Hạn chế tình trạng 'sân sau' trong lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản

Cục Bổ trợ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản trình Bộ trưởng Tư pháp ban hành. Đây sẽ là cơ sở cho người có tài sản thực hiện việc lựa chọn tổ chức đấu giá, khắc phục những tồn tại, bất cập trong thực tế hiện nay.

Còn tình trạng đề ra các tiêu chí “chủ quan”, thiếu minh bạch

Theo quy định tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản thì sau khi có quyết định của người có thẩm quyền về việc đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của mình và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản về việc lựa chọn tổ chức đấu giá. Việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản căn cứ vào các tiêu chí tại khoản 4 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản (gồm tiêu chí về phương án đấu giá; năng lực, kinh nghiệm, uy tín của tổ chức đấu giá; cơ sở vật chất, thù lao dịch vụ đấu giá...) và các tiêu chí cụ thể khác phù hợp với tài sản do người có tài sản quyết định để lựa chọn được tổ chức đấu giá có đủ năng lực thực hiện việc đấu giá tài sản.

Thực hiện quy định nêu trên, các cơ quan, tổ chức có tài sản đấu giá đã thực hiện tương đối nghiêm túc, đầy đủ quy định về việc thông báo công khai việc lựa chọn tổ chức đấu giá, đảm bảo tính công khai, minh bạch. Tuy nhiên, còn tình trạng người có tài sản đã đề ra các tiêu chí “chủ quan”, thiếu minh bạch, không trực tiếp liên quan việc tổ chức cuộc đấu giá mà chủ yếu hướng đến tổ chức đấu giá đã được lựa chọn trước, “sân sau”. Việc đưa ra các tiêu chí mang tính chủ quan, tạo điều kiện cho việc lựa chọn các tổ chức đấu giá tài sản là “sân sau” của người có tài sản, có thể làm nảy sinh nhiều tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản, thông đồng giữa người có tài sản với tổ chức đấu giá tài sản, tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát tài sản bán đấu giá (nhất là hiện nay hầu hết tài sản đấu giá là tài sản công trong đó 90% là quyền sử dụng đất).

Từ thực tiễn quản lý việc thực hiện quy định lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản thời gian qua đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, nên việc hướng dẫn thống nhất về các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo hướng cụ thể hóa các tiêu chí tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đấu giá tài sản làm cơ sở cho người có tài sản thực hiện việc lựa chọn và thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước, khắc phục những tồn tại, bất cập trong thực tế là rất cần thiết.

Nhiều quy định hạn chế sự tùy tiện trong áp dụng

Theo đó, để đảm bảo tính công khai, minh bạch của việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản cũng như tăng cường trách nhiệm của người có tài sản, dự thảo Thông tư quy định sau khi có quyết định của người có thẩm quyền về việc đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của mình và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản việc lựa chọn tổ chức đấu giá trong thời gian ít nhất là 03 ngày làm việc trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nội dung các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản mà người có tài sản phải công khai cũng được quy định rõ, theo đó, căn cứ vào giá khởi điểm của tài sản đưa ra đấu giá, dự thảo Thông tư quy định hai trường hợp: đối với tài sản đưa ra đấu giá có giá khởi điểm từ 01 tỷ đồng trở lên, người có tài sản phải đưa ra tất cả các tiêu chí thuộc 04 nhóm tiêu chí: cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết tổ chức cuộc đấu giá; phương án đấu giá khả thi, hiệu quả; năng lực, kinh nghiệm, uy tín của tổ chức đấu giá; thù lao, dịch vụ đấu giá và chi phí đấu giá tài sản. Người có tài sản đấu giá chỉ được xem xét, quyết định đối với nhóm tiêu chí khác trên cơ sở theo loại tài sản đấu giá, tình hình vụ việc tổ chức đấu giá tài sản.

Đối với tài sản đưa ra đấu giá có giá khởi điểm dưới 01 tỷ đồng, người có tài sản phải đưa ra tất cả các tiêu chí, tiêu chí thành phần thuộc nhóm tiêu chí về phương án đấu giá khả thi, hiệu quả và năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức đấu giá tài sản. Các tiêu chí thuộc nhóm về cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết, thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản và nhóm tiêu chí khác do người có tài sản xem xét, quyết định căn cứ vào tính chất tài sản đấu giá và thực tiễn vụ việc đấu giá cụ thể.

Đồng thời, để tránh sự tùy tiện trong quá trình áp dụng các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đã ban hành, dự thảo Thông tư quy định rõ người có tài sản không được quy định thêm các tiêu chí khác ngoài 04 nhóm tiêu chí và các tiêu chí thành phần cụ thể đã được quy định tại dự thảo Thông tư.

Dự thảo Thông tư cũng quy định trường hợp tổ chức đấu giá tài sản không được đăng ký tham gia lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản trong trường hợp người có tài sản là người có liên quan với tổ chức đấu giá tài sản đó theo quy định của pháp luật doanh nghiệp để đảm bảo tính khách quan, hạn chế tối đa tình trạng “sân sau” trong lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.

Bình An

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/han-che-tinh-trang-san-sau-trong-lua-chon-to-chuc-dau-gia-tai-san-591991.html