Hai thập kỷ ươm những 'mầm non' tiếng Việt ở Kharkov (Ucraina)

Giống như kiều bào tại nhiều nơi trên thế giới, đối với cộng đồng người Việt ở Kharkov (Ucraina), duy trì ngôn ngữ mẹ đẻ cho thế hệ trẻ để giữ gìn mối gắn kết với nguồn cội luôn là ưu tiên hàng đầu.

Một buổi học tiếng Việt tại Kharkov. Ảnh: Mai Anh/Quê Hương Online

Một buổi học tiếng Việt tại Kharkov. Ảnh: Mai Anh/Quê Hương Online

Ý thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ ngôn ngữ dân tộc trong đời sống gia đình, cộng đồng, Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Ucraina đã thường xuyên tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa, các cuộc thi trí tuệ tạo cơ hội cho cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ được tiếp xúc nhiều hơn với tiếng Việt.

Bên cạnh đó, kiều bào cũng hết sức chú trọng việc giữ gìn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt trong công tác dạy và học tiếng Việt.

Tại Kharkov, cách đây hơn 20 năm, một ngôi trường bán trú Mẫu giáo và Tiểu học mang tên Mùa Xuân đã được thành lập, với sự tài trợ của Tập đoàn Technocom (tiền thân của VinGroup). Đây là mái trường duy nhất dành cho con em cộng đồng người Việt tại Ucraina được đăng ký chính thức theo hệ thống giáo dục của Ucraina, với các cán bộ quản lý và giáo viên mời từ Việt Nam sang. Trường là "cái nôi" đào tạo nhiều thế hệ học sinh gốc Việt có thể đọc thông viết thạo tiếng mẹ đẻ, có hiểu biết sâu sắc về văn hóa dân tộc, dù sinh ra và lớn lên ở châu Âu.

Năm 2010, sau khi Technocom chuyển hoạt động về Việt Nam, trường Mùa Xuân được bàn giao cho Hội Người Việt Nam tỉnh Kharkov phụ trách, với sự tài trợ trực tiếp của Tổng công ty Sun Group (hiện là Tập đoàn Sun Group).

Ban đầu Mùa Xuân có 8 lớp tiếng Việt được đặt tại các khu vực tập trung đông người Việt Nam sinh sống. Ngày nay, số lớp học này đã lên đến con số 14, với tổng số hơn 200 học sinh. Các em học theo chương trình Tiểu học bộ môn tiếng Việt của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.

Các lớp học đều có trang thiết bị tương đối đầy đủ, hiện đại, với máy chiếu, máy vi tính, bàn ghế theo chuẩn. Cũng giống như những lớp học ở quê nhà, bước vào một lớp học cho người Việt tại Kharkov, sẽ bắt gặp những hình ảnh quen thuộc như ảnh Bác Hồ, dòng chữ “Tiên học lễ, hậu học văn”, bản đồ Việt Nam, báo tường,...Bên cạnh đó, là hình ảnh song hành của quốc kỳ hai đất nước Việt Nam, Ucraina.

Tấm lòng nhà giáo không chuyên

Cô Đoàn Thị Thanh Huế (ngoài cùng, trái) và các em học sinh trước giờ vào lớp. Ảnh: Mai Anh/Quê Hương Online

Cô Đoàn Thị Thanh Huế bắt đầu đảm nhận công tác giảng dạy tiếng Việt cho con em cộng đồng tại Kharkov từ năm 2014. Từng là học sinh chuyên Văn, cử nhân ngành Luật, không thuộc ngành sư phạm, song, với vốn kiến thức phong phú về ngôn ngữ, tình yêu nghề được truyền từ người mẹ là giáo viên, sau nhiều năm tháng trau dồi học hỏi, cô đã trở thành một giáo viên dạy giỏi, được cộng đồng người Việt và phụ huynh học sinh ở Kharkov tin tưởng, yêu mến.

Chứng kiến sự vất vả mưu sinh của các gia đình người Việt tại Kharkov, cô giáo Huế càng mong muốn có thể dành tình yêu thương và sự quan tâm cho các em học sinh của mình. Không quản ngại vất vả, những ngày mùa đông giá lạnh, từ 3-4h chiều trời đã tối mịt, cô Huế vẫn đều đặn, kiên trì lên lớp, truyền tình yêu với ngôn ngữ mẹ đẻ cho các em học sinh.

Các em học sinh tham gia lễ hội văn hóa các dân tộc ở công viên Gorky, Kharkov. Ảnh: Mai Anh/Quê hương Online

Bên cạnh việc dạy theo chương trình, cô Huế còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa miễn phí, phù hợp với đặc thù của các em học sinh sinh ra ở nước ngoài, ở độ tuổi khác nhau, đem lại cảm hứng trong việc học tiếng Việt và tìm hiểu văn hóa Việt Nam.

Nhờ vào những giáo viên tâm huyết như cô Huế, với sự hỗ trợ của Hội người Việt Nam tại Kharkov và Đại sứ quán Việt Nam, từ năm 2010 tới nay đã có 10 lớp với trên 150 học sinh hoàn thành khóa học chương trình Tiểu học môn tiếng Việt của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.

Với khả năng đọc thông, viết thạo tiếng Việt, hiểu biết về văn hóa Việt Nam, các em đã trở thành cầu nối giữa sinh hoạt gia đình và xã hội, trở thành nòng cốt trong các hoạt động của cộng đồng người Việt và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Theo Quê hương Online

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/hai-thap-ky-uom-nhung-mam-non-tieng-viet-o-kharkov-ucraina-79168.html