Halloween trường Báo và hành trình đưa kịch nghệ thuật gần hơn với giới trẻ

Không chỉ góp phần làm sống dậy bộ môn nghệ thuật lâu đời này, các sinh viên báo chí cũng coi kịch nói như công cụ sắc bén để phản ánh hiện thực đương đại.

Vở kịch “Đêm trắng” của Nhà hát kịch Việt Nam được giới chuyên môn đánh giá rất cao. (Ảnh: Internet).

Vở kịch “Đêm trắng” của Nhà hát kịch Việt Nam được giới chuyên môn đánh giá rất cao. (Ảnh: Internet).

Có một sự thật không thể phủ nhận rằng, kịch Việt đang dần mất đi sức hút, nhất là với đối tượng khán giả đang dần trẻ hóa. Thụt lùi, không theo kịp sự phát triển của thời đại là vấn đề chung của môn nghệ thuật này tại các sân khấu từ Bắc vào Nam.

Nguyên nhân kịch nói không còn hấp dẫn

Kịch nghệ thuật Việt Nam đã từng trải qua một thời kỳ huy hoàng, với lượt người xem đông đảo không thua kém gì những bộ phim bom tấn ngày nay. Các vở kịch như "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"; "Nhân danh công lý" hay "Bệnh sĩ"... đã trở thành kinh điển bởi phản ánh được rõ thực trạng cuộc sống lúc bấy giờ.

Người ta yêu thích kịch nghệ đến nỗi sẵn sàng xếp hàng chờ đợi để được vào xem hay thậm chí còn không ngại bỏ tiền cho những tấm vé từ chợ đen để có được một suất thưởng thức.

Lưu Quang , Thế Lữ, Lê Hùng... là những cái tên gắn liền với một thời vàng son của kịch nghệ Việt Nam. Đó là những nghệ sĩ đã đóng góp một phần to lớn biến sân khấu kịch trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu và đưa kịch nói thành một trong những ngành nghệ thuật đi đầu phơi bày thực trạng xã hội.

Tuy nhiên, trong kỷ nguyên đổi mới, kịch nói đang ngày càng mờ nhạt, thiếu đi tính sáng tạo và dấu ấn riêng. Món ăn nào ăn nhiều rồi cũng chán, việc diễn lại những vở kịch cũ hay đi theo những mô típ lỗi thời khiến giả dần trở nên ngán ngẩm và mất đi sự hứng thú với môn nghệ thuật này.

Sức hấp dẫn ngày càng giảm của kịch nói còn đến từ câu chuyện giải trí trong thời đại công nghệ lên ngôi. Có quá nhiều cách để người xem tiếp cận được với các loại hình nghệ thuật nhanh gọn và không mất tiền.

Thêm vào đó, một bộ phận những người làm nghề vẫn giữ những quan điểm, lối tư duy của thời đại cũ mà không chịu thay đổi để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật mới mẻ của người xem bây giờ.

Cuộc sống vẫn luôn tồn tại vô vàn những chất liệu để có thể khai thác. Vậy nhưng, vẫn còn nhiều mặt trái của xã hội chưa được đề cập hoặc có truyền tải cũng chưa được trọn vẹn, chân thực.

Điều kịch Việt đang thiếu đó là những nhà biên kịch, những đạo diễn trẻ, tài năng và có tư duy nghệ thuật nhạy bén. Họ chính là những yếu tố tiên quyết để có thể vực dậy, đồng thời là niềm hy vọng của các sân khấu kịch trong thời đại hiện nay.

Kịch Việt thiếu tính sáng tạo và tính “trẻ”. (Ảnh: Internet).

Vẫn còn đó những người trẻ yêu nghệ thuật truyền thống

Sự mờ nhạt của nghệ thuật truyền thống là điều ai cũng thấy rõ, nhưng không vì vậy mà loại hình nghệ thuật này biến mất hẳn. Ngày nay, có rất nhiều những dự án, chương trình được thực hiện bởi các bạn trẻ để nhằm quảng bá, giới thiệu nghệ thuật lâu đời tới với mọi người.

Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, với mong muốn giữ gìn và phát huy những giá trị nghệ thuật cốt lõi, sân khấu kịch đã trở thành một đặc sản của Halloween. Đây là sự kiện thường niên đình đám tại ngôi trường này, thu hút số lượng người đến xem vô cùng đông đảo mỗi năm.

Lựa chọn kịch làm trung tâm của chương trình, Ban Tổ chức không chỉ muốn đưa nghệ thuật sân khấu này tới gần hơn với giới trẻ mà còn là một cách khẳng định kịch vẫn luôn là phương tiện truyền tải thông điệp đầy sắc bén.

Điểm lại Halloween 2019: Domino, nội dung vở kịch xoay quanh vấn đề bạo lực mạng. Việc đánh giá, chỉ trích qua mạng xã hội ảo có thể làm tổn thương sâu sắc một người về mặt tinh thân, gây ra những hậu quả đáng tiếc và cả những hệ lụy kéo dài về sau.

Chương trình cũng lồng ghép vào vở kịch hàng loạt những vấn đề nhức nhối như xâm hại tình dục, thờ ơ với gia đình... Ban Tổ chức của Halloween 2019 mong muốn thông qua vở kịch, những bạn trẻ sẽ có cho mình một thái độ sống văn minh và chuẩn mực hơn.

Đến với Halloween 2020: Deviance, kịch tiếp tục là phương tiện phản ánh đời sống đầy chân thực. Ban Tổ chức chương trình mong muốn thức tỉnh nhận thức của giới trẻ về hiện trạng của lối sống lệch lạc.

Vở kịch chính là lời cảnh tỉnh tới những bạn trẻ nhẹ dạ cả tin, dễ dàng sa ngã vào những cạm bẫy của cuộc đời. Đối mặt với điều đó, chúng ta luôn phải giữ vững tinh thần, tỉnh táo và biết suy nghĩ thấu đáo để đưa ra các quyết định đúng đắn.

Và gần đây nhất, mùa Halloween có một không hai Halloween 2021: Lamentar đã được đón nhận nồng nhiệt bởi vở kịch về gia đình đầy xúc động. Ở đó, các bạn sinh viên đã vẽ lên một bức tranh với đầy đủ những nét tính cách điển hình để tạo nên một câu chuyện khiến người xem đồng cảm.

Qua vở kịch, chương trình muốn gửi gắm bài học nhân văn về tình cảm gia đình. Hãy biết trân trọng từng phút giây được ở cạnh những người thân yêu để không phải hối tiếc nhìn về những khoảnh khắc chỉ còn trong tiềm thức.

Trở lại Hội trường C của Học viện Báo chí và Tuyên truyền sau một mùa tổ chức trực tuyến vì dịch bệnh, Halloween 2022 vẫn tiếp nối truyền thống lấy kịch làm trọng tâm. Đồng thời, các bạn sinh viên khoa Quan hệ quốc tế cũng không quên lồng ghép vào kịch những yếu tố kinh dị để chương trình không mất đi không khí Halloween truyền thống.

Halloween 2022 có tên gọi là “The Error” (tạm dịch: Lỗi). Ảnh: Halloween 2022: The Error.

Năm nay, Halloween 2022: The Error mang đến thông điệp về mặt trái của sự hoàn hảo. Chương trình nhấn mạnh: “Hoàn hảo là một vạch đích mơ hồ mà hầu hết chúng ta đều mong muốn chạm tới. Thế nhưng, thay vì tìm kiếm sự vẹn toàn không có thật rồi tự dày vò, hạ thấp giá trị của bản thân, con người cần học cách làm quen và chấp nhận những khiếm khuyết. Bởi chính những vết nứt mới là nơi ánh sáng có thể lọt vào.”

Halloween năm nay hứa hẹn sẽ là một sân chơi thú vị và bổ ích cho các bạn sinh viên trên toàn Hà Nội nhân dịp ngày lễ đang đến gần. Mọi thông tin chi tiết sẽ được cập nhật trên trang facebook "Halloween 2022: The Error".

Lê Phương Anh

Nguồn Người Làm Báo: https://nguoilambao.vn/halloween-truong-bao-va-hanh-trinh-dua-kich-nghe-thuat-gan-hon-voi-gioi-tre-n57317.html