Hàm cấp tướng công an không quá 201 người: Có nhiều hay không?

Dự thảo Luật Công an nhân dân quy định hàm cấp tướng đối với lực lượng này không quá 201 người. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn, hàm tướng có cần số lượng nhiều thế hay không?

Một số điều quy định mới về hàm tướng công an trong dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) khiến nghị trường Quốc hội "nóng" chiều nay.

Ngành công an sẽ có tối đa 201 tướng

Chiều 6/11, thảo luận ở Quốc hội về một số nội dung của dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), nhiều ĐBQH đã quan tâm cho ý kiến về điều 25 dự thảo luật quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân.

Theo dự thảo Luật Công an nhân dân, hàm đại tướng chỉ có một với chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an. Hàm thượng tướng, với chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an, số lượng không quá 6. Trung tướng số lượng không quá 35. Thiếu tướng số lượng không quá 159.

Trong đó, dự thảo cũng quy định Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I có cấp hàm cao nhất là Thiếu tướng (trừ Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là Trung tướng), song số lượng không quá 11.

Như vậy, lực lượng công an sẽ không có quá 201 người mang hàm tướng.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt. Ảnh: Quochoi.vn

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan Công an nhân dân, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý còn có ý kiến khác nhau, do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ quy định nguyên tắc, tiêu chí xác định cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng đối với các đơn vị thuộc Bộ; cấp bậc hàm Thiếu tướng đối với Giám đốc công an cấp tỉnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho hay, việc quy định giám đốc công an một số tỉnh, thành trực thuộc Trung ương có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng là đúng nhu cầu. Đồng thời phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của công an cấp tỉnh hiện nay, cũng như phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng và tổ chức Công an nhân dân theo hướng "bộ tinh, tỉnh mạnh".

“Quy định số lượng và tiêu chí xác định vị trí Giám đốc Công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng để bảo đảm chặt chẽ và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ vào tiêu chí để quy định cụ thể như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý”, ông Võ Trọng Việt cho biết.

Hàm tướng có cần số lượng nhiều thế hay không?

Cho ý kiến về dự luật này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đồng tình với quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với lực lượng chiến sĩ chức vụ sĩ quan Công an Nhân dân. Tuy nhiên, đại biểu Hòa còn băn khoăn về cấp hàm tướng khi ông cho rằng, số lượng quy định như vậy là nhiều.

“Trên thế giới hiện nay có một số quốc gia, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an nói chung chỉ là dân sự, mà họ có những chỉ đạo cao nhất trong ngành”, đại biểu Hòa nói và cho biết: “Ở nước ta lực lượng vũ trang phải có cấp hàm là điều không bàn cãi. Nhưng phải tính sao cho hợp lý trong điều kiện nước ta ở thời bình được thế giới ca ngợi là quốc gia ổn định về an ninh chính trị và an toàn xã hội”.

"Hàm tướng có cần số lượng nhiều thế hay không? Cấp tướng phải có quân số nhất định để chỉ huy chứ không thể mang hàm tướng mà quân số chẳng là bao nhiêu", đại biểu Phạm Văn Hòa băn khoăn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa.

Đại biểu Hòa cũng cho rằng, hàm Trung tướng có chức vụ cục trưởng và tương đương với số lượng 32 là nhiều nên cần cân nhắc.

Về quy định cấp hàm cao nhất không quá 11 thiếu tướng đối với giám đốc công an tỉnh, thành loại 1 trực thuộc Trung ương, ông Phạm Văn Hòa cho rằng còn bất cập với các tỉnh, thành khác còn lại.

"Thành phố đang là loại 2 nhưng tiệm cận loại 1, sau này lên loại 1 thì sao? Có phong hàm thiếu tướng hay không vì đã đủ số lượng rồi hay là điều động sang nơi khác để đảm bảo con số 11”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Đại biểu Hòa cho rằng, người mang hàm Thiếu tướng của tỉnh này chưa chắc đã có chuyên môn, thời gian trong ngành cao hơn người mang hàm Đại tá của tỉnh, thành khác.

“Cùng là giám đốc công an tỉnh, thành phố như nhau mà lại có người mang hàm cấp Tướng, người mang hàm cấp Tá, như vậy không hợp lý. Mặt khác, cần cân nhắc Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội và TPHCM số lượng Thiếu tướng không quá 3. Cùng là Phó Giám đốc mà người được quân hàm Thiếu tướng, còn người kia lại không?”, đại biểu tỉnh Đồng Tháp đặt vấn đề.

Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam đồng tình với quy định cấp hàm Trung tướng với hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, còn đối tượng khác ông đề nghị cần chặt chẽ số lượng theo quy định, đảm bảo chất lượng.

“Phong tướng để cầm gậy chỉ huy quân” nên không nhất thiết cứ tỉnh nào loại 1 phải phong tướng cho Giám đốc Công an tỉnh, mà địa bàn nào trật tự trị an phức tạp, ma túy nhiều, phản động nhiều... thì đề nghị phong tướng cho lãnh đạo Công an để chỉ huy quân”, Thượng tướng Nguyễn Văn Được nêu ý kiến.

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/ham-cap-tuong-cong-an-khong-qua-201-nguoi-co-nhieu-hay-khong-1140924.html