Hàn gắn vết thương Nari

Rạng sàng ngày 15-10, những ngôi nhà dọc sông Hàn thành phố Đà Nẵng trở thành lô cốt cố thủ vì bão gió điên cuồng. Khi bão tan, một khung cảnh hoang tàn hiện ra. Lực lượng vũ trang đã có mặt kịp thời để khắc phục hậu quả.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “Các địa phương cần rốt ráo khắc phục nhanh nhất hậu quả sau bão”. Ảnh: Tiên Sa

Thành phố biến tả tơi

Chiều 14-10, những đám mây đen vần vũ phủ kín bầu trời, những cơn mưa bất chợt lại xối xả ầm ầm báo hiệu một trận cuồng phong đang tiến vào từ biển. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và đoàn công tác đến kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi. Phó Thủ tướng đã chỉ đạo, bão số 11 có vận tốc lớn, cường độ mạnh, khi vào bờ sẽ gây thiệt hại lớn nên công tác chủ động đối phó với bão phải được thực hiện cấp bách. Những hộ dân nằm ở vùng ven biển có nguy cơ bị triều cường, sóng lớn thì phải di dời ngay. Phó Thủ tướng cũng đề nghị nhà máy Lọc dầu Dung Quất phải dự kiến những tình huống xảy ra, vì nhà máy nằm sát mép biển.

Đến 6 giờ sáng ngày 15.10, gió vẫn giật cấp 14 – 15. Không ai dám ra khỏi nhà, chỉ nơp nớp sợ bão quật tung cuốn phăng cả nơi mình đang trú ngụ. Dù đã chuẩn bị rất kỹ trước khi cơn bão đổ bộ, chằng chống, gia cố nhà cửa, những bất chợt ngôi nhà hai tầng của bà Huỳnh Thị Thu Hoa (tổ 27, P. Xuân Hà, Thanh Khê, Đà Nẵng) bỗng trở thành túi đựng gió. Một cơn gió mạnh đã nhấc toàn bộ mái tôn quăng xa hàng trăm mét. Trong ngôi nhà mọi đồ đạc ướt nhẹm, kính vỡ bay khắp nơi. “Hồi nớ điện mất, mưa đổ ào ào, nước tuôn xuống cầu thang ngập dưới nền nhà. Cả nhà sợ quá núp dưới lầu đợi khi trời sáng, gió lắng xuống mới dám lên dọn dẹp lại” – bà Hoa vẫn còn thất thần.

Ông Lê Công Thôi (thôn Đa Hòa Bắc, Điện Hồng, Điện Bàn, Quảng Nam) ngậm ngùi nhìn nhà cửa tan hoang sau bão. Mái tôn nhà kho bị bay hết, khu bếp phía sau gió cũng dỡ hết ngói. Lúa gạo, đồ đạc ngấm nước mưa. Cả xóm ông, cây cối nằm rạp xuống đất, mảnh tôn vương khắp lối đi, quần áo bay tứ tung còn mắc trên ngọn cây. “Xóm ni thì ai cũng bị thiệt hại, không nặng thì nhẹ, tính sao hết được” – ông Thôi thở dài.

BĐBP giúp dân chống bão.

BĐBP giúp dân bảo vệ tàu thuyền trong bão số 11.

Sau bão, dọc các con đường Đà Nẵng là những đống đổ nát. Những biển hiệu, cột điện, dây điện chằng chéo gây khó khăn cho nguời đi lại. Những gốc cây to nhất cũng bật gốc nằm la liệt trên đường. Toàn thành phố Đà Nẵng cúp điện. Hầu hết các nhà và hàng quán trên các tuyến đường gần biển như Nguyễn Tất Thành, Trường Sa, Hoàng Sa, Nguyễn Văn Thoại…hầu như bị bão phá tan hoang. Thống kê thiệt hại ban đầu Đà Nẵng khoảng 700 tỷ đồng, Quảng Nam gần 500 tỷ đồng.

Tại đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi, trong chiều 14.10 đã có gió giật mạnh tạo thành nhiều cột sóng trắng xóa phủ quanh đảo. Tại âu thuyền An Hải, ngư dân chèn phao, buộc dây, neo kỹ để tránh va đập làm hư hại tàu. Nhiều tàu cá trước đó đã nhanh chóng chạy vào đất liền, vào sâu trong cảng Sa Kỳ neo đậu. Trong đêm, nhiều ngư dân nhấp nhổm đứng ngồi không yên vì âm thanh ầm ầm của sóng biển. Những chùm tàu dù đã neo kỹ những vẫn bị gió đẩy đập vào bờ.

Tại nhiều địa phương, ngư dân đã sáng tạo ra cách mặc áo cho tàu thuyền nhỏ, đó là phủ bạt toàn bộ con tàu để khỏi bị nước mưa nhấn chìm. Tuy nhiên, nhiều tàu vẫn bị tốc bạt. Vậy là trong mưa gió mù mịt, ngư dân vẫn lao ra chiến đấu, hì hục nổ máy bơm và tát nước. Các ngư dân kể lại hãi hùng, lúc đó gió mạnh đến mức người muốn bay ra khỏi tàu, nhưng vẫn cố buộc dây vào bụng để cứu tàu khỏi bị chìm.

Nhiều địa phương của tỉnh Quảng Nam như Điện Bàn, Đại Lộc, phố cổ Hội An cũng chịu tác động nặng nề của bão. Tại huyện Đại Lộc có 25 người bị thương, 3500 ngôi nhà bị sập và tốc mái, đường sá và hệ thống thông tin liên lạc bị ngắt quãng trong nhiều giờ. Tại TT Huế, có 2 người thiệt mạng, 11 người bị thương và gần 700 nhà dân bị tốc mái.

Liên Chiểu và Sơn Trà là hai quận chịu thiệt hại nặng nề của cơn bão. Thống kê của UBND Quận Liên Chiểu có khoảng 50 căn nhà bị sập đổ, hơn 400 ngôi nhà bị tốc mái. Tàu thuyền neo đậu bị sóng đánh tơi bời.

Nhiều nhà dân bị hư hại nặng.

Chống chọi với Nari

Ngay sau khi bão tan, bóng những người lính đã có mặt trên các nẻo đường. Bộ đội đã trở thành lực lượng chủ lực tham gia dọn dẹp nhà cửa, chặt cây cối để khai thông đường sá. Tiếng cưa máy ầm ầm cùng những đoàn người rầm rập vào cuộc. Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam đã rút 100 chiến sĩ tham gia khắc phục hậu quả mưa bão giúp cho các làng chài ven biển, tập trung chủ yếu tại địa bàn Hội An. Những người lính đã giúp bà con nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Tại thôn Phước Thiện xã Bình Hải huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi, chiều 15.10, hàng trăm người dân lục đục trở về làng chài. Trong cơn bão, khu nhà sát mép biển được di tản toàn bộ người dân nên đều đóng cửa. Thời điểm đó, lực lượng công an, dân quân, biên phòng thường xuyên phối hợp tuần tra để bảo vệ tài sản cho bà con yên tâm trú bão.

Làng chài Phước Thiện được xác định là “điểm đỏ” trên bản đồ phòng chống bão. Vì địa phương này nằm sát mép biển và ăn vào đất liền như một eo biển. Những cơn bão trước đây, sóng biển từng tràn vào làng chài và đe dọa nhổ cả ngôi làng này ra biển. Địa phương đã phối hợp với bộ đội biên phòng vận động những hộ dân ở sát mép biển phải di dời, ưu tiên người già và trẻ em, những hộ nào không chấp hành thì bắt buộc phải chuyển đi trước 18 giờ ngày 14.10. Kết quả, 800 người dân đã gồng ghành hành lý lên tại Trung tâm Văn hóa và Thể thao Dung Quất để tránh bão. Mì tôm được mang theo để làm lương khô cho bữa ăn khuya và ngày hôm sau.

BĐBP Quảng Nam giúp dân sửa lại nhà cửa.

Theo người dân Đà Nẵng thì đây là một trong những trận bão nặng và dai hơi nhất từ xưa đến nay. Dự đoán trước được sức mạnh của bão, ngày 14.10, lực lượng vũ trang và chính quyền thành phố Đà Nẵng đã chủ động di dời 45 nghìn dân khỏi vùng nguy hiểm. Hơn 1.800 tàu cá với hơn 7 nghìn ngư dân được hướng dẫn đưa về nơi trú ngụ an toàn. Sở chỉ huy tiền phương phòng chống bão 11 đóng tại UBND TP Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ cùng các lực lượng chức năng thường xuyên túc trực chống bão.

Ngày 16-10, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn Bộ, Ngành Trung ương đã có chuyến khảo sát và khắc phục thiệt hại do bão số 11 tại một số điểm thuộc Đà Nẵng, Quảng Nam. Phó Thủ tướng nhận định cương độ của bão Nari mạnh tương đương với bão Xangsane năm 2006. Ước tính thiệt hại bão số 11 gây ra cho toàn Miền trung là 1.500 tỷ đồng, riêng Đà Nẵng là 700 tỷ đồng, Quảng Nam gần 500 tỷ đồng.

Văn Chương – Tiên Sa

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/han-gan-vet-thuong-nari/