Hạn chế trồng cây lâu năm kích thước lớn trong khuôn viên thành cổ Sơn Tây

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội về việc thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ, tôn tạo di tích Thành cổ Sơn Tây.

Theo đó, Bộ VHTTDL thỏa thuận Báo cáo kinh tế - kỹ thuật bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành cổ Sơn Tây, hạng mục: đường dạo và cây xanh.

Bộ VHTTDL lưu ý: Chủng loại đá lát đường cần cân nhắc để phù hợp, hài hòa với cảnh quan và đảm bảo giao thông đi lại thuận tiện. Đồng thời, hạn chế trồng cây lâu năm kích thước lớn trong khuôn viên thành cổ.

Bên cạnh đó, về căn cứ pháp lý cần bổ sung: Luật di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa năm 2009; Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa; Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Thành Sơn Tây được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) là tòa thành cổ được xây bằng đá ong của Việt Nam có tổng diện tích 16 ha với các kiến trúc độc đáo như: tường thành bằng đá ong, 4 cổng thành xây bằng gạch cổ. Đây là một trong số ít tòa thành dưới thời Minh Mạng còn lại đến ngày nay, thành được xây dựng kiên cố để bảo vệ vùng đất phía Tây Bắc Thăng Long.

Thành Sơn Tây đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử kiến trúc quốc gia năm 1994. Ngày nay, tòa thành này vẫn còn tồn tại ở trung tâm thị xã Sơn Tây, Hà Nội và trở thành một di tích lịch sử và kiến trúc quân sự.

Thanh Xuân

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/han-che-trong-cay-lau-nam-kich-thuoc-lon-trong-khuon-vien-thanh-co-son-tay-post459482.antd