'Hạn chế trong giáo dục là thiếu tính tranh luận'

Tại lễ tổng kết năm học 2017 - 2018 và triển khai nhiệm vụ năm học mới, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng hạn chế trong giáo dục là văn hóa nghe lời và thiếu tính tranh luận.

Ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ với những người đứng đầu ngành giáo dục TP.HCM - Ảnh: Nam Phan

Ngà 14.8, Sở GD- ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai năm học 2018 - 2019. Tại đây, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định ngành sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập, đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Nâng cao chất lượng các đề kiểm tra với các nội dung có liên quan đến các tình huống thực tiễn, chuyển trọng tâm đánh giá nội dung học tập sang đánh giá phẩm chất và năng lực của người học.

Tham dự hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã dành gần một giờ đồng hồ để trò chuyện với gần 500 đại biểu tham dự là những người đứng đầu ngành giáo dục của thành phố và hiệu trưởng các trường THPT, những giáo viên tiêu biểu.

Mở đầu buổi trò chuyện, ông Nhân kể câu chuyện trong một lần công tác đến đến Israel, ông đặt câu hỏi bí quyết nào để đất nước họ thành công. Khi đó, những đối tác Israel đã chỉ tay về phía bãi biển, nơi có nhóm trẻ nhỏ đang chơi đùa và nói với ông: "Bí quyết của chúng tôi nằm ở trước mặt ông!".

Ông Nhân kể tiếp, lúc đó, đối tác Israel giải thích, những đứa trẻ đang vui đùa đó có một đặc điểm, khi học chúng không bao giờ hài lòng với những điều người khác trình bày sẵn. Chúng luôn đặt câu hỏi tại sao như vậy và có thể làm khác được không?. Tính tranh luận, phản biện là một nét văn hóa của người Israel được hình thành ngay từ nhỏ. Bởi nếu không đặt câu hỏi này ngay từ nhỏ thì lớn lên sẽ không có nhu cầu để sáng tạo...

Và người đứng đầu TP.HCM nhìn nhận: "Bí quyết của một quốc gia sáng tạo là mọi người phải có thói quen được hỏi, được giải đáp và được đề nghị làm khác đi" và đặt câu hỏi: "Điều này chúng ta có làm được không?".

Ngay lập tức, ông Nhân tự lắc đầu và nói rằng đây không phải là điều dễ dàng khi chúng ta thiếu văn hóa tranh luận bởi nhiều khi “thầy cô nói như chân lý, học trò không được chất vấn. Chúng ta đang bị nhầm lẫn giữa sự tôn trọng và để cho các em tự do sáng tạo, chủ động, được hỏi và làm khác đi. Học trò chất vấn thầy cô có khi còn bị xem là thiếu lễ phép".

Từ đó, đề cập đến đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, ông Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ chúng ta phải thừa nhận chúng ta có gì đó chưa đúng nên cần đổi mới căn bản, toàn diện. Theo ông, quá trình giáo dục truyền thống là truyền đạt do vậy bây giờ từ dạy học phải nhấn mạnh đến tự học và nhấn mạnh tính ứng dụng trong nhà trường vào cuộc sống. Trong quá trình này, vai trò của người thầy là rất quan trọng, là tấm gương trong tự học, sáng tạo…, Nhắc đến yếu tố tự học, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Sở GD-ĐT TP.HCM cần thống kê, bao nhiêu phần trăm giáo viên từ 30 tuổi trở lên, làm chủ được một ngoại ngữ. Bởi ngoại ngữ cực kỳ quan trọng trong việc tiếp nhận tri thức, không có ngoại ngữ thiệt thòi vô cùng.

Bích Thanh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/han-che-trong-giao-duc-la-thieu-tinh-tranh-luan-993124.html