Hai xưởng đóng tàu làm khổ dân

Hai cơ sở đóng tàu quy mô lớn nằm ven sông Gianh ở Quảng Bình gây ô nhiễm nhiều năm nhưng chính quyền chỉ... nhắc nhở

Hai cơ sở sơn sửa, duy tu, đóng mới tàu thuyền Huệ Thuế và Tịnh Hiếu nằm bên bờ sông Gianh, đoạn qua tổ dân phố Mỹ Hòa (phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) nằm cách nhau chừng 100 m. Tới gần khu vực này, mùi hôi của sơn bốc lên nồng nặc.

Hai cơ sở này có quy mô khá lớn, mỗi cơ sở có gần 10 chiếc tàu, thuyền đang sửa chữa, đóng mới nên máy móc hoạt động rầm rộ như công trường.

Xung quanh 2 cơ sở, nhà nào cũng cửa đóng then cài. Chị P., nhà cách cơ sở đóng tàu Huệ Thế khoảng 300 m, cho biết đóng cửa suốt ngày, rất bí bách nhưng không đóng thì mùi sơn, bụi bặm hôi chịu không nổi.

"Cao điểm là mùa tàu thuyền không đi biển, lúc ấy ngư dân tranh thủ sửa chữa, sơn tàu. Mỗi ngày họ sơn cả chục chiếc, khi đó mùi sơn theo chiều gió phát tán, hôi không diễn tả được. Đến bữa ăn mà ngửi mùi sơn thì chỉ có nước bỏ bữa, ra ngoài thì thở không nổi. Chúng tôi khổ lắm" - chị P. than thở.

Ông H. - nhà cách cơ sở Tịnh Hiếu không xa - cho biết 2 cơ sở đóng, sửa tàu này hoạt động cả ngày lẫn đêm khiến cuộc sống người dân đảo lộn. "Tôi có đứa con dâu đang mang thai phải về nhà ngoại ở chứ không dám sống ở đây, ngửi mùi lâu cũng sinh tật bệnh" - ông H. kể.

Người dân ở đây đã phản ánh tình trạng ô nhiễm của 2 cơ sở đóng tàu này lên UBND phường Quảng Phúc tại nhiều cuộc họp, các kỳ tiếp xúc cử tri. Sau đó, các cấp, ban ngành về kiểm tra thì 2 cơ sở hoạt động ít lại nhưng chỉ được vài hôm, đâu lại vào đấy.

Nằm trong khu dân cư nên việc sơn, sửa tàu gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân

Nằm trong khu dân cư nên việc sơn, sửa tàu gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân

Theo người dân, chủ 2 cơ sở này không phải người địa phương. Cách đây khoảng 10 năm, họ làm hợp đồng thuê đất với UBND phường Quảng Phúc để đóng, sửa chữa tàu thuyền. Sau đó, khi người dân có ý kiến về việc cơ sở gây ô nhiễm môi trường, phường không đồng ý gia hạn hợp đồng nhưng họ vẫn chiếm bờ đê dọc sông Gianh để hoạt động trái phép.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Đôn, Chủ tịch UBND phường Quảng Phúc, thừa nhận phản ánh của người dân hoàn toàn đúng.

"Hai cơ sở này xây dựng và hoạt động gần 10 năm nay. Là xã biển với hơn 300 tàu, thuyền nên ban đầu do nhu cầu cấp thiết của người dân, UBND phường đã đồng ý cho các chủ cơ sở thuê đất để xây dựng tạm, làm đơn giản. Nhưng bây giờ, họ xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị hiện đại" - ông Đôn nói.

Theo ông Đôn, năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình kiểm tra 2 cơ sở này, kết luận việc UBND phường cho thuê đất là trái thẩm quyền. Từ đó, phường chấm dứt hợp đồng thuê đất với Huệ Thuế và Tịnh Hiếu.

"Về vấn đề ô nhiễm, trước mắt, cán bộ phường thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở họ thu gom, xử lý rác thải, hạn chế sơn, sửa gây bụi bặm, mùi hôi. Về lâu dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang đầu tư trên địa bàn một âu thuyền nên chắc chắn phải di dời 2 cơ sở này vào đó hoạt động" - ông Nguyễn Thanh Đôn cho hay.

Bài và ảnh: Hoàng Phúc

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/hai-xuong-dong-tau-lam-kho-dan-2020041421591976.htm