Người lao động, doanh nghiệp TP.HCM phấn khởi nhận hỗ trợ từ gói 30.000 tỷ

TP.HCM là địa phương có số người lao động đông nhất cả nước, đến nay đã chi trả tiền hỗ trợ từ gói 30.000 tỷ cho 86% tổng số lao động thuộc đối tượng nhận hỗ trợ khiến người lao động, doanh nghiệp rất phấn khởi.

Sau hơn một tháng thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116 của Chính phủ, tại TP.HCM, người lao động và người sử dụng lao động đều phấn khởi khi nhận hỗ trợ. TP.HCM là địa phương có số người lao động đông nhất cả nước, đến nay đã chi trả cho 86% tổng số lao động thuộc đối tượng nhận hỗ trợ.

Mỗi ngày BHXH TP.HCM tiếp nhận 200-300 cuộc gọi hỏi về chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 116.

Mỗi ngày BHXH TP.HCM tiếp nhận 200-300 cuộc gọi hỏi về chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 116.

Người bất ngờ, người phấn khởi

Sau 3 ngày ký xác nhận thông tin, chị Lê Thị Tuyết Nga, Công ty TNHH PouYuen, Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM đã được nhận 3,3 triệu đồng tiền bảo hiểm thất nghiệp. Đây là mức cao nhất trong gói hỗ trợ theo Nghị quyết 116 của Chính phủ.

“Tôi rất vui vì được sự quan tâm nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, tôi khá bất ngờ. Tôi sẽ dùng số tiền này phụ vào để mua máy tính bảng cho con học online”, chị Nga cho hay.

Đến nay, Công ty TNHH PouYuen đã có 53.803 người lao động được hưởng chính sách này với tổng số tiền hơn 155 tỷ đồng. Bà Đặng Hồng Liên, Trưởng Phòng Nhân sự, Trung tâm Hành chính của công ty cho biết, hiện còn hơn 1.000 trường hợp đang được giải quyết. Vì trước đó những người lao động này đã nhận bảo hiểm thất nghiệp nên cơ quan Bảo hiểm xã hội TP.HCM cần phải xác minh và đối chiếu lại thời gian, để giải quyết chính xác số tiền trợ cấp.

Cùng với đó, Công ty PouYuen được giảm đóng quỹ Bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống bằng 0%, trung bình mỗi tháng doanh nghiệp được giảm 3,2 tỷ đồng. Bà Đặng Hồng Liên cho rằng, đây là một nguồn tiền rất lớn để doanh nghiệp có thêm nguồn lực duy trì sản xuất, bảo đảm ổn định đời sống cho người lao động, khắc phục khó khăn do đại dịch COVID-19.

Người dân được hướng dẫn làm thủ tục hưởng BHXH

“Trước đó đã có giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp. Và bây giờ giảm thêm tỉ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp thì đây cũng là một phần hỗ trợ rất là nhiều đối với doanh nghiệp, hỗ trợ kịp thời cho người lao động. Các phòng ban phối hợp giải quyết cũng rất là nhanh cho nên người lao động mừng lắm”, bà Đặng Hồng Liên chia sẻ.

Mỗi ngày nhận 200-300 cuộc gọi vì Nghị quyết 116

Theo thống kê của BHXH TP.HCM, TP có khoảng 2,8 triệu lao động đang tham gia Bảo hiểm thất nghiệp và khoảng 500.000 lao động bảo lưu còn quá trình đóng Bảo hiểm thất nghiệp, thuộc đối tượng hỗ trợ của Nghị quyết 116, với số tiền hỗ trợ dự kiến khoảng 6.800 tỷ đồng. Cơ quan này đã chi hỗ trợ cho hơn 2 triệu lao động, trong đó gần 1,9 triệu người đang tham gia của 82.300 đơn vị và hơn 130.000 lao động bảo lưu. Bên cạnh đó, đã có gần 83.600 đơn vị đã được giảm 1% tiền đóng Bảo hiểm thất nghiệp xuống bằng 0%, với tổng số tiền giảm đóng dự kiến là hơn 1.892 tỷ đồng đồng (đạt 100%).

Anh Phan Thành Phong, nhân viên văn phòng Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết, hiện nay việc chi trả đang được thực hiện gấp rút để tiền sớm đến tay người lao động. Mỗi ngày, anh Phong tiếp nhận từ 200-300 cuộc gọi cá nhân thắc mắc theo Nghị quyết 116.

“Nhiều người lao động không đọc kỹ về Nghị quyết 116, nhiều trường hợp không đủ tiêu chuẩn hưởng, mình mất rất nhiều thời gian để trả lời. Thay vì ngày trước làm việc 8-9 tiếng, theo sát giờ hành chính thì bây giờ 14-15 tiếng mỗi ngày, làm sao giải quyết nhanh nhất hồ sơ, rà soát đảm bảo kịp thời hỗ trợ”, anh Phong cho hay.

Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, trong quá trình thực hiện chi trả theo Nghị quyết 116, nhiều doanh nghiệp nhỏ, có số lao động ít, chưa thực hiện chuyển thông tin cho người lao động để thực hiện rà soát, gắn số tài khoản, do đó, cơ quan này chưa có cơ sở để chi trả cho người lao động. Nhiều người lao động lại không cung cấp số tài khoản hoặc cung cấp sai số tài khoản, cơ quan Bảo hiểm xã hội phải gọi điện thoại cho từng người, hướng dẫn kê khai lại thông tin, thậm chí là hướng dẫn đến ngân hàng để mở tài khoản.

Bên cạnh đó, việc xác định đối tượng giảm đóng đối với các đơn vị và người lao động làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đó là các cơ quan được ngân sách nhà nước đảm bảo một phần chi thường xuyên theo Nghị định số 60/2021 của Chính phủ; các đơn vị đặc thù như Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, thành phố; Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; Hệ thống Ngân hàng chính sách Việt Nam; Hệ thống Ngân hàng phát triển Việt Nam; các doanh nghiệp thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các đơn vị sự nghiệp công lập khác, các đơn vị được giao tự chủ theo đặc thù của mỗi ngành…

Ông Trần Dũng Hà mong muốn sẽ giải quyết sớm các vướng mắc này: "Việc này thuộc thẩm quyền của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội. Chúng tôi cũng đã có văn bản báo cáo Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã tổng hợp tất cả những khó khăn vướng mắc để gửi tới của Bộ Lao động thương binh và xã hội xem xét. Khi có ý kiến trả lời rồi chúng tôi sẽ tổ chức giải quyết nếu được cho phép".

Dự kiến, BHXH TP.HCM sẽ cơ bản hoàn thành việc chi trả hỗ trợ cho người lao động vào giữa tháng 11/2021. Cơ quan Bảo hiểm xã hội TP.HCM đề nghị các đơn vị nhanh chóng phối hợp với người lao động rà soát và chuyển lại danh sách cho cơ quan này để tiến hành chi trả. Người lao động cũng nên mở tài khoản ngân hàng để cơ quan Bảo hiểm xã hội chuyển tiền hỗ trợ, tránh việc nhận tiền trực tiếp vừa mất thời gian đi lại vừa có nguy cơ lây nhiễm bệnh./.

Kim Dung/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/nguoi-lao-dong-doanh-nghiep-tphcm-phan-khoi-nhan-ho-tro-tu-goi-30000-ty-904709.vov