Hãm phanh

Kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản vào cuối tuần trước, Tổng thống Donald Trump hồ hởi nói rằng đó là một cuộc gặp 'tốt hơn cả mong đợi' và nhấn mạnh Mỹ và Trung Quốc đang trở lại đúng lộ trình nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại giữa hai nước. Nhưng thực tế liệu có đúng như lời người đứng đầu nước Mỹ?

 Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ở Osaka, Nhật Bản ngày 29-6. Ảnh: Bloomberg.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ở Osaka, Nhật Bản ngày 29-6. Ảnh: Bloomberg.

Cuộc gặp kéo dài 80 phút giữa ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình ở Osaka có thể được ví như một “màn thoát hiểm” vào phút chót. Bởi trước đó, giới phân tích từng nhiều lần đề cập tới khả năng hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới sẽ bước vào một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới nếu cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản đổ vỡ. May thay, thế nguy nan tạm thời được dỡ bỏ. Cùng với việc hai bên nhất trí nối lại đàm phán song phương, Tổng thống Donald Trump thông báo sẽ không áp thuế bổ sung đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc như ông từng đe dọa. Bên cạnh đó, người đứng đầu Nhà Trắng cũng ít nhiều thể hiện sự nhượng bộ khi cho phép Tập đoàn Huawei, vốn được coi là niềm tự hào và là “đứa con cưng” của ngành công nghệ Trung Quốc, nối lại hoạt động làm ăn với các công ty Mỹ.

Sau hàng loạt diễn biến căng thẳng tăng cao trong thời gian qua, giờ thì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung phần nào đã được tận hưởng bầu không khí lạc quan hiếm hoi khi thỏa thuận “đình chiến” vừa qua được coi như cánh cửa để phái đoàn thương mại của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới trở lại bàn đàm phán. Cùng với đó, thị trường toàn cầu đã tránh được một cơn biến động lớn, trong khi các nhà đầu tư của Mỹ và Trung Quốc có lẽ cũng cảm thấy “dễ thở” hơn.

Cuộc thương thảo tại G20 vừa qua cũng chứng minh một thực tế thường thấy, đó là: Bất kỳ khi nào cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nóng lên tột độ và các cuộc đàm phán ở cấp thấp thất bại, thì một cuộc gặp giữa những người lãnh đạo cao nhất của hai nước sẽ là liều thuốc để đưa mối quan hệ thương mại song phương trở lại với trạng thái yên ổn, dù chỉ trong chốc lát.

Kết quả cuộc gặp ấy cũng phần nào cho thấy trong giai đoạn này, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang có nhu cầu hướng tới một thỏa thuận thương mại thay vì tiếp tục đấu đá. Với Trung Quốc, các đòn áp thuế “gây sát thương lớn” của Mỹ đang để lại những hậu quả nặng nề khi hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài manh nha ý định rút khỏi thị trường đông dân nhất thế giới. Ở phía bên kia, Tổng thống Donald Trump cũng chịu sự chỉ trích từ nội bộ khi các biện pháp thuế quan của Mỹ đang ảnh hưởng tiêu cực tới người tiêu dùng và doanh nghiệp, khiến số lượng việc làm tại Mỹ giảm xuống trông thấy. Hơn thế nữa, dưới sức ép tái đắc cử, Tổng thống Donald Trump chắc hẳn rất muốn dựa vào thành quả đàm phán thương mại với Trung Quốc để làm đẹp lòng cử tri. Ngược lại, bất kỳ một thất bại nào trong cuộc thương thảo với Bắc Kinh cũng sẽ làm sứt mẻ hình ảnh của ông trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.

Đó là lý do cả ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình đều cần phải bảo đảm không ra về tay trắng sau cuộc gặp quan trọng vừa qua ở Nhật Bản.

Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận đó là tiến trình giải quyết tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa đi đến một giao kèo hay thỏa thuận nào. Dư luận còn đặt ra câu hỏi, liệu thỏa thuận đình chiến mới nhất sẽ duy trì được bao lâu trước khi đổ vỡ. Nên nhớ rằng, tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, Argentina vào năm ngoái, lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc cũng từng đạt được một thỏa thuận đình chiến thương mại tương tự. Nhưng rồi sau lệnh “ngừng bắn” ấy, cuộc xung đột trong lĩnh vực thương mại giữa hai nước tiếp tục rơi vào một vòng xoáy căng thẳng mới. Và chẳng có gì bảo đảm “vết xe đổ” đó sẽ không lặp lại.

Thế nên, ở một góc độ nào đó, thỏa thuận mà Mỹ và Trung Quốc đạt được ở thượng đỉnh G20 vừa qua giống như một cú “hãm phanh” ngay đỉnh dốc, hay một hồi chuông báo hiệu giai đoạn “tạm nghỉ” để chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại được dự báo sẽ còn kéo dài.

VŨ HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/ham-phanh-581802