Hạn nặng do thủy điện tích nước tại huyện Kon Rẫy (Kon Tum)

Việc cho phép thủy điện Thượng Kon Tum tạm trữ nước để nghiệm thu công trình ngay cao điểm mùa khô năm 2020 và sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các nhà máy thủy điện trên địa bàn đã ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, sản xuất của người dân, nhất là gần 200 ha diện tích chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn trái của người dân huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum đang chết khát.

Người dân thôn 3, xã Tân Lập đắp bao tải cát, đá chặn dòng để có nước phục vụ sản xuất.

Người dân thôn 3, xã Tân Lập đắp bao tải cát, đá chặn dòng để có nước phục vụ sản xuất.

Việc cho phép thủy điện Thượng Kon Tum tạm trữ nước để nghiệm thu công trình ngay cao điểm mùa khô năm 2020 và sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các nhà máy thủy điện trên địa bàn đã ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, sản xuất của người dân, nhất là gần 200 ha diện tích chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn trái của người dân huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum đang chết khát.

Hạn chồng hạn

Theo thống kê của UBND huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, hiện toàn huyện có hơn 113 ha cây công nghiệp, cây ăn trái, gần 3 ha lúa vụ đông xuân bị khô hạn nặng và đang chết dần (trong đó nặng nhất là xã Tân Lập với 92 ha cà-phê, gần sáu ha tiêu...). Chị Vũ Thị Hoa, trú tại thôn 3, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy buồn rầu kể: “Gia đình tôi trồng 1,6 ha cà-phê và 500 trụ tiêu bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi năm thu hơn 200 triệu đồng, thế nhưng tình trạng thiếu nước gần một tháng nay dẫn đến cà-phê bị rụng lá, tiêu thì vàng lá, rụng quả và chết dần”. Chỉ vào rẫy cà-phê đang chết khô của gia đình, ông Đặng Văn Thương, ngụ thôn 3, xã Tân Lập cho biết: “Gia đình tôi sinh sống ở đây từ năm 2008 đến nay mới gặp tình trạng này. Có năm máy tưới, nhưng không có nước để bơm. Vay vốn gần một tỷ đồng đầu tư vào 7,3 ha cà-phê, tiêu, cao-su, cây ăn trái… thì hiện nay 1 ha cà-phê hai năm tuổi đã chết trắng vì thiếu nước”.

Tình trạng thiếu nước bắt đầu từ ngày 26-2, khi thủy điện Thượng Kon Tum (TKT), công suất 220 MW, được UBND tỉnh Kon Tum và Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng cho phép tích nước tạm hồ chứa TKT phục vụ công tác nghiệm thu hạng mục cụm đầu mối (đập dâng, đập tràn, cửa nhận nước) và vận hành thử nghiệm thiết bị. Thời gian thủy điện tích nước là 60 ngày. Sau bậc thang TKT là một đoạn sông dài hơn 50 km, với tất cả dòng nước ở các khe suối nhỏ hợp lưu đưa nước về sông Đăk Snghé (nhánh cấp I của sông Đăk Bla, thượng nguồn sông Sê San) để dẫn nước về hạ lưu bị chặn bởi thủy điện Đăk Ne (ĐNe), công suất 8,1 MW. Giai đoạn trước khi TKT tích nước, thủy điện Đăk Ne khai thác lưu vực lên đến 505 km2 bao gồm lưu vực của TKT 374 km2 và ĐNe 131 km2. Lưu lượng nước lúc này thấp nhất bình quân 7,5 m3/giây, ĐNe phát điện 24/24 giờ vẫn bảo đảm tốt việc cấp nước. Nhưng từ khi TKT tích nước thì lưu lượng giảm thấp. ĐNe trở về khai thác thủy năng trên lưu vực thực của dự án mà không được bổ sung nước từ lưu vực TKT cho nên phát sinh các vấn đề về cấp nước hạ du, đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân.

Ngày 28-2, UBND huyện Kon Rẫy đã có văn bản gửi các cấp, ngành và tỉnh Kon Tum phản ánh về ảnh hưởng của việc tích nước tạm hồ chứa TKT. Theo đó, ngày 5-3, UBND tỉnh Kon Tum đã có Văn bản số 652/UBND-HTKT triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng hạ du các công trình thủy điện. UBND tỉnh Kon Tum đề nghị Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (chủ đầu tư TKT) và Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng Trường Thịnh (chủ đầu tư ĐNe) phải phối hợp UBND các huyện Kon PLông và Kon Rẫy kiểm tra, đề xuất các giải pháp xử lý, nhằm bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân khu vực nhà máy thủy điện và vùng hạ du được ổn định lâu dài… Tuy nhiên, vụ việc nêu trên không được giải quyết thỏa đáng.

Ngày 12-3, UBND huyện Kon Rẫy tiếp tục có buổi làm việc với các nhà đầu tư của TKT và ĐNe. UBND huyện Kon Rẫy đã yêu cầu đơn vị vận hành ĐNe phải bảo đảm duy trì lưu lượng xả thường xuyên xuống hạ lưu đập không nhỏ hơn 1,29 m3/giây, như Giấy phép số 1838/GP-BTNMT ngày 28-9-2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác sử dụng nước mặt cho ĐNe. Tuy nhiên, Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng Trường Thịnh không hợp tác với chính quyền. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Rẫy Phan Duy Huynh khẳng định: “Tại buổi làm việc, các bên đều thống nhất, riêng đại diện ĐNe không đồng ý ký vào văn bản. Họ viện lý do sẽ ảnh hưởng đến doanh thu, mà không nghĩ đến thiệt hại của người dân”.

Doanh nghiệp thiếu hợp tác

Ngày 19-3, chúng tôi có mặt tại cửa lấy nước của thủy lợi Đăk SNghé, chứng kiến một dòng sông “chết”, trơ đá, lượng nước về công trình nhỏ giọt; bên cạnh là ruộng lúa, vườn cây cháy khô vì hạn hán do thủy điện ĐNe vẫn không xả nước. Chị Nguyễn Thị Nang, ngụ thôn 3, xã Tân Lập cho biết: “Gia đình có 2 ha cà-phê, sắn ngay sát ĐNe vẫn không có nước, khô héo hết cả. Kéo dài thêm năm, bảy ngày nữa thì rẫy của tôi chắc sẽ chết hết cây vì hạn”.

Chiều 23-3, Đoàn công tác của UBND tỉnh Kon Tum do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra việc tích nước và sử dụng của thủy điện tại huyện Kon Rẫy. Phó Ban quản lý dự án TKT Lê Thanh cho biết: Vì lý do an toàn công trình cho nên Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1 đã tính toán tích nước tại thời điểm khô kiệt nhất, tránh những sự cố to lớn do mất an toàn. Dự kiến, khoảng một tháng nữa mực nước hồ mới đạt đến miệng cống xả môi trường. Lúc đó, TKT sẽ xả xuống hạ du lưu lượng 5,8 m3/giây theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Sê San. Để giảm bớt thiệt hại do việc tích nước TKT gây ra, từ cuối tháng 2, chúng tôi đã phối hợp huyện Kon Rẫy và người dân xây dựng đập tạm ngăn nước bằng bao chứa đất, cát. Thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng đập bê-tông có kết cấu vững chắc, hoạt động lâu dài. Theo ông Nguyễn Văn Quân, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng Trường Thịnh, quan điểm là ưu tiên người dân ở hạ du. Trước khi TKT tích nước thì lượng nước bình thường, lưu lượng từ 8-10 m3/giây, bây giờ chỉ 0,75 m3/giây. Phương án tốt nhất là đêm tích nước, ngày phát điện với lưu lượng 1,94 m3/giây thì chúng tôi phát được từ khoảng 8 giờ 30 phút - 9 giờ đến khoảng 16 giờ - 17 giờ, như thế có nước tưới cho bà con. TKT phải có giải pháp thêm, có thể làm kiểu bình thông nhau, có thể bơm qua ống xả môi trường để bổ sung dòng nước này. Trước khi TKT chưa tích nước chúng tôi phát 24/24 giờ, bây giờ phát được khoảng từ sáu đến tám giờ, thì nước về đây phải 1,94 m3/giây.

Tuy nhiên, nhiều người dân có mặt tại buổi làm việc phản ánh không hề có chuyện ĐNe xả nước từ sáu đến tám giờ. Anh Vũ Văn Luân, ngụ thôn 3, xã Tân Lập cho biết: “Từ sáng đến trưa họ không xả. Mỗi ngày họ xả một đến hai giờ, nhưng chúng tôi không biết lịch xả cho nên cả nhà phải thay nhau trực canh để tưới. Lúc xả rất nhanh, dòng chảy suối cao, có bơm cũng chẳng thấm vào đâu. Mỗi ngày ngồi canh và trực bơm được một đến hai giờ là phải tắt máy vì hết nước. 5 ha cà-phê và tiêu của cả nhà đang héo mòn từng ngày”. Theo tìm hiểu của phóng viên, giá điện các khung giờ phát vào cao điểm mùa khô (sáng 9 đến 11 giờ; chiều 17 đến 20 giờ) gấp 3,6 lần so các giờ khác cho nên các nhà máy thủy điện thường tích nước để phát vào giờ cao điểm, ảnh hưởng đến hạ du.

Tỉnh Kon Tum cần có những giải pháp quyết liệt hơn để chấn chỉnh tình trạng tích nước thủy điện vào cao điểm mùa khô, nhằm bảo đảm an toàn sản xuất cho người dân.

Bài và ảnh: PHÚC THẮNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43824102-han-nang-do-thuy-dien-tich-nuoc-tai-huyen-kon-ray-kon-tum.html