Hầm Hải Vân 2 đủ điều kiện khai thác nhưng vẫn phải 'đóng cửa' vì thiếu vốn

Với 7/10 thành viên Hội đồng nghiệm thu công trình nhà nước có mặt và đánh giá, đề xuất đồng ý đưa hầm Hải Vân 2 vào vận hành khai thác nhưng chủ đầu tư cho biết vẫn… 'đóng cửa'.

Sáng 20/11, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã Kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình mở rộng hầm đường bộ Hải Vân kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình mở rộng hầm đường bộ Hải Vân thuộc Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả do Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư.

Buổi làm việc được tổ chức trong ống hầm Hải Vân 2 vừa mở rộng hoàn thiện với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ; các đơn vị tư vấn, giám sát, chuyên gia, cố vấn…

Hầm Hải Vân sau khi được mở rộng gồm 2 ống hầm, lưu thông một chiều mỗi ống hầm, còn có các hạng mục khác như: trung tâm cứu hộ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy, trạm thu phí; trạm dừng đỗ kỹ thuật. Đây là công trình hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á, trong đó, đường dẫn phía bắc dài khoảng 1,7 km, trong hầm dài 6,2 km, đường dẫn phía nam 4 km.

Sau hầm Cổ Mã, Đèo Cả, Cù Mông, hầm đường bộ Hải Vân 2 tiếp tục là công trình do chính bàn tay khối óc người Việt Nam thực hiện thành công. Việc đảm nhận dự án lớn có tính phức tạp thể hiện sự trưởng thành vượt trội của nhà đầu tư, nhà thầu trong nước khi vừa thi công mở rộng hầm Hải Vân 2 vừa đảm bảo an toàn giao thông của hầm Hải Vân 1 cũng như đảm bảo các yêu cầu khắt khe về vệ sinh môi trường khi công trình nằm trên địa phận các địa phương có nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch.

Quá trình xây dựng, nhà đầu tư đã đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn về nguồn vốn khi phần vốn Ngân sách nhà nước cam kết tham gia Dự án vẫn còn 1.180 tỷ đồng chưa được bố trí giải ngân gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà đầu tư. Đồng thời việc điều chỉnh cơ chế thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho Dự án so với Hợp đồng đã ký kết vẫn chưa được cấp có thẩm quyền quyết định. Giờ đây công trình đã hoàn thành, nhưng vẫn chưa xác định được phương án hoàn vốn thế nào, nguồn kinh phí từ đâu để đưa Hải Vân 2 vào vận hành.

Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến đường qua hầm Hải Vân liên tiếp xảy ra, gây ách tắc giao thông, đe dọa sự an toàn cho người và phương tiện. Việc này đặt ra yêu cầu cấp thiết của việc sớm đưa công trình mở rộng hầm Hải Vân vào vận hành khai thác đồng bộ với quy mô 4 làn xe trên toàn tuyến QL1, tránh việc ùn tắc và tai nạn giao thông, đặc biệt là dịp cao điểm cuối năm đang đến gần.

Hạng mục ống hầm Hải Vân 2 đã hoàn thiện và chờ được đưa vào vận hành, khai thác

Cơ quan thường trực Hội đồng của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã có ý kiến chấp thuận kết quả nghiệm thu của Chủ đầu tư, đánh dấu mốc hoàn thành giai đoạn đầu tư và cũng là điều kiện cần để đưa công trình vào vận hành khai thác. Tuy nhiên, theo chủ đầu tư, dù được nghiệm thu, công trình này sẽ vẫn phải… “đóng cửa” chờ do nguồn kinh phí 1.180 tỷ đồng chưa được bố trí giải ngân.

Với vướng mắc này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ thay mặt Bộ Giao thông vận tải cam kết ưu tiên số 1 ghi vào vốn trung hạn 2021-2025 và khi được Quốc hội thông qua sẽ ưu tiên đầu tiên bố trí cho Đèo Cả. “Vì vậy, anh Hoàng (ông Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả -PV) cứ yên tâm và không lo lắng về việc không có điều kiện để đưa công trình vào vận hành, khai thác”- Thứ trưởng Thọ khẳng định.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ham-hai-van-2-du-dieu-kien-khai-thac-nhung-van-phai-dong-cua-vi-thieu-von-d133518.html