Hai vùng ở Italy đòi trao thêm quyền tự trị

Hai khu vực giàu có tại phía Bắc Italy là Lombardy và Veneto đã tổ chức bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về việc đòi quyền tự trị. Mặc dù cuộc bỏ phiếu mang tính chất tượng trưng nhưng rất có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng khu vực, gây chia rẽ hai miền Bắc-Nam và đổ dầu vào ngọn lửa ly khai tại châu Âu, trong bối cảnh vùng Catalonia đang cố tách khỏi Tây Ban Nha...

Ảnh hưởng từ Brexit

Theo Reuters, hàng triệu người dân tại hai vùng Lombardy và Veneto đã tham gia bỏ phiếu để quyết định việc họ có mong muốn mức độ tự trị cao hơn trong các lĩnh vực thuế, quản trị, nhập cư và cơ sở hạ tầng hay không? Kết quả sơ bộ cho thấy, hơn 90% cử tri đã bỏ phiếu lựa chọn "đồng ý" việc trao thêm quyền tự trị cho vùng. Cuộc trưng cầu ý dân tuy chỉ mang tính chất tham khảo nhưng nó sẽ khởi đầu cho một tiến trình đòi quyền tự trị từ chính quyền Trung ương và rất có thể gây “hiệu ứng domino” trong ngắn hạn đối với các vùng khác của đất nước hình chiếc ủng.

Lombardy và Veneto, hai vùng có các địa danh nổi tiếng là Milan và Venice, chiếm gần 1/4 dân số Italy và khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội của nước này. Với lợi thế kinh tế mạnh, tỷ lệ thất nghiệp thấp và phúc lợi xã hội cao hơn so với mức trung bình cả nước, hai vùng này muốn Rome trao cho họ quyền tự quyết lớn hơn trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế và môi trường. Lãnh đạo Lombardy và Veneto đồng thời muốn đẩy quyền tự trị của vùng đi xa hơn trong các lĩnh vực như an ninh và di dân, nghĩa là đòi hỏi sửa đổi hiến pháp.

Người dân Milan đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về việc đòi quyền tự trị. Ảnh: AP

Được và mất

Đây cũng không phải lần đầu tiên người dân ở miền Bắc Italy ấp ủ giấc mơ ly khai. Đã có một thời gian vào cuối thế kỷ 20, một bộ phận người dân ở miền Bắc mơ về việc thành lập một quốc gia mới với tên gọi là Padania. Hai vùng Lombardy và Veneto do Đảng Liên đoàn phương Bắc (LN) điều hành. Đảng này từng công khai ý định ly khai và chính là lực lượng chính trị đứng đằng sau nỗ lực đòi thành lập nhà nước Padania khi đó.

Italy hiện có 20 vùng, trong đó có 5 vùng đang được hưởng quy chế tự trị đặc biệt liên quan đến vấn đề quản lý và lập pháp. LN đang đấu tranh để hai vùng Lombardy và Veneto được trao các quyền này, trong đó việc kiểm soát lớn hơn về tài chính là vấn đề quan trọng nhất. Để làm được vậy, LN có thể sẽ sử dụng kết quả cuộc trưng cầu dân ý nhằm tạo lợi thế đàm phán về một sự sắp xếp tài chính tốt hơn, theo đó khiến Rome cho phép hai vùng được giữ lại nhiều thuế hơn. Hằng năm, vùng Veneto đóng góp 15,5 tỷ USD vào ngân sách Nhà nước, còn mức đóng góp của Lombardy là gần 60 tỷ USD.

Nhiều năm qua, đảng LN là một thành viên nhỏ nhưng quan trọng trong liên minh trung hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi. Ông Berlusconi, hiện đã tuyên bố quay trở lại chính trường sau khi phải từ chức vào năm 2011 do đánh mất đa số ủng hộ trong Quốc hội, vẫn đang là một nhà lãnh đạo không hề có đối thủ trong nội bộ Đảng Tiến lên Italy (FI). Ông công khai ủng hộ các cuộc trưng cầu dân ý này và điều đó hứa hẹn quyền tự trị lớn hơn cho hai vùng Lombardy và Veneto như là một phần trong cương lĩnh vận động tranh cử của phe trung hữu.

Tuy nhiên, việc khu vực phía Bắc giàu có muốn giành nhiều quyền kiểm soát tài chính hơn từ Chính phủ sẽ gây ra những vấn đề cho các khu vực kém phát triển ở phía Nam Italy. Giovanni Orsina, giáo sư sử học Trường Đại học Luiss-Guido Carli tại Italy cho rằng, việc Chính phủ Trung ương nhượng bộ về tài chính cho phía Bắc sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt từ khu vực phía Nam, làm sâu sắc thêm sự chia rẽ vốn có giữa hai miền. Đó là chưa kể mối đe dọa từ chủ nghĩa ly khai tựa như con tàu đã rời bến, rất dễ làm dấy lên những cơn sóng dữ tại nhiều vùng trên lãnh thổ quốc gia hình chiếc ủng như Liguria và Emilia Romagna, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và sự thịnh vượng chung của Italy và toàn châu Âu.

NGỌC THƯ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/hai-vung-o-italy-doi-trao-them-quyen-tu-tri-521728