Hầm Hải Vân 2 hối hả về đích

Khi mũi khoan cuối cùng đóng lại cũng là lúc ánh sáng và không khí mở toang hòa nhịp 2 đầu Nam Bắc của hầm đường bộ Hải Vân 2. Từ đây, dòng xe có thể xuyên núi Hải Vân xuôi ngược, tạm biệt con đèo hiểm trở bậc nhất trên đường thiên lý. Đó cũng là phút giây lịch sử với những kỹ sư, công nhân có mặt trên công trường hầm đường bộ Hải Vân 2 vào những ngày cuối tháng 9 vừa qua.

Khi mũi khoan cuối cùng đóng lại cũng là lúc ánh sáng và không khí mở toang hòa nhịp 2 đầu Nam Bắc của hầm đường bộ Hải Vân 2. Từ đây, dòng xe có thể xuyên núi Hải Vân xuôi ngược, tạm biệt con đèo hiểm trở bậc nhất trên đường thiên lý. Đó cũng là phút giây lịch sử với những kỹ sư, công nhân có mặt trên công trường hầm đường bộ Hải Vân 2 vào những ngày cuối tháng 9 vừa qua.

Hành trình 32 tháng đào và hoàn thiện vỏ hầm.

Hành trình 32 tháng đào và hoàn thiện vỏ hầm.

Việc thông hầm Hải Vân 2 đánh dấu mốc quan trọng của ngành giao thông, bởi lẽ đây là công trình hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á do người Việt làm chủ hoàn toàn công nghệ thi công. Gần 15 năm trước, khi hầm Hải Vân 1 với 2 làn ngược chiều đi vào vận hành mở ra ý nghĩa kinh tế lớn lao, xác lập nhiều kỷ lục kỹ thuật, song để lại dấu ấn nhiều của các chuyên gia, kỹ sư nước ngoài. Với Hải Vân 2, người Việt làm chủ hoàn toàn từ đầu tư, thiết kế, thi công, vận hành. Để đi đến phút giây thông hầm, mở ra một ống hầm mới 2 làn xuyên núi Hải Vân, song song với đường hầm cũ trong khoảng cách 30 mét là cả hành trình dài suốt 32 tháng lao động bền bỉ, hăng say của đội ngũ hàng trăm kỹ sư, công nhân nhà thầu Việt. Mừng hơn, việc thông hầm còn hoàn thành vượt tiến độ 6 tháng so với cam kết của chủ đầu tư dự án là Cty CP Đèo Cả với Bộ Giao thông Vận tải. Chia sẻ về sự kiện quan trọng này, ông Phạm Thanh Hà - Phó Giám đốc BQL Dự án hầm đường bộ Hải Vân bảo, sau khi hoàn thành gương đào cuối cùng đã có thể chạy xe xuyên từ Đà Nẵng ra Lăng Cô nhanh hơn hầm Hải Vân 1. Hiện hàng trăm kỹ sư, công nhân đang hối hả thi công trong thời điểm nước rút, phấn đấu đưa công trình vận hành vào năm sau.

Nhìn lại hành trình suốt 32 tháng qua, ông Hà cho biết có nhiều nguyên nhân giúp dự án được thông hầm vượt tiến độ, tạo nên kỳ tích mới. Đáng kể nhất chính là những giải pháp cải tiến trong quản lý, thi công dự án. Ông Hà nói: Chúng tôi đã linh hoạt vận dụng nhiều kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình làm hầm Đèo Cả để áp dụng tại Hải Vân 2. Chẳng hạn, các giải pháp đào hầm, phun bê-tông vỏ, triển khai thu gom các mạch nước li ti đưa vào hệ thống... Chính các giải pháp này đã giúp tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ dự án. Cũng theo ông Hà, đặc điểm khi thi công hầm Hải Vân 2 bên cạnh điều kiện địa hình, địa chất thì yếu tố khách quan khác là phải đảm bảo cho hầm Hải Vân 1 (cách 30 mét) được vận hành liên tục, an toàn. Chính yếu tố này khiến việc nổ mìn, đào hầm bị giới hạn trong khung giờ nhất định, mỗi ngày chỉ được nổ mìn 2 lần. Trước thực tế này, tư vấn giám sát, đơn vị thi công đã lựa chọn giải pháp tăng tốc độ chiều dài mũi khoan đào, đồng thời triển khai song song các hạng mục đào, gia cố, hoàn thiện theo kiểu cuốn gói.

Theo ông Nguyễn Tấn Đông - Phó Chủ tịch HĐQT Cty CP Đèo Cả, Giám đốc BQL Dự án hầm Hải Vân, xác định đây là công trình giao thông trọng điểm quốc gia, việc hoàn thành sớm một ngày có ý nghĩa lớn về kinh tế, xã hội. Do vậy, ngay từ khi triển khai, đơn vị đã vận dụng các kinh nghiệm quản lý, điều hành từ nhiều dự án hầm đường bộ đã triển khai như hầm Đèo Cả, hầm đèo Cù Mông để đẩy nhanh tiến độ. Tất cả các khâu từ giải phóng mặt bằng, nổ mìn đào hầm, xây dầm, mố trụ... được quan tâm sát sao, kiểm soát tiến độ từng ngày. Nhờ đó, những khó khăn được kịp thời tháo gỡ, nguồn vốn giải ngân sớm, tiến độ các hạng mục thay đổi từng ngày. Hiện công trường hầm đường bộ Hải Vân huy động nhiều mũi thi công, tất bật ngày đêm làm 3 ca để đưa dự án hoàn thành đúng hẹn cuối năm 2020. Những hạng mục còn lại đang thi công gồm bê-tông vỏ hầm, nền mặt đường, hệ thống thoát nước... Phía ngoài hầm, các hạng mục cầu đường dẫn cũng đã hoàn thành 70% khối lượng, hình dáng cung đường dẫn vào hầm đang được thay đổi từng ngày.

Hầm đường bộ Hải Vân 2 chạy song song với Hầm Hải Vân 1, được thiết kế có chiều rộng 8,5 mét với 2 làn xe chạy một chiều. Tổng chiều dài của hầm là 6.292 mét. Ông Phạm Thanh Hà cho biết thêm, hầm đường bộ Hải Vân 2 được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt bổ sung vào Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả do nhà đầu tư là Cty CP Đèo Cả thực hiện với tổng mức đầu tư 8.516 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ tháng 4-2016, hoàn thành tháng 12-2020. Việc vượt tiến độ thông hầm sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ công trình sớm đưa vào vận hành trong năm 2020, giảm áp lực cho hầm Hải Vân 1.

Hệ thống cầu đường dẫn vào hầm đang hình thành từng ngày.

Ông Hà nói, hầm Hải Vân 1 từ khi đưa vào vận hành đã đón 29 triệu lượt xe, hiện mật độ xe qua hầm dày đặc, luôn quá tải. Khi đưa hầm Hải Vân 2 vào vận hành sẽ giảm áp lực qua hầm Hải Vân 1, đồng thời rút ngắn thời gian lưu thông qua hầm cho các phương tiện, nâng cao hiệu quả vận chuyển hàng hóa, hành khách. Không chỉ mang lại lợi ích về ATGT, hầm Hải Vân 2 khi hoạt động cũng sẽ mở ra không gian phát triển kinh tế rộng lớn hơn cho khu vực miền Trung. Từ đây, tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây có điểm cuối tại cảng Đà Nẵng sẽ mở ra cơ hội lớn hơn, việc kết nối du lịch Huế - Đà Nẵng - Hội An, hay việc liên kết chia sẻ nguồn khách giữa sân bay Đà Nẵng và Phú Bài cũng thuận lợi hơn. Đặc biệt, theo Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, không gian đô thị Đà Nẵng được tiếp cận theo hướng mở, hình thành chuỗi đô thị liên kết Lăng Cô - Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An. Nói như TS Trần Du Lịch, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, khi thông hầm Hải Vân 2 mở toang kết nối giao thông thì Đà Nẵng với Lăng Cô là 1, không còn khoảng cách.

Hiện hàng trăm kỹ sư, công nhân đang tất bật trên công trường hầm Hải Vân 2, chia làm 3 ca liên tục với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, đưa công trình giao thông trọng điểm quốc gia này vào vận hành cuối năm 2020.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/97_213703_ham-hai-van-2-hoi-ha-ve-dich.aspx