Hạn chế tối đa trái tuyến

Năm học 2019-2020, Hà Nội chủ trương đổi mới phương thức tuyển sinh đầu cấp, siết tuyển sinh trái tuyến.

Theo chỉ đạo của UBND TP, năm học 2019-2020, Sở GD&ĐT, các Phòng GD&ĐT phải kiểm soát chặt chẽ công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6; hạn chế tối đa việc tuyển sinh trái tuyến; không tiếp nhận học sinh trái tuyến đối với các nhà trường đã tuyển đủ chỉ tiêu được giao. Các nhà trường không được tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học và tuyệt đối không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 1.

UBND TP cũng giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện toàn bộ công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2019-2020; tổ chức kiểm tra, thanh tra công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 theo quy định.

Năm 2019, Hà Nội vẫn duy trì việc tiến hành theo hình thức trực tuyến thông qua cổng điện tử và trực tiếp đối với những người không có điều kiện về công nghệ thông tin.

Hà Nội chủ trương siết chặt tuyển sinh trái tuyến năm học 2019-2020. Ảnh:P.T

Hà Nội chủ trương siết chặt tuyển sinh trái tuyến năm học 2019-2020. Ảnh:P.T

Chủ trương của Sở GD&ĐT Hà Nội trong tuyển sinh đầu cấp năm học 2019- 2020 là sẽ tuyệt đối tránh tình trạng trường thì có nhiều học sinh trái tuyến, trường lại tuyển sinh không đảm bảo số lượng học sinh, không sử dụng hết công suất của trường. Và nhằm siết tuyển sinh trái tuyến, ông Chử Xuân Dũng- GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội đã khẳng định: Sở sẽ tiếp tục rà soát và kiểm tra, nếu phát hiện các trường tuyển sinh trái tuyến sẽ xử lý kỷ luật.

Tuy nhiên, việc gia tăng dân số cơ học ở một số quận huyện của Hà Nội là không đồng nhất. Sở GD&ĐT đã có báo cáo về việc các quận: Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai… số học sinh tăng cơ học nhanh, nhu cầu về trường lớp chưa đáp ứng được số lượng gia tăng cơ học ấy. Vì thế, rất khó tránh chuyện tuyển sinh trái tuyến. Vì dụ: Trường tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai - Hà Nội), năm học 2018-2019 chỉ có 5 lớp 5 ra trường, nhưng năm học 2019-2020 sẽ tuyển mới 17 lớp 1 (tương đương hơn 800 học sinh). Đại diện Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai cho biết, mặc dù quận đầu tư xây mới thêm một số trường học, nhưng tình trạng sĩ số học sinh trong một lớp vượt quá quy định vẫn chưa thể khắc phục ngay trong năm học 2019-2020. Năm học vừa qua, quận Hoàng Mai có nhiều trường học đông học sinh nhất TP, với sĩ số trung bình 60 học sinh/lớp.

Trưởng phòng GD&ĐTquận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu cho biết, từ năm 2015 đến nay, ngân sách đầu tư cho giáo dục hàng năm của quận luôn chiếm tới 60%, song việc bố trí quỹ đất để xây dựng thêm hoặc mở rộng các trường hiện có rất khó khăn. Một số trường tiểu học chịu áp lực tuyển sinh rất lớn và có sĩ số trung bình 60 học sinh/lớp như: Đặng Trần Côn, Thanh Xuân Trung, Phan Đình Giót...

PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại cho rằng: Nếu sĩ số học sinh/ lớp vượt so với quy định của Điều lệ trường học, Phòng GD&ĐT của các quận, huyện, thị xã phải có văn bản báo cáo Sở, để tránh xảy ra hiện tượng quá tải. Sở sẽ kiểm soát chặt chẽ việc tuyển sinh để hạn chế đến mức thấp nhất việc tuyển sinh trái tuyến của các trường.

TP cũng có một vài trường “đặc thù” không tuyển sinh lớp 6 theo tuyến, là các trường THCS được TP công nhận trường chất lượng cao.

Ông Phạm Quốc Toản- Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, việc cho phép kiểm tra, đánh giá năng lực để tuyển sinh vào lớp 6 một số trường “đặc thù” ở Hà Nội được thực hiện theo Thông tư số 05/2018 của Bộ GD&ĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT.

Sở GD&ĐT Hà Nội công bố danh sách cho phép gần 20 trường THCS có lượng thí sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu được tuyển sinh vào lớp 6 bằng phương thức xét tuyển, hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực. Các trường THCS công lập thuộc danh sách trên gồm: THCS Cầu Giấy; hệ THCS của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam; THCS Nam Từ Liêm; THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ); THCS Ngô Sỹ Liên (Chương Mỹ); THCS Nguyễn Huy Tưởng (Đông Anh), THCS đô thị Việt Hưng (Long Biên), THCS Trưng Vương (Mê Linh)... và một số trường ngoài công lập như: THCS-THPT Marie-curie, THCS-THPT Nguyễn Siêu, THCS-THPT Đoàn Thị Điểm...

Trong số đó, đáng chú ý nhất là một số trường có tỷ lệ chọi lớp 6 cao như: Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Điều kiện đăng ký dự thi vào lớp 6 của trường này với học bạ toàn điểm 10. Năm nay là lần đầu tiên trường này sử dụng phương thức kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực để tuyển sinh vào lớp 6 (chỉ dành cho học sinh có hộ khẩu Hà Nội) với chỉ tiêu là 200 học sinh (các năm trước chỉ xét học bạ).

Việc đổi mới phương thức tuyển sinh đầu cấp của Hà Nội có mạnh mẽ siết được tuyển sinh trái tuyến hay không, còn chờ vào diễn biến tuyển sinh năm nay. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng: Cần sớm giải quyết vấn đề thiếu trường lớp, tạo điều kiện để học sinh có đủ cơ sở vật chất học tập, nâng cao chất lượng dạy và học trong mỗi nhà trường, tạo ra sự phát triển tương xứng về chất lượng của các trường thì vấn đề “chạy trường, chạy lớp” mới thực sự hạn chế được.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/han-che-toi-da-trai-tuyen-151128.html