Hạn mặn ở ĐB Sông Cửu Long vào đề Địa lớp 10 chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn

Theo các thí sinh, đề thi Địa lý vào lớp 10 trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn mang tính thời sự cao, có thể dựa vào Atlat để trả lời câu hỏi.

Chiều 13/7, các thí sinh hoàn thành xong bài thi môn Địa lý kỳ thi vào lớp 10 trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội). Đề thi bao gồm 5 câu hỏi, thời gian làm bài trong 150 phút, thí sinh được sử dụng Atlat trong phòng thi.

Thí sinh tươi cười khi bước ra khỏi phòng thi môn Địa lý.

Thí sinh tươi cười khi bước ra khỏi phòng thi môn Địa lý.

Em Hoàng Ngân Chi (học sinh lớp 9 trường THCS Lý Thái Tổ) cho hay phần lớn các câu hỏi trong đề thi liên quan đến phân vùng kinh tế. “Có 4/5 câu hỏi về phân vùng kinh tế, chúng em được sử dụng Atlat để bổ trợ khi làm bài nên không quá khó khăn. Các câu hỏi đều mang tính thời sự, liên hệ với thực tiễn cao”, Chi nhận định.

Tuy nhiên, theo Ngân để có được điểm cao thì cần có thêm những dẫn chứng thực tế, đòi hỏi thí sinh phải đọc thêm nhiều bài báo về kinh tế mới phân tích được tiềm năng, thế mạnh kinh tế của các vùng đưa ra trong bài.

Với đề thi này, Chi dự đoán bản thân đạt khoảng 7 – 8 điểm.

Đề thi vào lớp 10 môn Địa lý trường THPT chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn.

Em Hà Bích Ngọc (trường THCS Lê Lợi) cho rằng đề thi bám sát cấu trúc được đưa ra trước đó nhưng tương đối dài trong khi thời gian làm bài của thí sinh chỉ 150 phút.

“Có câu hỏi mang tính thời sự cao như khó khăn của Đồng bằng Sông Cửu Long trong phát triển kinh tế. Một trong những khó khăn không thể không kể đến là tình trạng xâm nhập mặn, mà thời gian vừa qua tình trạng hạn mặn càng trầm trọng hơn. Nếu chịu khó theo dõi báo đài, em nghĩ các bạn sẽ phân tích rất hay và dễ lấy trọn vẹn điểm ở phần này”, nữ sinh nói.

Theo Ngọc, đề thi môn Địa lý hơi dài nên khó để phân tích kỹ. Em dự đoán được thấp nhất 7 điểm.

Cô giáo Bùi Thị Lan Anh (giáo viên Địa lý, trường THPT Việt Đức, Hà Nội) nhận định đề thi vào lớp 10 trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn không mới, các kiến thức đều quen thuộc với học sinh nên không có phần nào để mất điểm.

“Đề hay và bám kiến thức cơ bản trên lớp nhưng vẫn đảm bảo tính phân hóa, phân loại thí sinh. Đề dài tương đương với đề thi tự luận vào đại học trước đây. Tính thời sự và thực tiễn được đảm bảo với các câu hỏi về Đồng bằng Sông Cửu Long và vấn đề việc làm với dân số hiện nay”, giáo viên này cho biết.

Trong năm đầu tiên tuyển sinh, trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận được hơn 800 hồ sơ đăng ký dự thi. Trong đó, tỷ lệ “chọi” lớp chuyên Địa lý, là xấp xỉ 1/6. Các thí sinh làm 4 bài thi viết gồm: Ngữ văn, Toán, tiếng Anh và môn chuyên (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý), trong đó môn chuyên được nhân hệ số 2.

Huyền Trần

Nguồn VTC: https://vtc.vn/han-man-o-db-song-cuu-long-vao-de-dia-lop-10-chuyen-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van-ar557497.html