Hạn mặn bắt đầu, người dân lại gặp khó khăn khi phí nước sinh hoạt tăng cao

Tuy mới đầu mùa khô nhưng một số khu vực trên địa bàn tỉnh Bến Tre hạn mặn đã ở mức cao khiến nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất trở nên khan hiếm. Bên cạnh đó, giá nước tăng nên đời sống của người dân khu vực bị nhiễm mặn càng khó khăn hơn.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, yêu cầu các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh kiên quyết không được cấp nước bị nhiễm mặn cho người dân

Nước quý như vàng

Ghi nhận độ mặn tại các nhà máy nước tỉnh Bến Tre cung cấp nước máy trên toàn địa bàn huyện Thạnh Phú, những ngày đầu tháng, độ mặn dao động từ 1,8 - 5,4%o, trong đó cao nhất là tại xã Phú Khánh có độ mặn 5,4%o.

Hiện, Bến Tre mức độ rủi ro thiên tai vẫn ở cấp độ 1, tình hình xâm nhập mặn vẫn còn diễn biến. Ngành chức năng khuyến cáo các địa phương theo dõi chặt chẽ việc đóng mở cống đầu mối hợp lý. Người dân kiểm tra độ mặn trước khi sử dụng nước tưới tiêu, chủ động trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm khi độ mặn còn thấp.

Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh đã đầu tư một số công trình cống tạm, đập tạm giữ nước cho một số nhà máy nước nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho dân tại khu vực TP.Bến Tre và vùng lân cận.

Kiểm tra độ mặn trước khi sử dụng nước tưới tiêu, chủ động trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm khi độ mặn còn thấp.

Kiểm tra độ mặn trước khi sử dụng nước tưới tiêu, chủ động trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm khi độ mặn còn thấp.

Đối với việc quy định giá tiêu thụ nước sạch không bị nhiễm mặn trong thời gian hạn mặn trên địa bàn tỉnh Bến Tre, ông Cảnh cho biết, mức giá nước ngọt mới chỉ áp dụng khi nước mặn ở độ quy định. khi đó các nhà máy nước phải mua, chở nước thô từ nơi khác về để xử lý thành nước ngọt, sạch (hoặc nước RO) để cấp cho hộ dân, giá tiêu thụ 1m3 dao động từ 27 - 51 ngàn đồng, tùy từng khu vực và độ mặn.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, huyện Giồng Trôm nước máy bị nhiễm mặn từ đầu năm nên giá nước tăng cao hơn. Chị Nguyễn Thị Ánh, ngụ xã Mỹ Thạnh An, TP. Bến Tre cho biết: "Mùa nước mặn năm 2020, chúng tôi phải xếp hàng, chờ đợi mua nước ngọt chở về sử dụng. Năm nay, nghe thông tin giá nước ngọt từ 27 - 51 ngàn đồng/m3 trong mùa hạn mặn, tôi thấy lo, mỗi tháng vài triệu tiền mua nước là vấn đề lớn đối với người dân vùng nông thôn".

Bà Trần Ngọc Giàu, ấp 1, xã Tân Hào (Giồng Trôm) cho biết: "Gia đình tôi làm dịch vụ nấu ăn, với giá nước 50 ngàn đồng/m3, hàng tháng chi 3 - 4 triệu đồng tiền nước, gia đình tôi không kham nổi".

"Giá nước cung cấp bằng sà lan trên 50 ngàn đồng/m3 có thể hợp lý với chi phí của đơn vị cấp nước nhưng vẫn cao so với thu nhập của người dân nông thôn. Đơn vị cấp nước và cơ quan chuyên môn nên xem xét có phương án trợ giá cho người dân", ông Lê Văn Nam, ấp Linh Phụng, xã Long Mỹ (Giồng Trôm) bày tỏ.

Hộ bà Nguyễn Thị Út, ở ấp 1, xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm cho biết, từ tháng 1/2021 đến nay, nước máy sinh hoạt đã bị nhiễm mặn, nên chỉ tắm rửa, giặt giũ. Các kênh, mương xung quanh nhà cũng đã nhiễm mặn nên không thể tưới tiêu được.

Người dân xếp hàng mua nước sinh hoạt

Theo ông Nguyễn Minh Cảnh, đối với những nơi không thể đắp đập tạm giữ nguồn nước ngọt cho các nhà máy nước, để tránh tình trạng người dân phải xếp hàng chờ mua từng thùng nước ngọt từ xe hoặc sà lan với giá cao, tỉnh đã chỉ đạo các nhà máy nước năm nay không được cung cấp nước mặn cho người dân. Đồng thời tỉnh ban hành Quyết định 03 về giá tiêu thụ nước ngọt trong mùa hạn mặn cho từng nhà máy nước ở từng vùng.

Xem xét sử dụng kinh phí phòng chống thiên tai hỗ trợ người dân

Với giá nước tăng cao như hiện nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, đã chỉ đạo các nhà máy nước nên tính toán lại, vừa không tính lãi vừa hỗ trợ một phần để giảm tiền nước sinh hoạt dân phải đóng so với giá nước quy định tại Quyết định 03.

UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT, Sở Tài chính nghiên cứu đề xuất đối với những hộ khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách khó khăn nên xem xét sử dụng kinh phí phòng chống thiên tại hỗ trợ người dân một phần chi phí giá nước.

Nhiễm mặn khiến lúa chết hàng loạt

Về lâu dài, tỉnh Bến Tre đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện các công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt. Dự kiến đến năm 2024 các công trình sẽ cơ bản hoàn thành đảm bảo đủ nguồn nước ngọt dự phòng cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh.

Khảo sát thực tế tại Nhà máy nước Lương Quới huyện Giồng Trôm, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam đề nghị: Công ty cổ phần cấp thoát nước Bến Tre tính toán lại chi phí đầu tư hạ tầng trong việc bơm cấp nước ngọt thô bằng sà lan. Từ đó, đề xuất điều chỉnh giá nước đến mức lời thấp nhất hoặc hòa vốn để giảm giá nước cho người dân.

Nước ngọt bên trong cống Sa Kê có màu xanh và ít rác. (ảnh internet)

Đối với công tác cung cấp nước sạch trong mùa khô, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, yêu cầu các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh kiên quyết không được cấp nước bị nhiễm mặn cho người dân. Các đơn vị cấp nước cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch cấp nước trong mùa khô với nhiều giải pháp như đẩy nhanh tiến độ hoàn thành một số công trình thủy lợi ngăn mặn, lắp đặt hệ thống quan trắc mặn nhằm chủ động phương án đắp đập tạm, đầu tư các tuyến ống kết nối chia sẻ nguồn nước giữa các nhà máy, chuẩn bị phương án vận chuyển nước thô bằng sà lan, đầu tư lắp đặt dây chuyền sản xuất nước RO, xây dựng phương án giá nước sạch trong điều kiện thiên tai, hạn mặn.

PHA LÊ

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/han-man-bat-dau-nguoi-dan-lai-gap-kho-khan-khi-phi-nuoc-sinh-hoat-tang-cao-20210315214637858.htm