Hạn chế rác thải nhựa, túi ni lông – bắt đầu từ những hành động nhỏ

Tác hại của nhựa và túi ni lông đến môi trường và sức khỏe con người là rất lớn. Để bảo vệ chính mình và người thân, mỗi người cần bắt đầu từ những việc làm nhỏ như không sử dụng túi ni lông, hạn chế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Ảnh minh họa.

Ô nhiễm từ rác thải nhựa

Ống hút, thìa, cốc, bát, đĩa nhựa dùng một lần; hộp xốp; nước đóng chai nhựa; những chiếc túi ni lông làm từ nhựa... là những vật dụng được sử dụng phổ biến trong đời sống hằng ngày bởi tính tiện lợi và giá thành rẻ. Phổ biến nhất là tại khu vực chợ, các cửa hàng đồ ăn nhanh, quán trà sữa... ở đâu cũng thấy túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần. Chúng ta hồn nhiên sử dụng mà ít người quan tâm rằng các sản phẩm này có đặc tính rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Hậu quả là rác thải nhựa và ni lông phát sinh không ngừng, có mặt ở khắp nơi, từ đường phố, đồng ruộng, trong lòng đất đến sông ngòi, ao, hồ, kênh mương và cả đại dương... Rác thải nhựa trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng, gây ô nhiễm môi trường đất và nước. Khi đốt, rác thải nhựa sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường không khí và sức khỏe con người.

Theo số liệu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm, con người trên khắp hành tinh thải ra môi trường một khối lượng nhựa đủ để cuốn quanh trái đất 4 lần khi có khoảng 500 tỷ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, nhưng chỉ có 27% trong số chúng được xử lý và tái chế. Việt Nam được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới và được nhận định là 1 trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất, với khoảng 1,8 triệu tấn ra môi trường mỗi năm. Đáng nói, với nhu cầu sử dụng tăng cao, việc nhập khẩu phế liệu nhựa vẫn tăng theo cấp số nhân; chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người cũng tăng nhanh chóng từ 3,8kg/người/năm (năm 1990) lên 41kg/người/năm (năm 2015).

Mỗi ngày, cả nước có hàng trăm tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường, chỉ tính riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông. Đây chính là gánh nặng với môi trường, lâu dài có thể dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”.

Trên địa bàn tỉnh ta, nếu chú ý quan sát, mỗi gia đình sẽ sử dụng, thải bỏ trung bình từ 1-3 túi ni lông/ngày, mỗi năm có khoảng hàng chục tỷ túi ni lông bị thải ra nhưng số lượng được thu gom, tái sử dụng chiếm tỷ lệ rất thấp. Chủ yếu chúng được thu gom cùng với các loại chất thải rắn sinh hoạt để tập hợp về các bãi rác tập trung để xử lý theo hình thức chôn lấp hoặc đốt. Theo số liệu thống kê tại báo cáo bảo vệ môi trường năm 2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành ngày 25-3-2019, hiện nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hằng ngày trên địa bàn tỉnh khoảng 2.246,2 tấn/ngày đêm, trong đó khối lượng chất thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt 83,56%, tuy nhiên, chủ yếu bằng hình thức chôn lấp (chiếm 91%) và đốt (khoảng 9%).

Vấn nạn rác thải đang là bài toán nan giải mà các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh luôn nỗ lực để tìm cách khắc phục. Toàn tỉnh có 21 lò đốt rác được đầu tư từ vốn Nhà nước, vốn doanh nghiệp thế nhưng hoạt động của các lò đốt rác còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, 23 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp có (17 khu đang hoạt động, 3 khu đang trong giai đoạn xây dựng hoặc tạm ngừng xây dựng; 3 khu còn lại đã đóng cửa) cũng bộc lộ nhiều bất cập. Đáng lo ngại người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày, càng khiến việc xử lý rác thải nhựa thêm khó khăn.

Chung tay vì môi trường

Thời gian gần đây, nếu có dịp đến xã Dân Lý (Triệu Sơn) mỗi buổi sáng sớm dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà, các chị đem theo làn nhựa để đi chợ. Đây là những chiếc làn được trao tặng tại lễ phát động cùng chung tay vì một hành tinh xanh với chủ đề “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần” mà UBND xã Dân Lý phối hợp với Công ty TNHH Thép Huy Hoàng Gia thực hiện hồi tháng 5-2019. Tại khu vực chợ Thiều, các bà Lê Thị Hồng, Trương Thị Khanh, Phạm Thị Khuyên... cũng như mọi người lại xách những chiếc làn nhựa xinh xắn, màu sắc bắt mắt mới được trao tặng để đi chợ. Các bà vui vẻ cho biết: Xách làn đi chợ vừa đựng được nhiều thứ rau quả thực phẩm, lại không bị đau tay, không sợ rơi hàng do đứt quai, thủng túi như túi ni lông. Hơn nữa, bớt một chiếc túi ni lông là bớt gây hại cho môi trường.

Phấn khởi trước những tín hiệu tích cực góp phần bảo vệ môi trường, chị Lê Thị Mai, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Dân Lý, chia sẻ: Tại lễ phát động, bà con tham dự rất đông, đã có 2.200 chiếc làn nhựa được trao tặng cho các gia đình trong xã. Sau lễ phát động, đa số người dân, nhất là phụ nữ trong xã đã nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tích cực hưởng ứng và tạo thành phong trào mang làn nhựa đi chợ. Bản thân tôi và chị em nhận thấy việc dùng làn nhựa đi chợ tuy là hành động nhỏ nhưng thực sự mang lại ý nghĩa lớn, vừa giảm ô nhiễm môi trường cho địa phương trước thực trạng sử dụng túi ni lông tràn lan trong cộng đồng như hiện nay. Từ kết quả này, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động chị em nhân rộng phong trào.

Đó là một trong những tín hiệu vui khi có những địa phương đã bắt đầu chung tay triển khai những hoạt động cụ thể để “tuyên chiến” với túi ni lông, rác thải nhựa. Trong thời gian vừa qua, tỉnh ta đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm giảm chất thải nhựa. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 198/KH-UBND ngày 4-12-2018 thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh với nhiều nội dung cụ thể nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức và tầng lớp nhân dân về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường do sử dụng đồ nhựa và túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt, làm thay đổi từ nhận thức thành hành động cụ thể để hạn chế dần việc sử dụng đồ nhựa và túi ni lông khó phân hủy, thay thế bằng sản phẩn thân thiện với môi trường. UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị công sở trên địa bàn tổ chức ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại rác thải nhựa mỗi tháng 1 lần vào chiều thứ 6 của tuần cuối tháng; các địa phương lồng ghép chương trình thu gom, phân loại túi ni lông khó phân hủy và rác thải nhựa vào các đợt tổng vệ sinh môi trường định kỳ ít nhất 1 tháng 1 lần. Các cơ quan, đơn vị phát động phong trào sử dụng thay thế chai nhựa đựng nước một lần trong phòng làm việc và trong các cuộc họp bằng các bình đựng nước kim loại, sứ dùng nhiều lần... Để hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi ni lông, một số siêu thị lớn, cửa hàng thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã chủ động sử dụng các sản phẩm tự nhiên như dùng lá chuối gói rau, củ...; đồng thời bày bán các sản phẩm thân thiện với môi trường như cốc giấy tự hủy, ống hút làm từ bột gạo thay cho vật liệu nhựa...

Để rác thải nhựa không trở thành gánh nặng với môi trường thì việc nâng cao ý thức của mỗi người dân trong việc thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần là điều hết sức quan trọng. Mỗi người hãy bắt đầu bằng những hành động nhỏ, như không sử dụng túi ni lông, hạn chế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, phân loại rác thải nhựa trong sinh hoạt hằng ngày... sẽ góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường ra cộng đồng và giáo dục, ý thức cho con cháu chúng ta rằng: “Tổ quốc Việt Nam xanh ngát/ Có sạch đẹp mãi được không/ Điều đó tùy thuộc hành động của bạn/ Chỉ thuộc vào bạn mà thôi”.

Việt Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/moi-truong/han-che-rac-thai-nhua-tui-ni-long--bat-dau-tu-nhung-hanh-dong-nho/102607.htm