Hạn chế thấp nhất việc chuyển đổi rừng phòng hộ khi thực hiện dự án đường bộ cao tốc bắc-nam

Ngày 29/6, tại tỉnh Quảng Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh dẫn đầu đoàn công tác có buổi làm việc với UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị về chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa của dự án xây dựng cao tốc bắc-nam phía đông.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại buổi làm việc.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại buổi làm việc.

Dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông, giai đoạn 2021-2025, gồm các đoạn tuyến từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau.

Quy mô đầu tư khoảng 729km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 146 nghìn tỷ đồng, dự kiến cơ bản hoàn thành vào năm 2025, đưa vào khai thác, vận hành năm 2026.

Để triển khai dự án, các tỉnh cần chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 1.054ha đất rừng, gần 1.864ha diện tích đất lâm nghiệp và hơn 1.537ha diện tích trồng lúa nước.

Riêng tại các tỉnh bắc miền trung, diện tích đất rừng cần chuyển đổi khá lớn, trong đó có nhiều diện tích rừng phòng hộ.

Tại buổi làm việc, đơn vị tư vấn đã báo cáo về quy trình lập và thẩm định hồ sơ. Đại diện lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương đã thảo luận, làm rõ diện tích, chất lượng rừng và diện tích đất lúa cần chuyển đổi; giải pháp đối với đất quốc phòng; giải pháp đối với sinh kế người dân sau khi chuyển đổi diện tích đất rừng, đất trồng lúa nước.

Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh tầm quan trọng và quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ trong triển khai dự án trọng điểm này. Đồng chí đề nghị các bộ, ngành liên quan và các địa phương cần tích cực phối hợp thực hiện tốt các nội dung liên quan để bảo đảm tiến độ của dự án.

Đồng chí Vũ Hồng Thanh nêu rõ, về hướng tuyến dự án, ở bước khả thi so với tiền khả thi cơ bản không có sự thay đổi, chỉ điều chỉnh về mặt kỹ thuật. Tuy vậy, có một đoạn tuyến đi qua rừng phòng hộ, đề nghị Bộ Giao thông vận tải cần tính toán, đề xuất phương án phù hợp, hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển đổi rừng phòng hộ.

Đối với việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa của dự án, qua khảo sát thực tế, báo cáo của đơn vị tư vấn và nghiên cứu tài liệu cho thấy có sự chênh lệch về diện tích, cần phải rà soát, bóc tách, kiểm tra kỹ lưỡng để cập nhật đầy đủ, chính xác vào hồ sơ dự án; làm rõ trong hồ sơ về diện tích cụ thể rừng và đất rừng chuyển đổi, mỏ vật liệu. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải, đơn vị tư vấn cần cập nhật, bổ sung đầy đủ các vấn đề phát sinh có liên quan đến chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên, phương án trồng rừng thay thế...

Đồng chí Vũ Hồng Thanh khảo sát việc chuyển đổi rừng, đất rừng của dự án đoạn qua tỉnh Quảng Bình.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng ghi nhận kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải và các địa phương về việc Quốc hội, Chính phủ cần sớm ban hành cơ chế chính sách khung để tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai dự án để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trước đó, đồng chí Vũ Hồng Thanh và đoàn công tác tiến hành khảo sát việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa của dự án cao tốc bắc-nam phía đông đoạn qua tỉnh Quảng Bình.

Tin, ảnh: HƯƠNG GIANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/han-che-thap-nhat-viec-chuyen-doi-rung-phong-ho-khi-thuc-hien-du-an-duong-bo-cao-toc-bac-nam-703171/