Hạn chế khai thác để bảo vệ nguồn nước ngầm

Nguồn nước ngầm ở các tỉnh Nam Bộ có nguy cơ cạn kiệt và bị ô nhiễm do khai thác quá mức. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia, nhà khoa học tại các hội nghị, diễn đàn về biến đổi khí hậu (BĐKH), bảo vệ tài nguyên nước trong thời gian qua. Trước thực trạng này, các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp bảo vệ nguồn nước ngầm.

Theo thống kê của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), tại các huyện vùng ven thuộc TP Hồ Chí Minh có hơn 9% tổng số đồng hồ nước được lắp đặt chỉ số sử dụng bằng 0. Các hộ này chủ yếu sử dụng nước giếng tự khoan. Theo TS Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, kết quả khảo sát tại một số địa phương Nam Bộ cho thấy, các hoạt động đang có nguy cơ cao làm cạn kiệt, ô nhiễm môi trường nước ngầm hiện nay, gồm: Sản xuất công nghiệp, tưới tiêu, chăn nuôi, phân bón và hoạt động dân sinh. Việc khai thác và sử dụng quá mức nước ngầm hiện nay đang làm cho trữ lượng nước sụt giảm.

Ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước ngầm do khai thác tràn lan. (Trong ảnh: Khoan giếng khai thác nước ngầm ở Đồng Nai).

Ở Bà Rịa-Vũng Tàu, một trong những địa phương chịu tác động rõ rệt của BĐKH, nguồn nước ngầm cũng dần cạn kiệt, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và đời sống của người dân. Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết: Khoảng 5 năm trước, mực nước ngầm tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc… cách mặt đất 7-8m thì hiện nay phải khoan sâu từ 15 đến 17m mới có nước. Với tốc độ phát triển kinh tế-xã hội khá nhanh, địa phương này đang đứng trước nguy cơ thiếu nước.

Còn ở tỉnh Bình Dương, mực nước giảm thấp tại địa bàn Khu công nghiệp Sóng Thần và các thị xã: Thuận An, Dĩ An, Bến Cát… Những địa phương này có quá nhiều giếng khoan khai thác phục vụ sản xuất công nghiệp, dẫn đến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm và tụt giảm đáng kể, có thời điểm giảm tới 2m… Theo TS Trần Ngọc Tiến Dũng, Trung tâm Nghiên cứu về nước khu vực châu Á (Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh-Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức dẫn đến nguy cơ cạn kiệt và ô nhiễm do khoan không đúng kỹ thuật khiến chất ô nhiễm theo mũi khoan xuống đất; khai thác nước ngầm tràn lan, ồ ạt sẽ làm cho nền đất bị lún, kéo theo hạ tầng kỹ thuật bị lún và sạt lở.

Trước nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm, mới đây UBND nhiều tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ đã ban hành quyết định hạn chế khai thác nước ngầm, xác định lộ trình cụ thể. Trong đó, TP Hồ Chí Minh chủ trương hạn chế tối đa việc sử dụng nước ngầm, chuyển dần sang khai thác nguồn nước mặt, nâng cấp mạng lưới cấp nước sạch để đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước của người dân và doanh nghiệp. Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Trong năm 2018, sở đặt mục tiêu giảm 32% lượng khai thác, sử dụng nước ngầm. Sở đã kiến nghị UBND thành phố giao các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện tùy theo chức năng, nhiệm vụ phải lập kế hoạch và thực hiện lộ trình hạn chế khai thác nước ngầm. Biện pháp cụ thể được triển khai quyết liệt là khoanh vùng các khu vực cấm, hạn chế khai thác nước ngầm; đồng thời, UBND thành phố cũng vừa gửi văn bản kiến nghị Bộ TN&MT, Cục Quản lý tài nguyên nước xem xét, hạn chế việc cấp phép khai thác nước ngầm đối với các công trình khai thác trên địa bàn thành phố thuộc thẩm quyền của bộ cấp phép; chỉ đạo các ngành liên quan kiểm tra, rà soát, xem xét giảm lưu lượng khai thác đối với các công trình đã được cấp phép…

Tại Bình Dương, cách đây không lâu, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo trám lấp hơn 4.500 giếng hư hỏng không sử dụng; yêu cầu 203 tổ chức, đơn vị trám lấp 258 giếng khoan, chuyển sang sử dụng nước cấp tập trung tại các khu vực cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất… Sau khi trám lấp, kết quả quan trắc mực nước ngầm cho thấy, lượng nước ngầm ở những nơi trọng điểm đã tăng lên. Theo ông Phạm Xuân Ngọc, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Dương, tỉnh sẽ tập trung bảo vệ lượng nước dưới đất đạt 645,36 triệu m3/năm; duy trì trữ lượng an toàn của các tầng chứa nước bằng cách giảm dần và đi đến chấm dứt việc khai thác nước dưới đất tại các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư tập trung. Sắp tới, Bình Dương sẽ cân đối ngân sách địa phương, tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác điều tra cơ bản về tài nguyên nước; bố trí, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn quốc tế cho các dự án cải thiện môi trường nước trên địa bàn.

Những biện pháp trên cũng được các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Bình Phước… áp dụng với quyết tâm bảo vệ nguồn nước ngầm, kiên quyết không cấp phép khai thác nước ngầm ở khu vực có nước máy; đồng thời trám lấp giếng khoan không sử dụng và vận động nhân dân dùng nước máy; thu hồi giấy phép khai thác nước ngầm, buộc các doanh nghiệp đấu nối sử dụng nước máy để sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, nhấn mạnh: "Hạn chế cấp phép khai thác nước ngầm, lấp bớt giếng khoan và quy định vùng cấm khai thác… là giải pháp hiệu quả để bảo vệ nguồn nước ngầm. Ngoài ra, để ngăn chặn nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, tỉnh cũng siết chặt quản lý, kiểm soát thường xuyên hoạt động xả thải của các trang trại, cơ sở chăn nuôi, công ty, xí nghiệp... Tôi cho rằng, kết hợp đồng bộ các giải pháp gắn với tuyên truyền trách nhiệm của cá nhân, tổ chức sẽ thiết thực bảo vệ được nguồn nước ngầm khỏi cạn kiệt và không bị ô nhiễm trong tương lai".

CHÂU GIANG - NGUYỄN TÙNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/han-che-khai-thac-de-bao-ve-nguon-nuoc-ngam-555095