, giao dịch hạn chế. Và An Giang là một trong những tỉnh lớn nhất cả nước sản xuất và giao thương mặt hàng này.

Xuất khẩu nếp vướng hạn ngạch của Trung Quốc

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Intimex Group, Trung Quốc thị trường xuất khẩu số 1 của gạo và nếp Việt Nam, nhưng từ đầu năm 2019 nước này áp dụng cơ chế hạn ngạch nhập khẩu.

Đối với gạo và nếp của Việt Nam, mỗi năm Trung Quốc cấp hạn ngạch chung là 380 - 400 ngàn tấn, song, doanh nghiệp Việt Nam sử dụng hạn gạch này để xuất khẩu nếp; đến nay hạn ngạch cũng đã hết nên nếp không thể xuất khẩu sang đây được nữa.

Do vậy, nếp của Việt Nam được bán vào Campuchia và ngược lại một lượng lớn lúa IR 50404 do bà con sống dọc biên giới sang Campuchia thuê đất trồng lúa, chủ yếu là trồng giống lúa IR 50404, sau khi thu hoạch xong mang về nước.

Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, biên giới Việt Nam - Campuchia tạm thời đóng cửa nên thì bà con không mang lúa về nước được và nếp của Việt Nam cũng không bán được ngược lại.

“Từ khi bị Trung Quốc áp hạn ngạch đối với gạo và nếp, Việt Nam không thể xuất khẩu nếp sang Trung Quốc với khối lượng lớn như trước nên lượng dôi ra đã được xuất khẩu qua Campuchia. Ngược lại gạo IR 50404 từ Campuchia bán vào đường Việt Nam. Năm nay, do dịch bệnh biên giới hai nước tạm thời đóng cửa nên thị trường Việt Nam thiếu loại gạo IR 50404 nhưng lại thừa nếp”, ông Nam cho biết.

Theo Ths. Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm trồng khoảng 400.000 ha nếp, với năng suất khoảng 6 tấn/ha, sản xuất khoảng 1,2 triệu tấn nếp thành phẩm/năm. Hai tỉnh có diện tích trồng nếp lớn nhất là Long An và An Giang.

Nếp của Việt Nam tiêu thụ chủ yếu tại thị trường Trung Quốc, nhưng từ sau Tết Đoan Ngọ tiêu thụ ở thị trường này giảm đi rất nhiều. Vì vậy từ nay đến cuối năm tình hình tiêu thụ nếp của bà con nông dân sẽ gặp ít nhiều khó khăn.

Không trồng nhiều nếp vụ Hè Thu và Thu Đông

Vẫn theo ông Tùng, Trung Quốc không chỉ nhập khẩu mà cũng có trồng nếp, và nếp của họ cho chất lượng ngon hơn nếp của Việt Nam, nhưng vì sản xuất không đủ cho tiêu dùng nên phải nhập khẩu từ Thái Lan, Campuchia và Việt Nam...

Nếp trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long chất lượng không bằng nếp ở các tỉnh phía Bắc và của Trung Quốc nhưng nhờ sản xuất với số lượng lớn và giá cạnh tranh nên bán được vào thị trường Trung Quốc. Song, nếp chỉ bán được vào những tháng đầu năm còn vào cuối năm thị trường khá trầm lắng nên doanh nghiệp ít khi mua vào.

“Tình hình này diễn ra hàng năm chứ không phải năm nay mới có và khoảng 10 năm nay. Mỗi khi vào các vụ sản xuất lúa tại các diễn đàn, hội nghị,… với các địa phương, Cục Trồng trọt đều khuyến cáo người nông dân nên chú ý đến 2 vấn đề trong việc sản xuất lúa nếp, đặc biệt là ở vụ Hè Thu và Thu Đông.

Thứ nhất, trong cơ cấu giống của vụ Đông Xuân, diện tích trồng nếp có thể lên từ 12% đến 13% tổng tổng diện tích sản xuất của vùng. Thứ hai, vào vụ Hè Thu và Thu Đông nên giảm còn khoảng 5%, đề phòng trong trường hợp không xuất khẩu được thì có thể tiêu dùng nội địa, nếu mở rộng diện tích sản xuất mà không xuất khẩu được bị ùng ứ sẽ dẫn đến giảm giá, chứ không phải do doanh nghiệp ép giá hay vì lý do gì khác.

Đây là quy luật đã diễn ra từ 10 năm qua chứ không phải mới đây, song người nông dân vẫn rất thiếu kinh nghiệm trong sản xuất lúa nếp”, ông Tùng chia sẻ.

Cuối năm 2018, Trung Quốc áp nếp vào loại hàng quản lý quota, do vậy vụ Đông Xuân năm 2019 nếp Việt Nam bị thừa nhiều và giảm giá rất sâu. Năm đó bà con nông dân trồng nếp ở Đồng bằng sông Cửu Long bị lỗ nặng. Sau đó Trung Quốc có nhu cầu nếp để phục vụ các ăn Tết cuối năm và họ lại nhập khẩu nếp nhưng không nhập từ Việt Nam mà nhập khẩu từ các nước lân cận như Lào, Campuchia và Thái Lan.

Chính vì vậy, nếp từ Việt Nam được bán sang Campuchia sau đó được bán đi nước thứ 3. Năm nay thì biên giới bị khóa nên sau khi bán hết hạn ngạch mà Trung Quốc dành cho Việt Nam thì lượng nếp còn lại không có đầu ra. Vì vậy dự báo chỉ khi nào biên giới Việt Nam - Campuchia mở cửa trở lại thì giá nếp mới có thể hồi phục.

QUANG TRÍ

Nguồn BizLIVE: http://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/vi-mo/han-ngach-trung-quoc-cap-da-het-nep-lai-kho-dau-ra-vi-campuchia-dong-bien-ma-loi-mon-thi-10-nam-chua-doi-3551527.html