Hàn gắn thế giới

Năm 2020 ghi dấu nhiều bước tiến quan trọng về giải quyết bất đồng, giảm leo thang căng thẳng để mang tới triển vọng hòa bình. Trong đó, chủ nghĩa đa phương củng cố sức mạnh chung, lợi ích chung là một 'chìa khóa' quan trọng mở cánh cửa hy vọng.

Đàm phán nội bộ Afghanistan tại Doha, ngày 12-9. Ảnh: Heinrich Boll Stiftung

Đàm phán nội bộ Afghanistan tại Doha, ngày 12-9. Ảnh: Heinrich Boll Stiftung

Bình minh của Trung Đông mới

Một “điểm sáng” về nỗ lực hàn gắn thế giới trong năm qua là chuỗi sự kiện các quốc gia Arab bình thường hóa quan hệ với Israel do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump làm trung gian.

Mở màn là Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) bình thường hóa quan hệ với Israel vào tháng 8, tiếp đó là Bahrain và Sudan. Đây là một bước đột phá lịch sử có thể biến đổi khu vực, được hình tượng hóa là “bình minh của một Trung Đông mới”. Các quốc gia đã đồng ý miễn thị thực cho công dân của nhau, ký kết hợp tác về đầu tư, du lịch, đường bay thẳng, an ninh và viễn thông.

Dự báo trong tương lai gần sẽ có thêm nhiều nước trong khu vực tiếp đà thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Israel như Saudi Arabia, Oman, Morocco,... Bình thường hóa quan hệ với Israel dưới sự trung gian của Mỹ được nhìn nhận là nằm trong xu thế củng cố trục Arab-Israel để đối đầu với thế lực ngày càng lớn mạnh của Iran.

Đi kèm với đó, tất cả những diễn biến này đang trái với ý chí của người dân Palestine vì bị thất thế trong tranh chấp với Israel.Tuy nhiên, việc các quốc gia vùng Vịnh kết mối bang giao với Israel không làm cho vấn đề Palestine biến mất mà ngược lại, có thể trở thành một động lực mới giúp giải quyết hài hòa hơn xung đột Israel-Palestine vốn chưa có lời giải thỏa đáng.

Sự phản ứng gay gắt của một số quốc gia đối địch được xem là điều tất yếu nhưng hơn hết, việc nhiều nước trong khu vực căng thẳng xóa bỏ thế đối đầu đã mang tới lợi ích và niềm vui thiết thực tới người dân, khẳng định cụ thể về hòa bình và sự thịnh vượng.

Afghanistan cận kề với hòa bình

Sau gần 2 thập kỷ chiến tranh và xung đột, Mỹ và phiến quân Taliban đã đạt được thỏa thuận vào đầu năm nay. Nổi bật trong đó là quân đội quốc tế rút khỏi Afghanistan, còn Taliban cam kết không để lãnh thổ Afghanistan “dung túng” khủng bố quốc tế. Thỏa thuận lịch sử này được xem là dọn đường đến các cuộc đàm phán Hòa bình nội bộ Afghanistan.

Sau nhiều lần trì hoãn, Chính phủ Afghanistan và Taliban đã ngồi vào bàn đàm phán từ ngày 12-9-2020 tại Qatar. Các cuộc đàm phán vô cùng khó khăn vì nhiều lý do nên chưa đạt được bất kỳ kết quả nào. Song, việc hai bên cố gắng duy trì đàm phán cho thấy sự đồng thuận rằng, một giải pháp chính trị là cấp thiết. Hơn lúc nào hết, Afghanistan đang cận kề với một nền hòa bình thực chất. Không chỉ người dân Afghanistan mà cộng đồng quốc tế đang đặt niềm tin rất lớn vào triển vọng này.

Libya: Một khối thống nhất Đông-Tây

Tại Libya, hai phe đối địch gồm Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) được quốc tế công nhận và lực lượng miền Đông tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đang đàm phán san sẻ quyền lực thay vì để Libya trở thành “chiếc bánh” cho các thế lực ngoại quốc “xâu xé”.

Trong những ngày đầu năm 2020, Liên hợp quốc trung gian tổ chức Hội nghị quốc tế về Libya tại Thủ đô Berlin, Đức. Kết quả của hội nghị đã thiết lập Ủy ban Quân sự hỗn hợp bao gồm 5 thành viên đại diện cho mỗi bên (5+5). Các cuộc đàm phán 5+5 bắt đầu vào tháng 2-2020 nhanh chóng đổ vỡ nhưng sau khi có sự tham gia của một số cường quốc, xung đột đã được ngăn chặn.

Từ tháng 8-2020, một thỏa thuận đình chiến đã tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán 5+5. Từ đó, các bên đồng ý rút quân lực khỏi tiền tuyến, rút lính đánh thuê và máy bay chiến đấu nước ngoài khỏi Libya vào cuối tháng 1-2021. Nối tiếp là 2 vòng đàm phán nội bộ Libya vắng mặt các nhà can thiệp nước ngoài, GNA và LNA đã đạt nhiều đồng thuận, gửi một tín hiệu khẳng định Libya là một khối thống nhất, không còn bị cản trở bởi thế lực ngoại quốc.

Diễn đàn Đối thoại Chính trị Libya (LPDF) nhóm họp tại Tunisia trong tháng 11 đã đạt được thỏa thuận về lộ trình tiến tới các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội nhân kỷ niệm 70 năm độc lập của Libya. Dù kết quả vẫn chưa chắc chắn nhưng cơ hội thành công là có thật. Các nước châu Âu thậm chí còn cảnh báo sẽ trừng phạt với bất kỳ bên nào cản trở tiến trình hòa bình còn mong manh của Libya, cho thấy nỗ lực rất lớn của quốc tế bảo vệ thành quả hòa giải tại quốc gia Trung Đông.

Quốc tế hợp sức duy trì ổn định, hòa bình Biển Đông

Năm 2020, có hàng loạt công thư, công hàm gửi Liên hợp quốc về vấn đề Biển Đông. Ở Đông Nam Á là Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia. Ở phương Tây là Mỹ, Australia cùng công hàm chung của Anh, Pháp, Đức. Lập trường của các nước cho thấy nhận thức chung khi đều phản đối các lập luận sai trái về Biển Đông, nêu cao tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế, khẳng định giá trị phổ quát và toàn diện của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, cũng như đề cao chủ nghĩa đa phương, ngăn chặn xung đột, khẳng định giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình là giải pháp duy nhất.

Các công hàm đã minh chứng rằng, Biển Đông không chỉ là vấn đề của khu vực mà còn là mối quan tâm hàng đầu của thế giới bởi tầm quan trọng đối với an ninh và sự phát triển toàn cầu. Sự hợp sức của quốc tế được xem là động lực ngăn chặn các diễn biến xấu, thúc đẩy các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), từ đó tạo nền tảng vững chắc cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng bền vững.

Nhìn lại năm 2020, dù bất ổn vẫn diễn ra mỗi ngày ở nhiều “điểm nóng”, song, nỗ lực hàn gắn thế giới đã và đang từng bước khẳng định rõ nét sức mạnh hiệu nghiệm của hòa bình được kiến tạo bởi cộng đồng quốc tế, tiếp tục tạo nên những triển vọng hòa bình thực chất.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/han-gan-the-gioi-post437095.html