Hạn chế sử dụng túi ni lông ở chợ dân sinh: Cần có giải pháp từ gốc

Như Báo Hànôịmới đã phản ánh, hưởng ứng phong trào 'chống rác thải nhựa', đến nay, việc hạn chế sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần và thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường được triển khai thực hiện khá hiệu quả tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể và nhiều siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng sử dụng túi ni lông vẫn còn phổ biến tại các chợ dân sinh. Để hạn chế tình trạng này cần có giải pháp từ gốc...

Hầu hết tiểu thương đều cho rằng khó hạn chế sử dụng túi ni lông nếu không có bao bì thân thiện với môi trường để thay thế (ảnh chụp tại chợ Vồi, huyện Thường Tín). Ảnh: Thu Hằng

Chưa có sản phẩm thay thế

Đây là khẳng định của Ban Quản lý một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội và đa số tiểu thương khi được hỏi về việc hạn chế sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần khi kinh doanh, buôn bán. Theo khảo sát của phóng viên tại chợ Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) chiều 22-11 cho thấy, có rất ít người dân đi chợ mang theo làn nhựa hoặc đồ dùng thay thế túi ni lông để đựng hàng. Trong khi đó, 100% chủ quầy hàng bán rau củ quả, thực phẩm tươi sống… vẫn dùng túi ni lông để đựng hàng hóa. Chị Lê Thị Định, chủ quầy hải sản, chợ Cầu Giấy cho biết, hiện mỗi ngày chị dùng hết 1kg túi ni lông khó phân hủy (trung bình khoảng 50-70 túi).

Tương tự, tại các chợ ở nội thành Hà Nội khác như: Chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Nghĩa Tân, chợ Thái Hà...; túi ni lông vẫn là sản phẩm chủ lực để đựng hàng hóa. Quan sát ở bất cứ quầy hàng nào, từ quầy thực phẩm tươi sống, hàng khô cho đến quần áo, giày dép… đều sử dụng túi ni lông; số quầy sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Còn tại các chợ dân sinh ngoại thành Hà Nội như chợ Phủ (huyện Quốc Oai), chợ Săn (huyện Thạch Thất), chợ Vồi (huyện Thường Tín), chợ Vân Trì (huyện Đông Anh)…, 100% tiểu thương khi được hỏi đều cho rằng họ vẫn sử dụng túi ni lông để đựng hàng hóa cho khách. Phó Trưởng ban Quản lý chợ Vồi Nguyễn Hữu Hân cho biết, chợ Vồi thu hút gần 700 hộ kinh doanh cố định và vãng lai. Thời gian qua, Ban Quản lý chợ đã ký cam kết hạn chế sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần; tuyên truyền tới toàn thể tiểu thương qua hệ thống loa truyền thanh. Tuy nhiên đến nay, hiệu quả thực hiện chưa được như mong đợi.

Tại chợ Phủ (huyện Quốc Oai) hằng ngày có 370 tiểu thương kinh doanh, việc hạn chế sử dụng túi ni lông cũng chưa có chuyển biến. Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã chợ Phủ Trần Đại Tư chia sẻ, khó nhất là hiện nay, chợ chưa có hộ nào kinh doanh sản phẩm thân thiện môi trường thay thế túi ni lông.

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Đỗ Đăng Hùng, nguyên nhân khiến việc hạn chế sử dụng túi ni lông khó thực hiện do giá túi ni lông quá rẻ (30.000-45.000 đồng/kg tùy loại), trong khi sản phẩm thân thiện môi trường lại có giá thành cao (70.000-90.000 đồng/kg)…

Cần có giải pháp từ gốc

Tháng 6-2019, Sở Công Thương Hà Nội ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chống rác thải nhựa trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng. Theo đó, mục tiêu là phấn đấu đến ngày 31-12-2020 giảm 50% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh; thay thế hoàn toàn túi ni lông khó phân hủy, nhựa sử dụng một lần bằng các sản phẩm thân thiện môi trường. Sở Công Thương đã phát mẫu cam kết tới các quận, huyện, thị xã yêu cầu ban quản lý các chợ tuyên truyền, vận động tiểu thương ký cam kết hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy. Có 455 chợ dân sinh trên địa bàn thành phố đã ký cam kết; các quận, huyện, thị xã cũng lựa chọn áp dụng chương trình tại một số chợ chính, bước đầu giảm 20-30% nhu cầu sử dụng túi ni lông khó phân hủy tại các chợ này. Song theo nhận định của Sở Công Thương, việc thực hiện kế hoạch còn nhiều khó khăn.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân Hoàng Công Anh cho biết, thực hiện kế hoạch của Sở Công Thương, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền đến các hộ kinh doanh tại chợ Đồng Xuân, phấn đấu trong năm 2019 giảm 50% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy. Song, việc này khó hoàn thành nếu không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Đó là, Nhà nước cần nghiên cứu tăng thuế đối với các cơ sở sản xuất túi ni lông được làm từ chất khó phân hủy; có lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần; có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp thu gom, tái chế túi ni lông.

Còn theo Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ Dương Việt Hùng, quận hiện có 11 chợ dân sinh, đến nay nhiều hộ kinh doanh đã hạn chế sử dụng túi ni lông. Người mua cũng dần ý thức việc bảo vệ môi trường như đi chợ mang làn nhựa, túi vải và hộp đựng thực phẩm... Tuy nhiên, để mục tiêu chống rác thải nhựa đạt kết quả như mong đợi, cần có biện pháp quản lý tiến tới chấm dứt hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất túi ni lông khó phân hủy. Bên cạnh đó, cần có chương trình trợ giá nhằm khuyến khích tiểu thương sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng khẳng định, Sở sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai thực hiện tốt các giải pháp chống rác thải nhựa, có chương trình khuyến khích tiểu thương và nhân dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Trong đó, Sở tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trình HĐND thành phố cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần chuyển đổi sang sản xuất các loại bao gói, túi xách thân thiện với môi trường cũng như cơ chế khuyến khích các tổ chức cá nhân sử dụng những sản phẩm này.

Nhóm PV Ban Bạn đọc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/951528/han-che-su-dung-tui-ni-long-o-cho-dan-sinh-can-co-giai-phap-tu-goc