Hạn mức trả tiền bảo hiểm

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 24, Luật Bảo hiểm tiền gửi, Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.

Xin hỏi, hạn mức trả tiền bảo hiểm là gì? Hạn mức trả tiền bảo hiểm hiện nay là bao nhiêu? Hạn mức này được xác định dựa trên những căn cứ nào?

Nguyễn Thị Thu Trang (Hòa An, Cao Bằng)

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Khoản 1, Điều 24, Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định: “Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm”.

Khoản 1, Điều 25, Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định: “Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bao gồm tiền gốc và tiền lãi, tối đa bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm quy định tại Điều 24 của Luật này.”

Theo Quyết định 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm, từ ngày 05/8/2017, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75.000.000 đồng (Bảy mươi lăm triệu đồng).

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 24, Luật Bảo hiểm tiền gửi, Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.

Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI) hướng dẫn, hạn mức trả tiền bảo hiểm nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền nhưng phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi không được bảo hiểm để góp phần duy trì kỷ luật thị trường và hạn chế rủi ro đạo đức.

Cụ thể, hạn mức trả tiền bảo hiểm được xác định dựa trên những căn cứ sau:

- Bảo vệ số đông người gửi tiền, đặc biệt là người gửi tiền nhỏ lẻ, ít thông tin về hoạt động ngân hàng.

- Phù hợp với thu nhập bình quân đầu người và điều kiện kinh tế Việt Nam.

- Góp phần đảm bảo an toàn, ổn định tài chính quốc gia

- Tăng cường kỷ luật thị trường.

- Phù hợp với năng lực tài chính của BHTGVN

BHTGVN

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/han-muc-tra-tien-bao-hiem-post23733.html