Hạn chế rác thải nhựa hướng đến du lịch xanh

Những năm gần đây, sự phát triển nhanh, mạnh của du lịch đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế đất nước. Song hoạt động du lịch cũng làm gia tăng lượng rác thải nhựa, gây áp lực lớn lên môi trường, đe dọa sự phát triển bền vững. Làm thế nào để giải quyết thách thức này đang là đòi hỏi cấp thiết đối với du lịch Việt Nam, nhất là khi tăng trưởng xanh đang trở thành xu hướng của ngành 'công nghiệp không khói' toàn cầu.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nguy cơ rác thải nhựa

Trao đổi tại Tọa đàm “Giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch” vừa diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam-VITM Hà Nội 2023, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, gần 50% sản phẩm nhựa được thiết kế, sản xuất phục vụ mục đích sử dụng một lần và sau đó thải bỏ, trong đó, chỉ một phần được thu hồi để tái chế hoặc tiêu hủy, còn lượng lớn bị cuốn vào hệ thống sông ngòi, kênh rạch trôi ra biển.

Lượng chất thải nhựa, túi ni-lông của cả nước ta chiếm khoảng 10-12% chất thải rắn sinh hoạt. Đặc biệt, ở một số thành phố có hoạt động du lịch phát triển, trung bình mỗi du khách thải ra môi trường 5-10 túi ni-lông/ngày, 2-4 vỏ chai nhựa, hộp sữa/ngày, chưa kể các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng một lần.

Sự tồn tại của rác thải nhựa không chỉ tạo tác động xấu đến cảnh quan, môi trường, làm giảm sức hấp dẫn của điểm đến, mà còn gây phản cảm với du khách, dẫn đến suy giảm lượng khách, ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế địa phương.

Theo các chuyên gia, nguồn phát sinh rác thải nhựa trong hoạt động du lịch có cả trên đất liền và biển, đến từ các cơ sở dịch vụ du lịch, khách du lịch và tàu, thuyền du lịch, với túi ni-lông, hộp xốp, hộp nhựa, vỏ chai, ống hút, bát, cốc, thìa nhựa, vỏ dầu gội, sữa tắm, tăm bông, mũ ủ tóc, lược, bàn chải, áo phao, đồ cứu hộ cũ, hỏng… Sự tồn tại của rác thải nhựa không chỉ tạo tác động xấu đến cảnh quan, môi trường, làm giảm sức hấp dẫn của điểm đến, mà còn gây phản cảm với du khách, dẫn đến suy giảm lượng khách, ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế địa phương.

Theo Báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, ước tính lượng phát sinh rác thải nhựa từ khách du lịch quốc tế và nội địa năm 2019 - thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19 là 116.144 tấn, và nếu không có các biện pháp giảm bớt, dự báo con số này sẽ tăng lên khoảng ba lần vào năm 2030, với 336.400 tấn. Đây là áp lực rất lớn đối với môi trường, nhất là ở các khu du lịch biển.

Trên thực tế, sự tăng trưởng cao về lượng khách và xu hướng du lịch đại trà tại Việt Nam giai đoạn vừa qua là một trong những nguyên nhân khiến nhiều khu du lịch đã và đang phải đối mặt hiện tượng ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa. Tiêu biểu như Vịnh Hạ Long với trung bình 4 tấn rác thải/ngày đêm, chủ yếu là rác thải nhựa trôi nổi trên biển; Đà Nẵng với 1.100 tấn rác thải/ngày đêm, trong đó rác thải nhựa chiếm 17%, tương đương 20,8 tấn/ngày đêm; Phú Quốc (Kiên Giang) với 155 tấn rác thải/ngày đêm, trong đó rác thải nhựa chiếm 19%, tương đương 32,1 tấn/ngày đêm (theo số liệu từ Viện Nghiên cứu phát triển du lịch)…

Thực trạng này khiến bài toán giảm rác thải nhựa trong hoạt động du lịch trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Hướng tới du lịch không rác thải nhựa

Để bảo đảm phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách quy định về quản lý rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch, như: Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, tiến tới sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch…;

Hay Quyết định số 1066/QĐ-BVHTTDL ngày 28/3/2018 ban hành Bộ tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch; Công văn số 1857/BVHTTDL-TCDL ngày 15/5/2019 về việc bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi ni-lông, ống hút nhựa, cốc nhựa dùng một lần; Quyết định số 4216/QĐ-BVHTTDL ngày 25/12/2020 ban hành quy tắc ứng xử bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa-thể thao và du lịch…

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, còn thiếu những hướng dẫn thật sự cụ thể để các đối tượng liên quan áp dụng. Thêm nữa, ý thức của người dân, du khách về giảm rác thải nhựa chưa cao; nhiều doanh nghiệp còn e dè trong áp dụng các sản phẩm thay thế nhựa do chi phí cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận…

Ý thức của người dân, du khách về giảm rác thải nhựa chưa cao; nhiều doanh nghiệp còn e dè trong áp dụng các sản phẩm thay thế nhựa do chi phí cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận…

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh đề xuất: Cần xây dựng các hướng dẫn và giám sát thực thi lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học; đồng thời có quy định cụ thể về ưu đãi cho các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa, tận thu năng lượng từ quá trình xử lý chất thải nhựa, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sau xử lý; ban hành các quy định giúp tạo thị trường cho sản phẩm tái chế có thể cạnh tranh với các sản phẩm được sản xuất từ nhựa nguyên sinh.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần có chế tài xử phạt nghiêm đối với hành vi xả rác bừa bãi ra môi trường của cơ sở kinh doanh du lịch cũng như khách du lịch; xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình quản lý để giảm, tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, đặc biệt tại một số khu du lịch quốc gia ven biển...

Đóng góp giải pháp để hạn chế rác thải nhựa trong hoạt động du lịch, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group cho rằng công tác quản lý điểm đến, đặc biệt là của chính quyền địa phương giữ vai trò vô cùng quan trọng. “Sau đại dịch, du khách ngày càng quan tâm đến du lịch có trách nhiệm, du lịch xanh, vì thế điểm đến càng phải được xây dựng và quản lý theo hướng xanh, bền vững” - ông Phạm Hà nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, phải có kế hoạch hành động cụ thể nhằm giảm rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch, mà doanh nghiệp du lịch và những người làm du lịch cần trở thành đối tượng tiên phong, từ đó tạo tác động thu hút mọi thành phần cùng tham gia. Ông Bình cho biết với sự ủng hộ của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Quỹ Môi trường toàn cầu, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phối hợp Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và triển khai Dự án giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam năm 2023-2024.

Dự án gồm ba hợp phần: Truyền thông nâng cao nhận thức về giảm rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch; thí điểm áp dụng các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa tại một số khu, điểm du lịch tại hai tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam; Xây dựng Kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch và ứng dụng (app) quản lý rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch.

Bà Vũ Mỹ Hạnh, đại diện nhóm làm việc về quản lý rác thải tại nguồn ở Hội An (Quảng Nam) cho biết, thời gian qua, Hội An đã xây dựng một mạng lưới các giải pháp về quản lý rác thải tại nguồn để hướng đến xây dựng Hội An-Điểm đến xanh.

Từ tháng 6/2020 đến nay, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và UBND thành phố Hội An đã phối hợp kêu gọi doanh nghiệp du lịch tham gia cam kết giảm rác thải và rác thải nhựa. Các hoạt động kết nối mạng lưới và tư vấn kỹ thuật được tổ chức nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện giảm rác thải, biến rác thải thành tài nguyên. Tháng 3/2021, kế hoạch hành động đến năm 2023 đã được Hội An áp dụng với các doanh nghiệp du lịch để giảm rác thải nhựa.

Hội An hướng dẫn các cơ sở kinh doanh du lịch quy trình vận hành theo “mô hình 8T” (tổ chức thực hiện-từ chối-tiết giảm-tái sử dụng, làm đầy-thay thế-tái chế-truyền thông tham gia mạng lưới-tạo sản phẩm) với nhiều biện pháp cụ thể như: từ chối các sản phẩm nhựa dùng một lần; tiết giảm một số sản phẩm nhựa như túi ni-lông; tái sử dụng, đong đầy các sản phẩm tẩy rửa; thay thế vật dụng nhựa bằng những chất liệu khác thân thiện hơn…

Những mô hình du lịch xanh ở Hội An và Gia Viễn đều cần được nhân rộng trên địa bàn cả nước, để tạo ra hiệu quả mạnh mẽ trong đẩy lùi nạn rác thải nhựa trong du lịch.

Từ năm 2020 đến 2022, mặc dù ảnh hưởng dịch Covid-19, vẫn có hơn 50 doanh nghiệp du lịch tự nguyện ký cam kết tham gia mô hình kinh doanh giảm rác thải. Một hệ sinh thái tái chế đang dần được hình thành và phát triển ở Hội An; cùng sự xuất hiện của nhiều điểm đến với chủ đề “Không rác thải”. Bản thân du khách cũng được tham gia vào những trải nghiệm học tập, giao lưu để giảm rác thải, trở thành một phần của giải pháp du lịch bền vững…

Gia Viễn (Ninh Bình) cũng là một trong những điểm đến đang triển khai mô hình du lịch xanh. Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn, Vũ Thị Dược cho biết: mới đây, huyện đã phát động chiến dịch “Tuần lễ du lịch xanh”, hướng tới nâng cao trách nhiệm, nhận thức của người dân, cộng đồng trong việc bảo vệ, giữ gìn môi trường, hiểu rõ tác hại của chất thải nhựa, từ đó có những hành động cụ thể góp phần giảm lượng chất thải nhựa, phân loại chất thải tại nguồn.

Gia Viễn cũng đã xây dựng những chương trình du lịch như “Chở xanh-Thở lành” (tặng giỏ đựng rác bằng chất liệu mây tre đan cho những người lái đò và du khách ở bến thuyền Vân Long); “Hộp quà xanh-Điều em muốn nói” (học sinh sử dụng chai, lọ nhựa tạo nên những sản phẩm tái chế để trồng cây, bán lại cho khách du lịch gây quỹ ủng hộ trẻ em khuyết tật); “Ngày Chủ nhật xanh” (khuyến khích học sinh, du khách tham gia nhặt rác, phân loại rác ở các cung đường); tổ chức chương trình biểu diễn thời trang từ sản phẩm tái chế…

Các chuyên gia du lịch nhận định, những mô hình du lịch xanh ở Hội An và Gia Viễn đều cần được nhân rộng trên địa bàn cả nước, để tạo ra hiệu quả mạnh mẽ trong đẩy lùi nạn rác thải nhựa trong du lịch.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/han-che-rac-thai-nhua-huong-den-du-lich-xanh-post749931.html