Hăm hở với loạt chương trình tên lửa hoành tráng, Ukraine bỗng gặp vật cản: Thiếu tiền!

Mặc dù ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine thời gian qua đã thu được nhiều thành tựu đáng khích lệ, đặc biệt là trong lĩnh vực tên lửa, tuy nhiên khó khăn về tài chính khiến Kiev rất khó triển khai nhiều dự án đầy hứa hẹn.

Mới đây ông Leonid Shiman - Giám đốc Nhà máy hóa chất Pavlograd của Ukraine đã cho biết, do chính phủ không cung cấp tài chính đầy đủ dẫn đến việc họ phải tạm thời ngừng sản xuất động cơ nhiên liệu rắn cho các hệ thống tên lửa thế hệ mới.

Mới đây ông Leonid Shiman - Giám đốc Nhà máy hóa chất Pavlograd của Ukraine đã cho biết, do chính phủ không cung cấp tài chính đầy đủ dẫn đến việc họ phải tạm thời ngừng sản xuất động cơ nhiên liệu rắn cho các hệ thống tên lửa thế hệ mới.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với truyền thông trong nước, vị giám đốc trên đã nói về nguy cơ phải đóng cửa nhà máy sẽ đồng nghĩa với việc đình chỉ toàn bộ chương trình tên lửa của Ukraine.

"Nhà máy đang trong tình trạng cấp bách, kể từ đầu năm chúng tôi chưa hề nhận được kinh phí, Bộ Quốc phòng Ukraine trong năm 2020 vẫn chưa cung cấp tiền để chúng tôi thực hiện các chương trình theo kế hoạch".

"Nhà máy hiện đã hết tiền để hoạt động, chúng tôi buộc phải sa thải 687 công nhân từ đầu năm, nếu kinh phí không đến sớm, đơn vị sẽ phải cho nghỉ việc thêm 190 người nữa", ông Shiman cho biết.

Được biết nhà máy hóa chất Pavlograd thành lập từ năm 1929 với vai trò là một doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vật liệu nổ và nhiên liệu cho các mục đích khác nhau.

Đơn vị này là một trong những cơ sở hàng đầu của Ukraine trong các lĩnh vực sản xuất: chất nổ (nhiên liệu tên lửa tổng hợp thể rắn và các thành phần của chúng), xử lý (những loại đạn không phù hợp để cất giữ; nhiên liệu rắn cho đạn).

Bên cạnh đó, nhà máy còn có chức năng nghiên cứu khoa học (về phát triển vật liệu và vật phẩm năng lượng cao), thiết kế kỹ thuật (công nghệ và thiết bị để sản xuất và xử lý các vật liệu cháy nổ nguy hiểm).

Nhà máy hóa chất Pavlograd sở hữu công nghệ độc đáo để sản xuất nhiên liệu rắn, cần thiết cho tất cả các tên lửa sản xuất hàng loạt và đầy hứa hẹn của Ukraine. Việc đóng cửa nhà máy sẽ đồng nghĩa với việc ngưng trệ toàn bộ các dự án chế tạo tên lửa.

"Cho đến nay, Ukraine mới đưa vào sản xuất hàng loạt tên lửa Vilkha-M, lô đầu tiên được đưa vào sử dụng từ năm 2019, nhưng chúng tôi cần phải tiếp tục hoạt động để sản xuất cả loại Grom-2".

"Với những vũ khí này, Ukraine sẽ có được khả năng răn đe cần thiết và đối phương sẽ phải cân nhắc rất nhiều nếu có ý định tấn công lãnh thổ của chúng ta", ông Shiman khẳng định.

Vilkha-M là bản nâng cấp toàn diện từ pháo phản lực phóng loạt BM-30 Smerch ra đời từ thời Liên Xô, tuy nhiên vũ khí của Ukraine có tầm xa cũng như độ chính xác lớn hơn rất nhiều.

Tổ hợp Vilkha-M có thể phóng toàn bộ 12 tên lửa trong thời gian chỉ 45 giây, trọng lượng toàn quả đạn là 800 kg, nó vươn tới cự ly 70 km nếu lắp đầu đạn trọng lượng 250 kg, hoặc 120 km nếu giảm đầu đạn xuống còn 170 kg.

Nhờ áp dụng hệ thống định vị toàn cầu mà vòng tròn sai số của đạn rocket thuộc tổ hợp Vilkha đã giảm xuống chỉ còn 30 m, thông số này của BM-30 Smerch lên tới 50 - 70 m trong khi tầm bắn chỉ đạn 90 km.

Dự kiến sắp tới Ukraine sẽ hoàn thành việc phát triển một biến thể tên lửa Vilkha-M thế hệ mới có khả năng tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 200 km trở lên.

Trong khi đó Grom-2 là một hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật di động tầm ngắn có hình dáng cũng như tính năng kỹ chiến thuật rất giống với đạn 9M723 thuộc tổ hợp Iskander-M của Nga.

Thông số kỹ chiến thuật cơ bản của tên lửa Grom-2 bao gồm: chiều dài 7,2 m; đường kính 0,95 m; mang theo đầu đạn quy ước trọng lượng 480 km; sai số 50 - 70 m. Nó sử dụng xe tải việt dã 5x5 với 2 đạn sẵn sàng phóng.

Tầm bắn của tên lửa Grom-2 hiện vẫn còn nằm trong vòng bí ẩn, Ukraine chỉ công bố phiên bản xuất khẩu có thể vươn tới cự ly 280 km sau khi đã lược bỏ bớt bình nhiên liệu.

Trong khi đó cự ly thực tế của tên lửa Grom-2 phiên bản nội địa theo các chuyên gia quân sự thì tối thiểu cũng phải được 500 km, thậm chí còn vượt xa khá nhiều.

Điều đáng chú ý ở đây là các quan chức quốc phòng Ukraine từng khẳng định rằng vũ khí này đủ sức bắn tới Moskva, tức là nó sẽ vượt qua được quãng đường trên 750 km.

Sai số của Grom-2 trong tương lai sẽ nhỏ hơn rất nhiều nếu Ukraine được Mỹ cho phép tiếp cận với hệ thống định vị toàn cầu GPS phiên bản quân sự, đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo Việt Dũng/ANTĐ

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/ham-ho-voi-loat-chuong-trinh-ten-lua-hoanh-trang-ukraine-bong-gap-vat-can-thieu-tien-1370437.html