Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất

Những năm qua, việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất nông nghiệp ở TP Hà Nội đang có những tín hiệu tích cực. Do sử dụng thuốc BVTV ít, cho nên đã giảm được chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, hướng đến sản phẩm nông sản an toàn.

Theo thống kê, hiện nay Hà Nội có hơn 157 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp. Qua điều tra của Chi cục BVTV thành phố, giai đoạn từ năm 2014 đến 2017, tình hình sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp ở các huyện, thị xã không nhiều, chỉ bằng 0,25 đến 0,32% so với bình quân toàn quốc. Hiện nay, lượng thuốc BVTV sử dụng cho một héc-ta sản xuất nông nghiệp của thành phố từ 1,6 đến 2 kg. Do sử dụng lượng thuốc BVTV ít cho nên hằng năm đã tiết kiệm được khoảng 200 tỷ đồng. Có những địa phương sử dụng ít thuốc BVTV hoặc không sử dụng thuốc phòng trừ sâu, bệnh như các huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên… đã giúp giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn với người tiêu dùng. Xã Đỗ Động (huyện Thanh Oai) là địa phương thuần nông, thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, toàn xã có khoảng 1.500 hộ, sản xuất hơn 400 ha lúa. Đây là xã được biết đến với tỷ lệ sử dụng rất ít thuốc BVTV trong sản xuất. Theo thống kê, trong ba năm qua tại Đỗ Động tỷ lệ hộ không sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa khoảng 90%. Nguyên nhân là do trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2017, diện tích ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến ở vụ xuân trên địa bàn xã đang tăng khá nhanh. Năm 2015, cả xã có 295 ha lúa vụ xuân áp dụng theo phương thức này, đến vụ xuân 2017 đã tăng lên 390 ha.

Để đạt được những kết quả đó là do Chi cục BVTV thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ các hoạt động như đào tạo giảng viên, lớp học đồng ruộng, hội nghị đầu bờ… nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng canh tác, nhận thức về hệ sinh thái cho nông dân. Trong đó, cốt lõi là tổ chức lớp học đồng ruộng về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) trên lúa, rau, hoa, quả cho nông dân. Thời gian qua, thành phố tổ chức được 5.011 lớp học đồng ruộng về IPM cho hơn 124 nghìn nông dân. Đồng thời thành phố cũng triển khai được 205 mô hình SRI (từ 4 đến 50 ha) với diện tích hơn 4,2 nghìn ha. Đến nay, diện tích ứng dụng từng phần và toàn phần SRI đạt khoảng 60%; diện tích rau được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hơn 5.000 ha, rau hữu cơ hơn 50 ha. Qua đó giúp giảm giống, đạm, thuốc BVTV, nước tưới, đồng thời tăng năng suất, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả canh tác. Hiện, thành phố có hơn 1.000 ha lúa nếp cái hoa vàng đạt giá trị 100 triệu đồng/ha/vụ; hơn 1.200 ha rau an toàn với giá trị thu nhập đạt khoảng một tỷ đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, Chi cục BVTV chỉ đạo hệ thống BVTV dự tính, dự báo chính xác, phối hợp địa phương hướng dẫn bà con nông dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “sáu đúng” (đúng địa điểm; đúng thời điểm; đúng thuốc; đúng liều lượng; nồng độ; đúng cách và đúng thời gian cách ly). Cùng với đó là điều hành cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng, tưới, tiêu nước; hướng dẫn, khuyến khích bà con nông dân áp dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến, không sử dụng thuốc BVTV trên rau, quả. Hằng năm, Chi cục BVTV chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tham mưu cho UBND cấp huyện, xã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tổ kiểm tra của địa phương, kiểm tra các tổ chức, cá nhân buôn bán vật tư nông nghiệp, sản xuất, sơ chế, kinh doanh rau, hoa, quả cũng như việc sử dụng thuốc BVTV để xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Do thực hiện tốt các quy trình canh tác cải tiến, ứng dụng IPM cho nên diện tích nhiễm cũng như mức độ hại của sâu, bệnh thấp, góp phần đưa thành phố là một trong những địa phương có năng suất cây trồng cao nhất vùng.

Theo Chi cục BVTV thành phố Hà Nội, để giảm bớt việc sử dụng thuốc BVTV và phân bón vô cơ trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới cần tiếp tục tổ chức các lớp học, tập huấn về quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng cho cán bộ chuyên môn và nông dân; có chính sách để nông dân được học tập, tiếp cận với kỹ thuật mới nhằm tiến tới không sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất; quy định chặt chẽ việc đăng ký thuốc BVTV; quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm của cấp huyện, xã…

HẢI THANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/37447702-han-che-su-dung-thuoc-bao-ve-thuc-vat-trong-san-xuat.html