Hầm đi bộ đang bị ngó lơ?

Tại Hà Nội, hầm đi bộ là giải pháp giúp người đi bộ có thể dễ dàng qua đường một cách an toàn. Đó cũng chính là mong muốn của UBND TP. Hà Nội khi đưa vào sử dụng 23 hầm đi bộ từ những năm 2007 - 2008. Ghi nhận của phóng viên thì hiện tại những công trình này đang bị ngó lơ, không nhận được sự quan tâm của người đi bộ, lối vào của các hầm bị chiếm dụng để buôn bán.

Hệ thống hầm đi bộ tại Hà Nội bao gồm: Đường Vành đai 3 có 17 hầm, nội thành có 2 hầm (Ngã Tư Sở và nút giao Giải Phóng – Đại Cồ Việt ) và 4 hầm ở nút giao đường 32 với đường 70.

Việc xây dựng những công trình hầm đi bộ như này tốn rất nhiều chi phí, ước tính mỗi hầm đi bộ khoảng 150.000 USD (tương đương khoảng 3 tỷ đồng). Thế nhưng thực tế cho thấy, những gì bỏ ra không hề đem lại lợi ích.

Dưới đây là hình ảnh một số hầm đi bộ tại Hà Nội.

Hầm đi bộ tại Ngã Tư Sở, Thanh Xuân, Hà Nội.

Cơ sở vật chất tại hầm đi bộ Ngã Tư Sở khang trang, sạch sẽ, được trang bị đèn sáng và camera quan sát. Hầm được phân thành hai làn đường: đường cho người đi bộ và người đi xe đạp.

Dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân tập thể dục dưới hầm mỗi buổi sáng. Bởi hầm vắng, sạch sẽ, không có sự xuất hiện của các phương tiện giao thông đông đúc.

Thời điểm 12h trưa, lượng phương tiện tham gia thông thông nhiều thì mới xuất hiện lác đác một số học sinh, sinh viên đi dưới hầm. Tuy nhiên, số người sử dụng hầm để qua đường không đáng kể.

Hệ thống đường hầm khá lằng nhằng, tuy trong hầm có trang bị sơ đồ chỉ dẫn cho người dân nhưng không ít người dân gặp khó khăn trong việc xác định phương hướng đi dưới hầm.

Hầm đi bộ không nhận được sự quan tâm của người đi bộ, lối vào của hầm bị chiếm dụng để buôn bán.

Không chỉ một lối vào, hầu hết các lối vào hầm đều bị chiếm dụng, bàn ghế bày la liệt chắn cả lối đi.

Lối vào không bị chiếm dụng thành chỗ buôn bán thì gặp phải tình trạng bị các phương tiện giao thông khác lấn chiếm thành nơi đồ xe, chắn hết lối vào.

Tiếp tục có mặt tại hầm đi bộ tại Ngã Tư Sở, lúc 19h, khi lượng phương tiện giao thông đang ở cao điểm, hầm vẫn giữ nguyên sự vắng vẻ, không một ai sử dụng.

Sự "nhộn nhịp" thể hiện ở một khía cạnh khác, lối vào của hầm đi bộ trở thàn nơi tụ tập trà chanh tán gẫu, là địa chỉ thân quen của một số người sau một ngày làm việc mệt mỏi.

Hầm đi bộ là giải pháp của UBND TP. Hà Nội giúp người dân có thể dễ dàng sang đường mà vẫn đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, kể từ khi đưa vào hoạt động, hầm đi bộ chưa đem lại hiệu quả như mong đợi. Bài toán đặt ra với các cơ quan, ban ngành là làm thế nào để thúc đẩy việc sử dụng hầm đi bộ của người dân trên địa bàn Hà Nội để 23 hầm đi bộ trên địa bàn Hà Nội không bị lãng quên và bị sử dụng vào những mục đích không chính đáng.

MINH AN

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/ham-di-bo-dang-bi-ngo-lo-20200618150632578.htm