Hai truyện ngắn hay nhất trong 'Kẻ chiếm dụng thời gian của Thượng đế'

Nhìn chung với câu chuyện Đêm trăng Tả Giàng này, nhà văn Đặng Văn Sinh đã kể một câu chuyện khá hay và hấp dẫn. Câu chuyện này, thực ra từ nội dung của nó, có thể viết thành một cuốn tiểu thuyết.Hoặc cũng có thể được dàn dựng thành một bộ phim thì sẽ rất hay.

Kẻ chiếm dụng thời gian của Thượng đế là một tập truyện ngắn rất hay của nhà văn Đặng Văn Sinh. Một trong những truyện ngắn có thể xem là hay nhất trong trong tập sách, đó chính là những truyện ngắn sau: Đêm trăng Tả Giàng và Rừng Ken Chải.

Nội dung truyện ngắn Đêm trăng Tả Giàng kể về câu chuyện nhân vật tôi nhớ lại hồi còn ở lâm trường khai thác gỗ ở Trùng Khánh, trong một lần nhân vật tôi được ông già mù ở bản Nà Cưởm kể cho nghe một câu chuyện rất hay. Chuyện rằng ngày đấy cách đây đã rất lâu, không biết là rừng Khau Phầy đã bao nhiêu lần thay lá, ở Tả Khai có phường săn do trưởng bản Hoàng Tịch, có họ với quan tri châu, giàu nhất vùng, nhiều vợ, nhiều trâu, nhiều ngựa, và vô cùng say mê săn thú dữ.

Trong một lần đi săn, Hoàng Tịch dẫn phường săn vào Khe Đá, vây ráp để tìm con báo vằn. Đến tối ngày thứ ba thì phường săn phát hiện được cái hang của con báo, đó là một con báo cái, lông vằn hoa, dáng cao lớn, giữa trán có đốm trắng như ngôi sao năm cánh. Ngoài báo mẹ, trong hang còn có một đôi báo con đang vờn nhau, thấy động chúng chui vào ngách trong cùng. Hoàng Tịch sai đám thợ săn lấy đá bịt hết các cửa, chỉ để cửa chính diện, sau đó lấy xà beng đào.

Bị dồn đến đường cùng, con báo vằn chống cự quyết liệt, nó tát Lục A Sếnh vào thái dương, ngạm một miếng làm vỡ xương quai xanh của Hoàng Triệu Phì cháu họ Hoàng Tịch, rồi liều chết phóng bừa vào giữa đám đông tua tủa giáo mác bằng một cú nhảy tuyệt đẹp. Dưới ảnh lửa bập bùng của những ngọn đuốc làm từ nứa khô đập dập, đám thợ săn nhìn thấy mõm con báo tha lủng lẳng một vật gì rất lạ.

Và trong lúc phi thân để tháo chạy, cái vật ở mõm nó bị Hoàng Khún con nuôi của Hoàng Tịch khua cán giáo chặn đường làm văng ra.Cánh thợ săn mang đuốc xúm lại soi thì đó là một đứa tre trần truồng gần như mới lọt lòng mẹ đang gào khóc thảm thiết như bằng thứ giọng khàn khàn như tiếng mèo con sắp hóa dại. Phường săn bàn nhau mang đứa trẻ về nuôi, nhưng trưởng bản Hoàng Tịch không nghe, vì ông ta cho rằng đó là cái ma rừng làm ra để báo hại dân bản.

Trong đám thợ săn thấy vậy có người cởi áo ra quấn cho thằng bé rồi mang đặt vào trong hang. Trước khi cả bọn về Tả Khai, trưởng bản còn cắt ba người ở lại canh chừng. Nửa đêm về sáng đứa trẻ khát sữa khóc như xé vải. Bế Văn Lịch một trong ba người canh giữ cửa hang chợt nghĩ đến bà chị họ ở bản Púa, cách Tả Khai gần nữa ngày đường, mới đẻ đứa con chưa đầy tháng, liền bàn với hai thợ săn còn lại là mang đứa tre này đến bản Púa cho bà chị họ nuôi.

Khi đến bản Púa, Bế Văn Lịch chỉ nói là nhặt được đứa trẻ bị bỏ rơi trong lúc lên nương, tuyệt nhiên không nói đứa bé đã từng được một con báo vằn hoa cho bú. Người chị họ của Bế Văn Lịch là Bế Thị Nền, nhìn thấy thằng bế thương lắm, liền ẵm lấy cho bú ngay. Mấy ngày sau, đứa bé được bố mẹ nuôi đặt tên là Bế Hài Phạ.

Ngày tháng qua đi,năm Bế Hài Phạ lên 7 tuổi, có một thày mo tên là Tào Phìn vốn là một thuật sỹ người Đại Lý, nhưng tổ tiên đã lưu lạc sang xứ Cao Bình từ mấy đời trước. Hành tung Tào Phìn có vẻ bí hiểm như một kiếm khách. Tào Phìn lên núi bàn cờ tìm cỏ linh chi ngàn năm.

Qua bản Púa, nhìn thấy thằng bé có tướng lạ, mới xin vợ chồng Bế Thị Nền cho nhận thằng bé làm con nuôi và sẽ truyền nghề thuốc cho nó, sau chừng dăm bảy năm thành nghiệp thì sẽ cho thằng bé về. Và để làm tin, Tào Phìn đưa cho Bế Thị Nền lá bùa thiêng.

Năm Bế Hài Phạ 13 tuổi, Tào Phìn bắt đầu dạy nó kiếm thuật, thằng bé học môn gì cũng giỏi, đến năm 15 tuổi, Bế Hài Phạ cao lớn như một tráng sỹ và giỏi võ nghệ. Một lần bơi dưới suối, Bế Hài Phạ, thấy một con báo vằn theo dõi cậu ta, nhưng sau đó lặng lẽ bỏ đi.

Mấy năm sau, Tào Phìn lúc đó cũng đã già, quyết định trở về Đại Lý, Bế Hài Phạ chia tay thầy, trở về bản Púa sau 11 năm chẵn, nhưng lúc trở về thì bố mệ nuôi và người con trai của bố mẹ nuôi là Bế Phảng đã chết trong trận ôn dịch tháng trước. Bế Hài Phạ liền sửa sang lại ngôi nhà bố mẹ nuôi, tạm thời vào rừng săn bắn kiếm sống, và chặt củi mang ra chợ Lũng Phàn bán.

Việc đi lại từ bản Púa về Tả Khai, đi nhanh cũng mất nửa ngày, lại phải bán củi.Nghĩ mấy ngày, Bế Hài Phạ quyết định phát tạm miếng rẫy nhỏ và dựng tạm chiếc lều ở luôn trong rừng cho tiện. Ban ngày thì làm nương, săn bắn, lúc rảnh rỗi thì lấy cây sáo trúc ra thổi.

Một buổi chiều, Bế Hài Phạ nhìn thấy trưởng bản Hoàng Tịch dẫn đầu đám trai bản chừng sáu, bảy người đi săn, trong đó đi sau cùng là một cô gái đầu đội mũ thổ cẩm tròn thêu hoa văn quả trám, lưng mang cung tên, cưỡi con ngựa bạch nhỏ.

Trong khi đó, con báo vằn phát hiện ra nhóm thợ săn, và nó quyết định rình mồi.Nó đã nhằm vào Hoàng Tịch chồm ngang vồ vào đầu gối, bóc đi một mảng thịt làm ông ta ngã ngựa, gẫy gần hết xương sườn bên phải. Con ngựa bạch phía sau sợ quá, chồm lên phi nước đại, hất cô gái xuống sườn dốc nằm bất tỉnh. Con báo vằn ngay sau đó lao về phía cô gái. Bế Hài Phạ lao lại cứu cô gái. Tay nắm chắc ngọn mác, hai chân xuống tấn, mắt nhìn xoáy vào con báo.Hai bên nhìn nhau một lúc khá lâu, con báo vằn bổng lửng thửng ngoe ngẩy đuổi đi thẳng vào rừng.

Bế Hài Phạ cứu được cô gái xinh đẹp, người con gái đó tên là Quện là con gái của Hoàng Tịch, nàng đã 17 tuổi. Từ ngày được Bế Hài Phạ cứu, nàng Quện đâm ra phải lòng chàng tiều phu, thỉnh thoảng nàng lại hẹn Bế Hài Phạ ra đèo Tả Giàng thổi sáo cho nhau nghe.

Trước tết năm đó, Bế Hài Phạ cả gan dám về Tả Khai đến nhà trưởng bản, xin cưới nàng Quện.Trưởng bản Hoàng Tịch chê chàng trai nghèo không rõ cha mẹ, nhưng không nỡ từ chối, vì chàng trai đã từng cứu nàng Quện. Nhưng trưởng bản có yêu cầu là nếu muốn lấy được con gái lão thì phải tham gia thi bắn cung đấu võ nghệ với trai bản trong lễ hội đầu năm, nếu thắng sẽ lấy được nàng Quện.

Bế Hài Phạ nhận lời, và trong cuộc thi năm đó, chàng đã giành được thắng lợi sau khi đanh bại được con nuôi của Hoàng Tịch là Hoàng Khún và giành giải nhất, lúc Bế Hài Phạ đến xin làm rể thì Hoàng Tịch tìm cách hoãn binh, yêu cầu Bế Hài Phạ phải chuẩn bị mười ba con trâu đực làm lễ.

Lấy đâu ra mười ba con trâu đực, buồn bã chàng trở về đèo Tả Giàng, lấy sáo ra thổi. Tiếng sáo ngân dài một điệu buồn ai oán, nàng Quện cũng không nén được lòng, nhảy lên ngựa phóng đến đèo Tả Giàng, lúc gần đến còn nghe tiếng sáo chàng thổi, nhưng sau đó tiếng sáo im bặt. Khi nàng Quện đến nơi, phát hiện ra, Bế Hài Phạ nằm úp mặt xuống tảng đá, giữa gáy có một mũi tên có đuôi bằng lông chim nhạn.Mũi tên tảm thuốc độc, người dân bản Tả Khai chôn cất cho chàng trai xấu số.

Sau đó xung quanh mộ của Bế Hài Phạ, những người đi chợ sớm, phát hiện nhiều vết chân thú. Hoàng Tịch sau khi xem xong vết chân thú, vốn là một thợ săn nhiều kinh nghiệm, lão ta biết ngay đấy là vết chân của con báo. Trong khi đó, kể từ sau khi Bế Hài Phạ chết, bụng dạ Hoàng Khún lúc nào cũng bồn chồn như có lửa, suốt ngày hắn ta uống rượu say, rồi nhảy lên lưng ngựa phóng lên đèo Tả Giàng.

Một đêm khuya không thấy Hoàng Khún trở về, Hoàng Tịch sai người đốt đuốc đi tìm thì phát hiện ra xác Hoàng Khún nằm co quắp bên lèn đá, một mảng đầu vở toác bởi hàm răng nhọn hoắt của loài thú. Ngya sau đó, mọi người phát hiện con báo vằn nằm chết bên cạnh mộ của Bế Hài Phạ mà trên người nó, bộ lông rực rỡ như hoa, như gấm không hề bị một vết thương nào.

Sau đó, người dân bản không còn thấy nàng Quện nữa, có nhiều câu chuyện được thêu dệt như nàng đã cầm cây sáo của người yêu để lại, rẽ cây vạch lối đến hồ Thăng Then, nàng ngồi trên bờ thổi sáo cho đến khi hóa đá… Hằng năm các bản quanh vùng vẫn nghe tiếng sáo văng vẳng từ lưng đèo vọng về.

Nhìn chung với câu chuyện Đêm trăng Tả Giàng này, nhà văn Đặng Văn Sinh đã kể một câu chuyện khá hay và hấp dẫn. Câu chuyện này, thực ra từ nội dung của nó, có thể viết thành một cuốn tiểu thuyết.Hoặc cũng có thể được dàn dựng thành một bộ phim thì sẽ rất hay.

Nội dung câu chuyện Rừng Ken Chải kể về chàng trai Hà Thiết mang trong mình hai dòng máu bố Kinh, mẹ Tày. Bố của Hà Thiết lưu lạc đến vùng Bình Xuyên từ nhỏ làm con nuôi họ Hà. Năm Hà Thiết lớn lên anh cưới vợ, vợ chàng là Nông Thị Nhóng, đẹp nhất bản Nà Cườm. Ngôi nhà của vợ chồng Hà Thiết nằm giữa rừng Ken Chãi.

Một lần Hà Thiết vác củi từ trên nương về, chợt nhìn thấy một vật gì giống con chó vện bị dòng nước đảy dạt vào gềnh đá, liền lại gần xem thì hóa ra là một con hổ con, nó đã bị gãy chân. Hà Thiết liền mang con hổ con về nhà, bảo vợ đem mật gấu xoa khắp người cho nó.

Và Hà Thiết quyết định nuôi con hổ con, đặt tên cho nó là Huổi Vằn, theo tiếng cổ của người La Hủ có nghĩa là con cọp lông vằn vện. Nữa năm sau, nhờ được vợ chồng Hà Thiết chăm sóc chu đáo, nên con Huổi Vằn đã trở thành một chú hổ choai choai. Vợ chồng Hà Thiết nhốt nó trong chuồng cũi.Đến khi thấy nó bắt đầu trưởng thành, Hà Thiết quyết định thả nó về rừng.

Con hổ vằn đi rồi, nhưng mỗi khi nhớ nó, Hà Thiết lại lấy chiếc tù và bằng sừng trâu rúc vài tiếng gọi, và lập tức con Huồi Vằn lại trở về. Sau đó nó lại theo lệnh của Hà Thiết trở về rừng. Hà Thiết không dám giữ con hổ ở lại lâu, bởi vì anh rất sợ nó sẽ bị trúng đạn ghém của cánh thợ săn ở Nà Cườm, họ sẵn sàng bắn bất cứ mục tiêu nào miễn là hạ sát được con mồi.

Vào một đêm khuya, nghe tiếng chó sủa dữ dội lắm, Hà Thiết phát hiện một người bị thương nằm ngay cạnh cổng nhà mình, Hà Thiết liền cứu người lạ mặt, người đàn ông bị thương, bị một vết đạn bắn vào đùi. Ông ta tự nhận mình chính là Cả Pháo, ông ta vốn là một tên tướng cướp.

Hà Thiết đã không sợChánh tổng vì dám che giấu tên tội phạm nguy hiểm. Hằng ngày Hà Thiết lên rung hái thuốc chữa trị vết thương cho Cả Pháo. Cha Cả Pháo trước đây vốn là tướng quân trong quân của Đề Thám, lúc nghĩa quân rơi vào tay giặc, Cả Pháo mới 15 tuổi, ông liền dẫn mẹ đi lánh nạn, cuối cùng đến được châu Bình Xuyên. Cả Pháo được một người giỏi võ nghệ truyền dạy cho

Cả Pháo cùng với đám lục lâm xuất quỷ nhập thần, cướp của người giàu chia cho người nghèo.Nhưng trong một lần đi cướp ông bị phát hiện. Chánh tổng cho người do la tin tức, bắt được mẹ của Cả Pháo, dùng cực hình tra tấn. Mẹ chết, Cả Pháo vô cùng đau xót, ông thề quyết không đội trời chung với bọn Việt gian phản nước hại dân cùng với lũ quan Tây. Chính vì vậy mà ông mới đi cướp và luôn bị bọn chúng truy lùng.

Nhưng ngay sau đó, bọn Chánh tổng phát hiện ra, chúng đưa người đến bao vây nhà Hà Thiết, bọn chúng yêu cầu Hà Thiết giao nộp Cả Pháo. Vì cứu chồng, nên lúc lao đến chân cầu thang, vợ Hà Thiết đã trúng đạn chết. Đúng lúc nguy cấp, Hà Thiết lấy tù và chạy ra bờ suối, hướng về phái rừng Cấm rúc một hồi tù và.Sau ba lần rúc tù và, con Huổi Vằn xuất hiện và nó đã làm cho đám Chánh tổng bỏ chạy bán sống bán chết.

Buổi chiều hôm ấy, sau khi vào rừng Ken Chải đào huyệt chôn cất vợ xong, Hà Thiết nghe theo lời của Cả Pháo, anh đốt ngôi nhà của mình, và cùng với Cả Pháo lên núi làm tướng cướp, dẹp nổi bất công cho người nghèo. Sáng hôm sau hai người lội qua suối Bạc qua bản Puốn, hôm ấy là một ngày âm u trời sắp mưa.

Nhìn chung tập truyện ngắn Kẻ chiếm dụng thời gian của Thượng đế của nhà văn Đặng Văn Sinh là một cuốn sách hay, đạt được hiệu quả thẩm mỹ nhờ biết tập trung vào một nhân vật, và câu chuyện được kể nó xảy ra trong một hoàn cảnh hay một tình huống cụ thể, và diễn tiến của câu chuyện càng lúc càng dồn dập lên cao làm cho người đọc phải chú ý, như thể nó gây cho người đọc một cái thắt nút, cái thắt nút đó thắt lại và bất ngờ đến đỉnh điểm thì nó mở ra, nó như một lời giải đáp làm cho người đọc hết băn khoăn. Với nhà văn viết được truyện như thế mới thực sự là người viết hay.

Vương Quốc Hoa

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/hai-truyen-ngan-hay-nhat-trong-%E2%80%9Cke-chiem-dung-thoi-gian-cua-thuong-de%E2%80%9D-61845