Hàn gắn rạn nứt

Ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ phóng thích mục sư người Mỹ A.Brăn-xơn, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pôm-peo tới An-ca-ra. Oa-sinh-tơn cũng hé mở khả năng có thể dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Mối quan hệ 'cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt' giữa hai đồng minh trong NATO có dấu hiệu được hàn gắn, bởi những lợi ích chiến lược ràng buộc.

Quan hệ đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ xấu đi nghiêm trọng kể từ sau khi bùng lên tranh cãi liên quan vụ bắt giữ mục sư A.Brăn-xơn. Mỹ đã áp đặt trừng phạt đối với một số quan chức của An-ca-ra, cũng như tăng gấp đôi mức thuế đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Anca-ra cũng đáp trả thông qua các lệnh trừng phạt đối với hàng hóa của Mỹ.

Các biện pháp trừng phạt đã khiến đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc, giảm tới 40% giá trị từ đầu năm đến nay. Quan hệ giữa hai nước còn gặp trắc trở do bất đồng liên quan cuộc chiến ở Xy-ri. Lực lượng người Cuốc ở Xy-ri được Mỹ hậu thuẫn và là đối tác tin cậy của Oa-sinhtơn trong cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) lại bị Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách khủng bố. Sau những tranh cãi kéo dài, việc Thổ Nhĩ Kỳ thả mục sư A.Brăn-xơn được Tổng thống Mỹ Đ.Trăm thừa nhận là một “quyết định rất khó khăn”. Ông Đ.Trăm đánh giá đây là “một bước tiến lớn” hướng tới mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa Oa-sinh-tơn và An-ca-ra. Tuy nhiên, động thái nhượng bộ từ phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng được dư luận cho là nhằm đổi lại việc Mỹ dỡ bỏ các lệnh cấm vận đang khiến nền kinh tế của quốc gia nằm giữa hai bờ lục địa Á-Âu lao đao.

Giải pháp “rút củi đáy nồi” của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Éc-đô-gan đã giúp “hạ nhiệt” căng thẳng trong quan hệ của nước này với Mỹ.

Tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pôm-peo ở thủ đô An-ca-ra, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Éc-đô-gan có nhiều vấn đề “nóng” cần thảo luận với người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ trả tự do cho mục sư A.Brăn-xơn, khép lại hồ sơ “nhạy cảm” và từng là “vật cản” trong quan hệ hai nước, đã mở đường cho việc Mỹ cân nhắc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt An-cara. Mục đích chuyến thăm An-ca-ra lần này của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ cũng nhằm phát huy vai trò trung gian của Oa-sinh-tơn trong giải quyết cuộc khủng hoảng trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và A-rập Xê-út liên quan vụ nhà báo Kha-sốc-ghi mất tích. Oa-sinh-tơn không muốn những rắc rối chung quanh vụ việc này làm tổn hại nghiêm trọng tới quan hệ giữa hai đồng minh quan trọng của Mỹ là A-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như không muốn đặt Mỹ vào thế khó xử khi buộc phải áp đặt các trừng phạt đối với A-rập Xê-út như Tổng thống Đ.Trăm từng tuyên bố.

Vấn đề mục sư A.Brăn-xơn, yếu tố vốn trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, đã được loại bỏ. Tuy nhiên, giữa hai nước còn phải gạt bỏ bất đồng trong vấn đề Xy-ri. Tổng thống T.Éc-đô-gan từng phàn nàn rằng, Mỹ đã không thực hiện lịch trình theo thỏa thuận về việc rút nhóm vũ trang Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Cuốc (YPG) khỏi thành phố Man-bít, miền bắc Xy-ri. Phản đối sự hỗ trợ của Oa-sinh-tơn dành cho lực lượng YPG, An-ca-ra từng đe dọa thực hiện cuộc tiến công trên bộ nhằm các cơ sở của YPG, cho dù các binh sĩ Mỹ đồn trú tại đó. Nhằm giảm sự bất đồng trong vấn đề Xy-ri, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ gần đây đã chấp thuận thỏa hiệp. Hai bên nhất trí để binh sĩ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra chung ở Man-bít nhằm tạo sự ổn định và an ninh trong khu vực, cũng như để ngăn chặn các hoạt động khủng bố.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã có những điều chỉnh trục quan hệ hướng sang thân Nga và các nước ở khu vực Trung Đông. Những động thái “bắt tay” hợp tác kinh tế và quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga đã “chọc giận” Mỹ. Lợi ích của cả Oa-sinh-tơn và An-ca-ra đều bị ảnh hưởng khi quan hệ hai bên không được “xuôi chèo mát mái”. Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào suy thoái, trong khi Oa-sinh-tơn không nhận được sự ủng hộ của đồng minh trong cuộc chiến chống IS ở Xy-ri.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ trải qua những đợt sóng gió vừa qua ít nhiều cũng gây bất lợi cho mối liên kết của NATO, khối quân sự mà cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cùng là thành viên. Bởi thế, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận nhượng bộ ở thời điểm này được xem là lựa chọn hợp lý và “đôi bên cùng có lợi”.

HỒNG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/37968202-han-gan-ran-nut.html