Hạn hán, thiếu nước khốc liệt ở Ninh Thuận

Tại Ninh Thuận, sau Tết Canh Tý, người dân khốn đốn vì hạn hán, nhiều hồ chứa ở các địa phương đang dần cạn kiệt...

Gia súc kiếm ăn trên đồng cỏ cháy vàng...

Gia súc kiếm ăn trên đồng cỏ cháy vàng...

Theo báo cáo mới nhất của Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận, hiện nay toàn tỉnh hiện có 21 hồ chứa, với dung tích hơn 194 triệu mét khối. Nhưng do hạn hán đến nay chỉ còn khoảng hơn 65 triệu mét khối (chỉ còn khoảng 31% tổng dung tích thiết kế).

Hiện chỉ có 2 hồ chứa chủ động nước (Sông Sắt và Trà Co); 6 hồ có dung tích trên mực nước chết (Sông Trâu, Bà Râu, Tân Giang, Sông Biêu, Núi Một, Lanh Ra, Cho Mo). Do không chủ động nước nên chỉ phục vụ cho sinh hoạt chăn nuôi và một phần diện tích đất canh tác cho giá trị kinh tế cao; còn lại 13 hồ chứa không đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và phục vụ nước cho sinh hoạt và chăn nuôi.

Để kịp thời đáp ứng nguồn nước cho vùng hạn, hiện hồ Đơn Dương đang xả với lượng 14m khối/giây về sông Cái để tiếp nước cho hệ thống đập Nha Trinh, Lâm Cấm cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho một số vùng.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo các ngành, các huyện thành phố tích cực triển khai các công tác ứng phó hạn, trước mắt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền khuyến cáo người dân sử dụng tiết kiệm nước, ưu tiên đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt của người dân, nước uống cho đàn gia súc và đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích lúa hao tốn nước, tăng cường cây trồng cạn, đồng thời nhân rộng các mô hình tưới nước tiết kiệm.

Ngày 20/2, PV Báo Giao thông ghi nhận thực tế tại một số địa phương vùng tâm hạn như huyện: Ninh Sơn, Ninh Hải, Bác Ái chứng kiến sự khát khao nguồn nước tưới tiêu của nông dân. Dưới trời nắng chói chang, bà Nguyễn Thị Thu Thanh, tại thôn Nha Húi, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn than thở: “Nắng hạn quá khắc nghiệt quá nên nhà tôi phải thu hoạch 1 ha lúa non trước thời điểm 20 ngày khi hạt vẫn còn xanh. Chứ để nữa cũng không có nước tưới...".

Nắng hạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp nên người dân phải thu hoạch lúa non.

“Toàn bộ diện tích lúa của gia đình đều sử dụng nguồn nước từ Mương Sáu, được cấp về từ hồ Phước Trung. Tuy nhiên đến nay lượng nước xả từ hồ này không đủ nên diện tích lúa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu như ở vụ trước 1ha lúa của gia đình thu được gần 9 tấn thì vụ này chỉ còn được 4 tấn, lúa không đủ nước nên cây còi cọc dẫn đến hạt xép, không được như những vụ trước”, bà Thanh buồn buồn nói.

Không chỉ có ở huyện Ninh Sơn, hiện nay tình trạng hạn cục bộ cũng đang xảy ra ở những địa phương khác như: Ninh Hải, Bác Ái. Nhiều hộ dân phải chi nhiều hàng trăm triệu đồng để khoan giếng sâu hàng trăm mét vẫn chưa tìm được nguồn nước.

Một số hình ảnh PV ghi nhận được tại những vùng tâm hạn ở Ninh Thuận:

Hồ Ông Kinh ở xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải đã cạn trơ đáy nhiều tháng nay.

Hàng trăm máy bơm nước nằm phơi nắng bên lòng hồ

Hồ giã chiến được trải bạt chống thấm được nông dân Nhơn Hải huyện Ninh Hải đầu tư giờ cũng chịu chung số phận.

Nông dân chỉ trông chờ vào “lộc trời” từ những giếng khoan để tận dụng mạch ngước ngầm.

Hồ Phước Trung tại thôn Rã Trên, xã Phước Trung, huyện Bác Ái chỉ còn 83.000 mét khối, chiếm 3,6% dung tích thiết kế.

Mực nước trên hồ Phước Trung chỉ còn cách mực nước chết 21cm. Hai trong số 3 cửa xả tại hồ Phước Trung đã ngưng hoạt động từ lâu.

Một số khu vực dưới lòng Hồ đã trở nên khô hạn, nứt nẻ

Tại thôn Nha Húi, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn. Hàng chục ha đất bỏ hoang vì thiếu nước sản xuất.

Gia súc đang loay hoay tìm ngọn cỏ xanh trên cánh đồng khô cỏ cháy vàng.

Theo dự báo, nắng hạn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận sẽ còn khóc liệt hơn. Ưu tiên của lãnh đạo tỉnh là không để dân thiếu nước sinh hoạt; không để dân thiếu đói; không để phát sinh dịch bệnh trên người, vật nuôi do hạn hán và tập trung quyết liệt chuyển đổi cây trồng tiết kiệm nước, bảo vệ đàn gia súc.

Đình Cương

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/han-han-thieu-nuoc-khoc-liet-o-ninh-thuan-d453625.html