'Hải Vân Hoa bút'- Đóa hoa đẹp của một người xa quê

Trở về Việt Nam sau hơn 30 năm, tác giả Ngô Hải Vân đã có buổi ra mắt tập thơ 'Hải Vân Hoa bút' trong một không gian ấm cúng với đông đủ bạn bè, người thân và người yêu văn thơ tại Thủ đô Hà Nội.

Ngô Hải Vân là trưởng nữ của thi sĩ Trình Xuyên Ngô Diễn- một trong ba tác giả thơ Đường nổi tiếng tài danh, là hậu duệ của nhà yêu nước Ngô Quang Bích- lãnh tụ của phong trào Cần Vương chống Pháp. Ngô Hải Vân quê gốc ở Thái Bình, quê mẹ ở Quảng Nam nhưng bà sinh ra ở Đà Nẵng, năm 1985 bà sang định cư tại Hoa Kỳ, mặc dù làm về kỹ thuật điện tử nhưng bà lại sáng tác thơ và dạy dương cầm và bà làm thơ theo tiếng gọi của trái tim.

Ngô Hải Vân - tác giả của tập thơ "Hải Vân hoa bút"

Nếu tính thời gian người phụ nữ này phải rời xa quê hương bằng tháng thì cũng xấp xỉ 400 tháng rồi. Với chừng đó thời gian, so với số lượng tác phẩm mà bà giới thiệu trong tập thơ “Hải Vân hoa bút” thì trung bình bà phải mất đến 2 tháng mới viết được một bài thơ, mà bài ngắn nhất chỉ khoảng chừng 4 câu, thêm cả tên bài thơ mới đủ 30 chữ. Nói vậy không phải chỉ để thống kê những con số và độ dài ngắn của thơ mà để thấy rằng, để làm được một bài thơ, tác giả đã phải vất vả dường nào với những con chữ- những bông hoa đẹp của lòng mình, và ngoài tập thơ này bà cũng đã có 4 tập thơ khác, mỗi tập trên 100 bài thơ ở các thể loại hiện đại.

Xa quê nhưng nỗi lòng của người phụ nữ này vẫn luôn hướng về mảnh đất nơi mình sinh ra, những câu thơ cháy bỏng tình yêu “Quảng Nam Đà Nẵng quê hương ơi” với đèo Hải Vân- chính là sự nhắc nhớ người phụ nữ ấy về hình bóng quê nhà, đó cũng là tên của tác giả, gắn với kỷ niệm nguồn gốc cái tên do người Ba đặt cho bà: “Thương miền Trung, Ba tôi đặt tên/ Con-gái-rượu là ngọn đèo quan ải!...”

Đọc cả tập thơ mới thấy rõ đó là những lời chân thực đến từ trái tim của người phụ nữ này. Không màu mè, bóng bẩy, cũng không ý nhị sâu xa mà đó là những lời mộc mạc chân tình, mang đến những cảm giác thật gần gũi đời thường: Đâu rồi cái giậu mồng tơi, Cây chanh của Má, Hoa lửa, Chiếc bánh chưng để quên… Bà làm thơ như một nhu cầu tự thân, thơ là tiếng lòng của người con xa quê, của những tháng ngày nhọc nhằn mưu sinh nơi đất khách quê người.

Điều này cũng được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đồng cảm sau khi nhận được và đọc tập thơ. “Đọc những bài thơ của Ngô Hải Vân, tôi như một lần nữa được đứng ở vị trí của tác giả để nhìn về cố hương yêu dấu của mình”. Đọc những bài thơ trong Hải Vân hoa bút giúp nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thêm yêu tiếng Việt một lần nữa, yêu Tổ quốc thêm một lần nữa, yêu quê hương thêm một lần nữa và điều đó chỉ có được từ một người viết từ phương xa về quê hương mình. Và tác giả Ngô Hải Vân là một người xa xứ nhưng là một người đã mang theo những di sản rất quan trọng, là giọng nói của Mẹ đẻ, của quê hương, xứ sở mình, ngôn từ tiếng Việt ấy, tiếng Việt trong thơ Ngô Hải Vân là thứ tiếng Việt thuần khiết, giản dị và đầy tinh tế và trong tâm trạng của một người đã rời xa Tổ quốc, là một tình yêu sâu sắc với quê hương.

Có được những rung cảm tinh tế như vậy cũng có lẽ là bởi, với Ngô Hải Vân, quê hương chính là Ba, là Má, là con cái, là những ký ức đau đáu trong tâm hồn của tác giả. Những trăn trở, những nỗi niềm cứ trở đi trở lại trong các bài thơ, xuyên suốt tập thơ này. Những Tự sự, Tự nhủ, Tự trào, Tự bạch, Độc thoại, Có nhiều lúc tôi âm thầm vậy đó… dường như là những bài thơ giúp vơi đi nỗi lòng tác giả, để bà giải tỏa những tâm tư trĩu nặng trong lòng. Và đó cũng là cách để những câu thơ của Ngô Hải Vân “nghe lòng mình để tìm được chìa khóa đi vào lòng người” (nhà thơ Vũ Quần Phương).

Đến với tập thơ, Dịch giả Đăng Bảy, người được tiếp cận nhiều tác phẩm của nhiều tác giả nước ngoài cũng như người Việt sinh sống ở nước ngoài ghi nhận “Điều đáng ghi nhận là bút pháp của tác giải hải ngoại này vẫn trân trọng giọng điệu cổ phong nền nã, biết sử dụng nhiều tư liệu dân gian, thể hiện đó là một người thơ có bề dày trải nghiệm, bề sâu nội tâm và trong cuộc sống luôn lấy khiêm cung làm trọng”.

Hải Vân hoa bút là vậy, như con người thực của tác giả. Xin mượn bài thơ “Gái Bắc kỳ” để kết thúc bài viết về tác giả Ngô Hải Vân và tập thơ vừa ra mắt bạn đọc trong nước của bà, đó có lẽ là một lời giới thiệu đầy đủ về số phận và nỗi lòng của tác giả này- một bông hoa đẹp trong vườn thi ca Việt đang nở rộ.

Gái Bắc kỳ

Tôi sinh ra ở Đà Nẵng

Vẫn là gái Bắc Kỳ!

Hiểu những điều cay đắng

Thả hồn theo mây bay…

Ngũ Hành Sơn dù nặng

Vẫn bồng bềnh trên vai

Và sông Hàn mấy lạnh

Đâu bằng sương tuyết dầy!

Hỡi gánh tình non nước

Chưa một lần buông tay

Hỡi con tàu xuyên Việt

Rẽ chi hoài đám mây

Thương Ba đời mải miết

Hồn ở đó hay đây?

Tôi sinh ở Đà Nẵng

Làm ngọn Hải Đăng soi

Con đường dài Nam Bắc

Hà Nội mờ mưa rơi

Sài Gòn đôi mắt lệ

Quê hương… sao tôi rời

Còn buồn nào hơn thế

Con tàu xưa Ba ơi!

Tôi là con gái Bắc

Sinh ra đời miền Nam

Rồi bây giờ xa tắp

Rồi bây giờ lang thang

Đâu nhịp cầu Thê Húc

Sớm mai đậu nắng vàng

Trưa về mưa rưng rức

Đến chiều mưa chưa tan…

Bài và ảnh: Minh Thư

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/hai-van-hoa-but-doa-hoa-dep-cua-mot-nguoi-xa-que-287136.html