Ham vui, tụ tập khi cách ly tập trung: Lây nhiễm chéo cực cao!

'Giết thời gian' khi ở trong khu cách ly tập trung 14 ngày, không ít người tìm niềm vui bằng cách tụ tập đánh bài, ăn uống, tán dóc... trong khi đây đều là những người có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao.

Những ngày qua, khu cách ly tập trung phòng dịch COVID-19 ở ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM đã trở thành “điểm nóng” khi đón nhận hàng ngàn người nhập cảnh từ nước ngoài.

Tự ý tụ tập, đổi phòng

Trải qua những giây phút hồi hộp, lo lắng và chờ đợi, những người về nước cũng được bố trí ổn định chỗ ăn ở trong khu cách ly. Công tác kiểm tra sức khỏe, phổ biến quy định ở khu cách ly cũng được các y, bác sĩ lần lượt triển khai đến từng phòng của ký túc xá.

Hình ảnh một số bạn trẻ tụ tập dưới khuôn viên khi cách ly tập trung không đúng quy định. Ảnh: AT

Hình ảnh một số bạn trẻ tụ tập dưới khuôn viên khi cách ly tập trung không đúng quy định. Ảnh: AT

Tuy nhiên, có một bộ phận người được cách ly vẫn chưa thực hiện tốt quy định trong khu cách ly như đeo khẩu trang, đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1-2 m để ngừa giọt bắn chứa virus gây bệnh, không ra khỏi phòng khi không thực sự cần thiết... Những hành vi này khiến các y, bác sĩ vốn đã quá tải với công việc tiếp nhận, chăm sóc người được cách ly càng thêm vất vả.

Cùng với 22 nhân viên y tế khác hỗ trợ kiểm tra sức khỏe cho hơn 1.600 người được cách ly tại tòa H1, H2 của khu A ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, BS Phạm Ngọc Trung, BV Ung bướu TP.HCM, cho biết nội quy cách ly đã được phổ biến đến từng phòng. Hằng ngày, khi đi đo thân nhiệt, các y, bác sĩ cũng tranh thủ nhắc nhở người được cách ly cố gắng tuân thủ quy định.

Nhiều người tuân thủ rất tốt, tuy nhiên vẫn có một bộ phận tự ý di chuyển từ phòng này qua phòng kia để gặp nhau, tụ tập, tự ý đổi phòng cho nhau, thậm chí đánh bài, xuống khuôn viên của ký túc xá đá banh... khiến nhân viên y tế, lực lượng dân quân phải nhắc nhở, giải tán và kêu gọi nâng cao ý thức.

“Đa phần đó là các bạn trẻ ham vui và chưa ý thức được hết các nguy cơ lây bệnh khi tụ tập, tiếp xúc có thể xảy ra cho mình” - BS Trung chia sẻ.

Một số hoạt động tụ tập trong khu cách ly ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM được một bạn trẻ chia sẻ. Ảnh: HL

Ngoài ra còn có tình trạng một số người ở trong phòng nhưng không đeo khẩu trang. Một số gia đình khi được bố trí chung phòng cũng không đeo khẩu trang với lý do về nước chung.

BS Trung đồng tình với phàn nàn của một số du học sinh về cơ sở vật chất khu cách ly không được đầy đủ như phòng ốc không thoáng mát, quạt trục trặc, nhà vệ sinh không đẹp... và mong muốn tất cả sẽ cùng cảm thông, chia sẻ với nhau.

“Trong giai đoạn cách ly, mọi người cùng nhau tuân thủ và bảo vệ tốt cho nhau thì mới hạn chế được nguy cơ lây nhiễm, bảo vệ cho cộng đồng” - BS Trung nhắn nhủ.

Một số bạn trẻ rủ nhau tụ tập đá banh, trong đó có bạn không đeo khẩu trang. Ảnh: AT

Nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn bên ngoài

Nhận xét về nguy cơ lây nhiễm trong khu cách ly tập trung, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, nhận định các hành vi tụ tập, ngang nhiên ra khỏi khu vực cách ly khi đang áp dụng các biện pháp cách ly đều tiềm ẩn nguy cơ làm dịch bệnh lan rộng, cản trở, làm cho kết quả chống dịch chậm hơn.

BS Hùng phân tích: Nếu một người có bệnh hay ủ bệnh không tiếp xúc với ai thì không thể nào có cơ hội lan truyền bệnh cho người khác, không thể có dịch xảy ra. Ở khía cạnh tương đối, nhiều người cùng tuân thủ tốt biện pháp cách ly, giữ khoảng cách tiếp xúc và thực hiện tốt các khuyến cáo phòng bệnh thì nhiều người sẽ không bị bệnh cùng một lúc, gây quá tải lên hệ thống y tế và ảnh hưởng mọi mặt của đời sống xã hội.

BS Hùng dẫn chứng ở các nước dịch bệnh lan rộng như ở Trung Quốc, Ý, nhiều người đã tử vong, đến cả chính các bác sĩ cũng không thể giữ được mạng sống và bảo vệ được mình khỏi nhiễm dịch bệnh.

“Cách ly luôn luôn là một trong những biện pháp quyết định thành công hay không trong kiểm soát dịch, vì thế Chính phủ mới yêu cầu cách ly dù tốn kém... Đây không phải là biện pháp do một người nghĩ ra mà là kinh nghiệm, bài học được đúc kết qua nhiều vụ dịch trước. Tuân thủ biện pháp cách ly là đóng góp cho sự thành công phòng, chống dịch, thực hiện không tốt hoặc không thực hiện đều sẽ là rào cản, làm chậm quá trình chống dịch khiến kết quả chậm hơn, đôi khi không thành công và làm lan rộng dịch bệnh trong cộng đồng, không thể khống chế được” - BS Hùng nói.

Nhân viên y tế thăm khám cho người được cách ly tại khu cách ly ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: AT

Theo BS Hùng, tùy theo nguy cơ lan truyền bệnh dịch mà Nhà nước áp dụng các biện pháp cách ly khác nhau. Người bệnh thì được cách ly tuyệt đối tại bệnh viện, không để virus lây lan ra ngoài. Những đối tượng nguy cơ lan truyền bệnh thấp hơn thì được áp dụng biện pháp nhẹ nhàng, ít tốn kém hơn như cách ly tập trung hay tại nhà. Ở mỗi mức độ cách ly, người được cách ly được tuyên truyền hướng dẫn cách phòng ngừa bệnh phù hợp. Tuy nhiên, tự mỗi người được cách ly cũng phải nâng cao cảnh giác, tự giác phòng ngừa bệnh.

BS Hùng khuyến cáo: “Không cần ở trong khu cách ly, người lành ủ bệnh ở bên ngoài đi lung tung cũng có thể khiến người không thực hiện đầy đủ biện pháp phòng ngừa bị lây bệnh. Trong khi đó môi trường cách ly tập trung nhiều người khả năng nhiễm bệnh nhiều hơn thì khả năng mắc bệnh của mỗi người ở trong này sẽ cao hơn ở ngoài xã hội. Do đó, mỗi cá nhân phải cố gắng tuân thủ các nguyên tắc cách ly cá nhân như rửa tay, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc với nhau theo khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng bệnh cho mình và cho người khác”.

Người cách ly tập trung nguy cơ mắc bệnh cao

Mới đây (ngày 24-3), tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết người nhập cảnh về Việt Nam trên các chuyến bay đều là những người có nguy cơ mắc bệnh cao. Nhiều người có triệu chứng tại nơi làm thủ tục nhập cảnh và không loại trừ đang trong thời gian ủ bệnh khi được đưa về cách ly tập trung.

Riêng trong ngày 23-3, TP đã tiếp nhận tám chuyến bay với 732 người, trong đó 11 người có triệu chứng.

Ông Bỉnh nhận định việc tập trung đông người sẽ gây quá tải và nguy cơ lây nhiễm chéo càng cao trong khu cách ly. Do đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh đã quyết định mở rộng thêm quy mô cách ly tập trung để tránh tập trung đông người ở ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM.

Ông Bỉnh nêu thông tin một người phụ nữ từ Mỹ về Việt Nam sau hai ngày được cách ly chung phòng với bốn người khác sau đã được xét nghiệm dương tính với virus gây bệnh COVID-19. Vào ngày được chuyển cách ly tập trung, người phụ nữ này chưa có triệu chứng. Bốn người ở chung phòng từ diện phải cách ly 14 ngày tiếp tục được chuyển phòng đơn để theo dõi và cách ly lại từ đầu, tính từ ngày tiếp xúc ca bệnh. Người phụ nữ này sáng nay (26-3) đã được xác nhận là bệnh nhân 143 của Việt Nam.

Nội quy khu cách ly ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM dán trước cửa mỗi phòng khu cách ly ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: AT

Do đó, ông Bỉnh lưu ý người đang được cách ly phải tuân thủ tuyệt đối quy định cách ly, không tiếp xúc từ phòng này qua phòng kia để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo.

“Người trong phòng chỉ tiếp xúc nhân viên y tế. Mỗi người cách ly phải hiểu đây là chế độ cách ly, không được thực hiện những hoạt động khác. Tất cả nhân viên y tế cũng phải thực hiện nghiêm. Mỗi giường phải cách nhau 2 m, phòng nào tiếp xúc với phòng đó, không để quá tải” - ông Bình lưu ý.

Mới đây nhất, vào sáng 26-3, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cũng cho hay trong số 34 trường hợp mắc bệnh COVID-19 từ đầu tháng 3 đến nay, có 20 ca được phát hiện từ các khu cách ly tập trung ngay sau ngày nhập cảnh. Do đó những người đang thực hiện cách ly tập trung đều có nguy cơ trở thành bệnh nhân (F0) nên biện pháp bảo vệ cho mình và cả người được cách ly là rất cần thiết trong giai đoạn được cách ly.

HOÀNG LAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/dich-covid-19/ham-vui-tu-tap-khi-cach-ly-tap-trung-lay-nhiem-cheo-cuc-cao-900043.html