Hàm Rồng chiến thắng trong kí ức những người ở lại

56 năm về trước, ngày 3 và 4-4-1965, không quân Mỹ đã tập trung lực lượng hùng mạnh đánh phá cầu Hàm Rồng hòng chặt đứt con đường huyết mạch chi viện từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, Bác Hồ, quân dân Thanh Hóa nói chung, quân dân Hàm Rồng – Nam Ngạn nói riêng đã đoàn kết một lòng, dũng cảm, kiên cường giáng trả lại những đòn tấn công tàn bạo của đế quốc Mỹ.

Cầu Hàm Rồng nối đôi bờ sông Mã là biểu tượng cho lòng dũng cảm, ý chí quật cường của quân và dân Thanh Hóa trong chiến tranh và nay là điểm du lịch về nguồn hấp dẫn. Ảnh tư liệu

Theo tài liệu ghi lại, trong 2 ngày 3 và 4-4-1965, không quân Mỹ đã tập trung lực lượng hùng mạnh đánh phá cầu Hàm Rồng hòng chặt đứt con đường huyết mạch chi viện từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Giặc Mỹ đã huy động 545 lần chiếc máy bay, ném 627 quả bom phá; 58 bom nổ chậm, bắn hàng trăm tên lửa và rốc két đánh phá cầu Hàm Rồng. Sau 2 ngày chiến đấu kiên cường, Thanh Hóa đã bắn rơi 47 máy bay giặc Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái, riêng khu vực Hàm Rồng – Nam Ngạn bắn rơi 28 máy bay Mỹ, bảo vệ an toàn cầu Hàm Rồng, khiến cho dư luận nước Mỹ xôn xao, bạn bè yêu chuộng công lý và hòa bình trên toàn thế giới khâm phục. Hàm Rồng đã trở thành biểu tượng của chiến tranh Nhân dân chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi đến thăm mảnh đất Hàm Rồng – Nơi ghi lại nhiều chiến công hiển hách của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Cầu Hàm Rồng nối nhịp bờ vui sừng sững, hiên ngang soi bóng giữa trời mây, sông nước bao la. May mắn được tham dự buổi tọa đàm kỷ niệm 56 năm Hàm Rồng chiến thắng do phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) tổ chức. Tại buổi tọa đàm, các thế hệ trẻ chúng tôi vô cùng xúc động khi được nghe các nữ dân quân, những người lính năm xưa chia sẻ khoảnh khắc lịch sử cách đây 56 năm về một Hàm Rồng lực lửa, gan dạ và dũng cảm.

Trong cuộc quyết chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng, lịch sử nhắc đến nhiều tấm gương chiến đấu kiên cường, anh dũng, trong đó hình ảnh nữ dân quân bé nhỏ làng Nam Ngạn Ngô Thị Tuyển khi ấy chỉ 42kg nhưng đã vác 2 hòm đạn nặng 98 kg, hơn gấp đôi trọng lượng cơ thể đã đi vào lòng hàng triệu trái tim người dân Việt Nam. Nữ Anh hùng Ngô Thị Tuyển đã trở thành biểu tượng cho ý chí chiến đấu quật cường của quân và dân Hàm Rồng – Nam Ngạn.

Nữ Anh hùng Ngô Thị Tuyển tại buổi tọa đàm kỷ niệm 56 năm Hàm Rồng chiến thắng do phường Hàm Rồng tổ chức.

Tại buổi tọa đàm, gặp lại những người lính, những nữ dân quân cùng thời đã từng vào sinh ra tử trong cuộc chiến đấu bảo vệ vùng trời Hàm Rồng – Nam Ngạn, nữ Anh hùng Ngô Thị Tuyển không khỏi xúc động.

Người nữ Anh hùng năm xưa mới mười chín đôi mươi, giờ đã bước sang tuổi 76, đôi chân đã chậm do sức khỏe ngày càng yếu đi nhưng trí nhớ và tinh thần vẫn tinh anh, bà nhớ lại những ngày tháng rực lửa, chia sẻ những khoảnh khắc của chiến tranh, về tinh thần đồng chí đồng đội, về những nữ dân quân đảm đang, dũng cảm, vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Và xúc động nhớ lại khoảnh khắc vinh dự được gặp Bác Hồ.

Nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển chia sẻ: Trong chiến tranh, mỗi người dân Việt Nam đều mang trong mình sức mạnh kỳ diệu bởi lòng yêu nước, bởi tinh thần căm thù giặc sâu sắc. Lòng yêu nước đã giúp tôi có một sức mạnh phi thường.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ngày tháng 4 lịch sử nhắc nhớ một thời anh hùng của cả dân tộc, đến nay khi chia sẻ lại câu chuyện vác 2 hòm đạn, nữ Anh hùng vẫn luôn xúc động. Bà khẳng định, trong chiến tranh, mỗi người dân Việt Nam đều mang trong mình sức mạnh kỳ diệu bởi lòng yêu nước, bởi tinh thần căm thù giặc sâu sắc. Lòng yêu nước đã giúp bà có một sức mạnh phi thường. Sau sự kiện bà vác 2 hòm đạn cùng một lúc kịp thời phục vụ chiến đấu, góp phần hạ máy bay giặc Mỹ trong ngày đầu tiên, có đoàn nhà báo Liên Xô đã đề nghị bà “diễn” lại cảnh này. Anh hùng Ngô Thị Tuyển kể rằng: Hôm đấy tôi đang đi cày ngoài đồng thì có xe u oát đón. Tôi rửa chân tay gửi lại cày bừa và lên xe. Giao tế lúc đấy ở rừng Thông đi sơ tán. Cô giao tế cân 1 bì gạo 52kg, 1 bì khoai tây 50kg, tổng là 105kg. Tổ chức có hỏi tôi là có làm được không? Tôi trả lời, tôi sẽ cố gắng. Hôm đó có khoảng 12 đoàn quốc tế quay phim, chụp ảnh. Bởi sức bật của lòng căm thù giặc, lòng tự trọng của mình bởi người ta không tin chiến tranh nhân dân Việt Nam thì tôi đã cố gắng làm. Và khi được tận mắt chứng kiến, bạn đã thốt lên: “Giờ thì chúng tôi và cả thế giới đã tin. Thật tuyệt vời! Nhân dân Việt Nam thật tuyệt vời!”.

Thắp những nén hương thơm lên tấm bia tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh tại đồi C4, cựu chiến binh Đặng Thanh Tùng (phố Hương Long, phường Hàm Rồng) xúc động chia sẻ: 56 năm trôi qua, chúng tôi cảm thấy hồi hộp, nhớ lại đồng đội năm xưa. Nhớ lại những lần đánh phá ác liệt đầu tiên của đế quốc Mỹ trên cây cầu Hàm Rồng.

Cựu chiến binh Đặng Thanh Tùng- nguyên chiến sỹ Đại đội 4 Anh hùng thắp nén hương thơm cho các liệt sỹ hy sinh tại Đồi C4 (Hàm Rồng).

Ngày ấy ác liệt lắm, đánh nhiều tầng, nhiều tốp, nhưng Nhân dân ta với tinh thần quyết chiến, bảo vệ cầu Hàm Rồng cho đến cùng. Ngày ấy, cựu chiến binh Đặng Thanh Tùng mới 19 tuổi, ông thuộc đơn vị Đại đội 4 Anh hùng, Trung đoàn 28 (Sư 365) bảo vệ cầu Hàm Rồng. Hiện nay tại phường Hàm Rồng Đại đội 4 Anh hùng chỉ còn 3 anh em là cựu chiến binh Đặng Thanh Tùng, Lê Xuân Giang và Lê Đình Đông. Hằng năm những ngày 3 và 4-4, mọi người tập trung về đây thắp hương cho đồng đội tại Đồi C4, nghĩa trang Hàm Rồng.

Cựu chiến binh Đặng Thanh Tùng vui mừng khi gặp lại người đồng đội của mình là Lê Đìn Đông tại buổi tọa đàm kỷ niệm 56 năm Hàm Rồng chiến thắng do phường Hàm Rồng tổ chức.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, trên mảnh đất Hàm Rồng lịch sử, nhiều người đã ngã xuống và vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này. Biết bao người khi trở về quê hương, mang trong mình hàng chục vết thương và bệnh tật suốt đời. Ở nơi hậu phương, đã có biết bao người cha, người mẹ khóc cạn nước mắt vì những người con ra đi không trở về. Biết bao người vợ mất chồng, con mất cha. Sự hy sinh của những người lính đã làm rạng danh cho đất nước. Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam nói chung, Hàm Rồng nói riêng mãi mãi ghi lòng tạc dạ, biết ơn những người ngã xuống.

Bà Dương Thị Minh (bên trái) và Lương Thị Hằng - hai nữ dân quân tiểu khu Hàm Rồng đang trò chuyện về những kí ức hào hùng của Hàm Rồng trong chiến tranh.

Hai nữ dân quân Dương Thị Minh và Lương Thị Hằng là dân quân xóm Đông Quang, tiểu khu Hàm Rồng. Bà Dương Thị Minh chia sẻ: Hôm nay được về dự tọa đàm, được gặp gỡ các anh, các chị cùng chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng một thời mà xúc động lắm. Bà đi dân quân từ lúc 15 tuổi và đến năm 22 tuổi thì bắt đầu đi trực chiến. Chiến tranh ác liệt. Ngày ấy, dân quân chúng tôi có nhiệm vụ gánh nước lên ụ pháo, nấu cơm, tiếp đạn, cứu thương, tải thương. Ngày thì đi chiến đấu, ban đêm đi cấy sáng trăng. Bất cứ khi nào ghe kẻng bộ đội đánh là sẵn sàng nhận lệnh.

Trong buổi tọa đàm kỷ niệm 56 năm Hàm Rồng chiến thắng, cựu chiến binh Lê Xuân Giang(nguyên Chính trị viên Đại đội 4 Anh hùng) đã trò chuyện cùng các đại biểu, chia sẻ tóm tắt về những hiểu biết của mình về chiến lược, quân sự, về ý nghĩa của cầu Hàm Rồng trong chiến tranh, có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng nối liền giao thông Bắc – Nam cũng như vai trò của Nhân dân trong cuộc chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng. Và cả những trăn trở của ông nói riêng cũng như mong ước của những người lính Hàm Rồng năm xưa về một Hàm Rồng ngày nay.

Cựu chiến binh Lê Xuân Giang (bên trái) tại buổi tọa đàm kỷ niệm 56 năm Hàm Rồng chiến thắng do phường Hàm Rồng tổ chức.

Cựu chiến binh Lê Xuân Giang chia sẻ: Từ tháng 4-1965, giặc Mỹ chuyển hẳn sang đánh ngăn chặn giao thông. Đến lúc đấy cầu mới trở thành quan trọng. Nếu cầu Hàm Rồng bị tắc thì bao nhiêu chuyến hàng sẽ không kịp chở vào tiền tuyến. Và chưa có cầu nào ở miền Bắc mà trụ được lâu như cầu Hàm Rồng. Ban đầu, trong chiến lược quân sự ta nhận định, địch dùng máy bay thả bom bằng chứ không bổ nhào, cho nên bố trí pháo xa cầu. Nhưng qua trận 3-4 thì chúng ta phát hiện ra, chúng bỏ bom là chúc đầu xuống. Bởi thế, chúng ta tiếp cận gần cầu, khi chúng chúc thẳng xuống thì chúng ta bắn thẳng lên đánh vỗ mặt. Tôi đã từng có đọc tài liệu của Mỹ viết rằng “ Đánh bằng cách bổ nhào thì không khác gì tự sát”. Cùng với đó, cuộc chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng đã tạo ra mô hình chiến tranh Nhân dân. Đó là cả làng ra trận. Bộ đội nếu không có Nhân dân cũng không bảo vệ được cầu. Đánh hết đạn mà không có dân quân lấy đâu ra đạn. Trong cuộc chiến tranh phá hoại, các đại đội khác cơ động liên miên đi các tỉnh này, tỉnh khác nhưng riêng Đại đội 4 chiếm lĩnh trận địa từ đấy cho đến năm 1973 mới hành quân vào miền Nam. Không có đơn vị cao xạ nào đóng một chỗ lâu như thế. Không có đơn vị nào kết nghĩa với làng Đông Sơn lâu như thế - 10 năm trời nên đã có câu ca: Đông Sơn, C4 một nhà/Mối tình kết nghĩa đậm đà keo sơn.

Cựu chiến binh Lê Xuân Giang phát biểu tại buổi tọa đàm kỷ niệm 56 năm Hàm Rồng chiến thắng.

Với tình nghĩa keo sơn, đậm đà ấy trong chiến tranh mà những người lính, cựu chiến binh Hàm Rồng, cựu dân quân mong muốn thành lập ban liên lạc trong thời gian tới để là nơi sinh hoạt, gắn kết giao lưu, thăm hỏi, động viên nhau trong cuộc sống. Cùng với ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng của Hàm Rồng trong chiến tranh, thay mặt lực lượng cựu chiến binh Hàm Rồng cả nước rất mong Thanh Hóa có một tượng đài Hàm Rồng chiến thắng. Đồng chí Lê Xuân Giang cũng đề nghị thành phố Thanh Hóa thành lập một bảo tàng riêng về Hàm Rồng. Những hiện vật đang được trưng bày ở Bảo tàng Thanh Hóa mới chỉ là cái phòng nho nhỏ, nhưng nếu đặt riêng ở Hàm Rồng được chia thành các phòng hiện thực như Đông Sơn, Nam Ngạn… nhanh chóng trở thành bảo tàng phản ánh toàn bộ cuộc chiến đấu Hàm Rồng. Có lẽ đã muộn nhưng chúng ta quyết tâm làm thì sẽ kịp.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tham tại buổi tọa đàm kỷ niệm 56 năm Hàm Rồng chiến thắng.

Hàm Rồng chiến thắng sẽ mãi vẹn nguyện trong kí ức của những người ở lại, nhắc nhở về một thời hào hùng trong quá khứ, để những thế hệ hôm nay tiếp tục thực hiện những ý nguyện của những người đi trước và tiếp viết lên những trang sử hào hùng của quê hương trên con đường đổi mới.

Ngọc Huấn - Hoàng Đông

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/ham-rong-chien-thang-trong-ki-uc-nhung-nguoi-o-lai/134094.htm