Hạn mặn ở miền Tây: Tìm phương thức thích ứng

Câu chuyện hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra từ nhiều năm. Tuy nhiên, năm nay tình trạng này có phần nghiêm trọng hơn. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới, cũng như các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là tìm cách thích ứng.

Thống kê hiện có khoảng 80.600ha đất trồng cây ăn trái ở vùng ĐBSCL có thể bị ảnh hưởng nếu hạn, mặn kéo dài đến hết tháng 3/2020. Và tính đến những ngày đầu tháng 3 này đã có 5 tỉnh ở miền Tây Nam Bộ là Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau công bố tình huống khẩn cấp về hạn, mặn. Đơn cử như tại Bến Tre, khi nguồn nước tưới bị thiếu hụt, dự kiến hơn 5.000ha lúa vụ 3 cũng sẽ bị mất trắng và khoảng 20.000ha cây ăn trái đang “báo động đỏ”.

Hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và của người dân ĐBSCL.

Hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và của người dân ĐBSCL.

Một hợp tác xã (HTX) bưởi da xanh ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre cho biết, khoảng một nửa diện tích trong 50ha của HTX đang đứng trước nguy cơ bị chết vì nước mặn tràn vào. Và với những cây bị chết, thành viên HTX sẽ phải mua cây giống để trồng lại, rồi để thu hoạch thì cần đợi ít nhất là 3 năm.

Giới chuyên gia nông nghiệp đánh giá, nếu hạn, mặn kéo dài đến hết tháng 3/2020 thì diện tích có khả năng bị ảnh hưởng là hơn 80.600 hecta (tương đương 23% trong tổng diện tích cây ăn trái của toàn vùng là 370.000 ha) của một số huyện thuộc 8 tỉnh ven biển ở ĐBSCL.

Để ứng phó với tình hình hạn, mặn ở ĐBSCL, PGS.TS Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, cần tìm các giống cây trồng, vật nuôi có khả năng chịu đựng với hạn, mặn. Nhất là cần rà soát lại các quy hoạch phát triển xem có thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng để điều chỉnh cho phù hợp.

TS Lê Văn Bảnh - nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cũng cho hay: Những năm gần đây, ở ĐBSCL nhiều diện tích đất sản xuất bị mất do thiếu quy hoạch và đô thị hóa. Từ năm 2008 đã giảm còn khoảng 1,85 triệu ha, và sẽ còn giảm nhiều hơn do ảnh hưởng đô thị hóa. Điều quan trọng hơn, theo dự đoán tác động biến đổi khí hậu, đến năm 2050 có khoảng 31% đất của vùng bị ảnh hưởng.

Theo ông Bảnh, trong quá trình tái cơ cấu trong sản xuất, ngành nông nghiệp có chủ trương giảm diện tích trồng lúa ở vùng ĐBSCL. Nhưng trồng cây gì mới là điều đáng nói, từ khâu giống, canh tác, cơ giới hóa cho đến xử lý sau thu hoạch, vấn đề quan trọng là thị trường, thu nhập…

TS Bảnh cho rằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở ĐBSCL trong bối cảnh hạn, mặn cần phải quan tâm liên kết vùng, tùy đất đai thổ nhưỡng từng vùng sinh thái chứ không phải nơi nào trồng lúa nước được thì dễ dàng trồng những loại cây khác, giá thành sản xuất và tiêu thụ ở đâu là vấn đề lớn.

Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã từng lưu ý rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam trước ảnh hưởng đáng kể bởi biến đổi khí hậu do mực nước biển dâng, xâm nhập mặn, nếu không có giải pháp thích ứng đồng bộ thì sẽ có nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến sản lượng trồng trọt, chăn nuôi, trồng thủy sản. WB cho rằng Nhà nước cần gấp rút nâng cao năng lực của ngành nông nghiệp để đối phó với cả những thách thức trước mắt do biến đổi khí hậu mang lại (như xâm nhập mặn, nhiệt độ tăng, khan hiếm nước vào mùa khô, tăng cường rủi ro ngập lụt và thời tiết bất lợi tăng...) và tình trạng bất trắc, khó lường của biến đổi khí hậu (liên quan đến lượng mưa, sâu bệnh, dịch hại).

Những bất trắc đi liền với hạn, mặn ở ĐBSCL cho thấy cần phải tăng cường kết hợp ít nhất 3 mô hình bổ trợ lẫn nhau trong khâu quy hoạch thích ứng và các chiến lược khác về nông nghiệp thông minh với khí hậu. ĐBSCL cần áp dụng quản lý thích ứng, nâng cao năng lực học tập, đổi mới sáng tạo trong các cơ quan nhà nước và khu vực tư nhân, ưu tiên chiến lược thích ứng. Đặc biệt là nên đầu tư cho nghiên cứu, khuyến nông nhằm lai tạo, phổ biến các giống cây trồng, vật nuôi mới có khả năng thích ứng với điều kiện như tình trạng hạn, mặn hiện giờ.

Quốc Định

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/moi-truong/han-man-o-mien-tay-tim-phuong-thuc-thich-ung-tintuc462348