Hai thái cực đối lập trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ Biden

Các cuộc gặp gỡ đồng minh và đối thủ của Tổng thống Biden sẽ nêu bật hai thái cực đối lập trong chính sách đối ngoại của Mỹ, đồng thời mang đến cho ông Biden cơ hội để khẳng định thông điệp 'Nước Mỹ trở lại'.

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden luôn thể hiện ông là “con người của những mối quan hệ”, không chỉ với đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa ở trong nước mà còn với các đồng minh và các nhà lãnh đạo trên toàn cầu – những người từng lo lắng và bất an trong suốt 4 năm nhiệm kỳ của chính quyền Donald Trump.

Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu công du châu Âu. (Ảnh: AP)

Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu công du châu Âu. (Ảnh: AP)

Tìm kiếm sự đồng thuận từ đồng minh châu Âu

Hiện giờ, mọi sự chú ý đang đổ dồn vào chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trong tuần này. Liệu thương hiệu ngoại giao cá nhân và sự quen thuộc của ông với các nhà lãnh đạo nước ngoài có mang lại kết quả tốt đẹp cho Mỹ không vẫn còn là câu hỏi lớn.

Hoạt động mở màn chuỗi sự kiện ngoại giao của ông tại nước ngoài bắt đầu vào hôm nay (10/6) với cuộc gặp Thủ tướng Anh Boris Johnson – lãnh đạo một trong những nước đồng minh thân cận nhất của Mỹ và sự kiện sẽ kết thúc 6 ngày sau đó với cuộc gặp Tổng thống Nga Putin – một trong những đối thủ cứng rắn nhất của Washington.

“Trong suốt chuyến đi, chúng tôi sẽ chứng tỏ rằng nước Mỹ đã trở lại”, ông Biden phát biểu trước các lực lượng Mỹ đóng tại căn cứ không quân RAF Mildenhall của Anh, sau khi đặt chân đến Anh vào hôm qua (9/6). Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định: “Các nền dân chủ trên thế giới đang sát cánh cùng nhau để giải quyết những thách thức khó khăn nhất và những vấn đề quan trọng nhất đối với tương lai của chúng ta”.

Là nhà lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm trong các vấn đề đối ngoại, Tổng thống Biden nhiều khả năng sẽ tìm cách tận dụng quan hệ cá nhân đối với các nhà lãnh đạo khác trong một nỗ lực nhằm khôi phục lại vị thế của Mỹ ở nước ngoài.

“Tổng thống đã giữ vững tâm thế sẵn sàng trong suốt 50 năm qua. Ông ấy đã đứng trên sân khấu quốc tế. Ông ấy đã biết một số nhà lãnh đạo trong nhiều thập kỷ”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết khi Tổng thống Biden đang chuẩn bị cho các cuộc họp của Nhóm G7, NATO và EU.

Tuy vậy, ông Biden cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, trong đó phải kể đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy tại châu Âu kể từ khi ông rời ghế phó tổng thống và đường lối khác biệt của một số nhà lãnh đạo như Thủ tướng Anh Boris Johnson hay Tổng thống Pháp Macron. Bên cạnh đó, vẫn chưa rõ thương hiệu cá nhân của một Tổng thống Mỹ có thể tạo ra sức ảnh hưởng lớn đối với các nhà lãnh đạo khác hay không.

Cứng rắn với Nga

Dù sao đi chăng nữa thì châu Âu sẽ cảm thấy bớt lo lắng vì Tổng thống Biden đã đưa Mỹ quay trở lại một chính sách đối ngoại dễ đoán định hơn so với thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Nhưng nhà lãnh đạo Nga Putin có thể là một ngoại lệ. Khi ông Biden phát biểu trước các binh sỹ tại căn cứ RAF Mildenhall, có thông tin cho biết, Nga đã cấm hoạt động phong trào chính trị do nhân vật đối lập Alexei Navalny dẫn đầu. Hành động này dường như là một thông điệp gửi tới Tổng thống Biden rằng, Nga sẽ không chịu nhượng bộ bất chấp sức ép từ nước ngoài. Trước đó, ông Biden đã nhiều lần kêu gọi Tổng thống Nga Putin trả tự do cho nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny.

Trong khuôn khổ chuyến công du nước ngoài đầu tiên, Tổng thống Biden dự kiến sẽ hội đàm với lãnh đạo các nước đồng minh khác như Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga bên lề các cuộc họp lớn. Song cuộc gặp thượng đỉnh ngày 16/6 với Tổng thống Putin mới được nhiều nhà ngoại giao đánh giá là sự kiện chính. Ông Biden dự kiến sẽ nêu các vấn đề như tấn công mạng, vi phạm nhân quyền, xung đột Ukraine trong cuộc gặp này, đồng thời tìm kiếm sự hợp tác giữa hai bên trong vấn đề kiểm soát vũ khí và các lĩnh vực khác.

Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết: “Tổng thống sẽ bước đến cuộc gặp này sau gần một tuần tham vấn chuyên sâu với các đồng minh và đối tác dân chủ ở cả châu Âu và Ấn Đương-Thái Bình Dương. Ông ấy chắc chắn sẽ có rất nhiều lợi thế”.

Mục tiêu của Tổng thống Biden trong chính sách với Nga đánh dấu sự tương phản rõ rệt so với nhiệm kỳ 4 năm của tổng thống Trump. Ông Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow cho rằng, Tổng thống Biden có thể nghĩ đến điều này trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh với Putin.

“Biden phải thể hiện tại cuộc gặp rằng ông không phải là Donald Trump. Ông ấy sẽ phải đưa ra quan điểm cứng rắn hơn và sẽ phải chứng tỏ với người dân Mỹ rằng ông đang giành chiến thắng ngoại giao trước Nga”, chuyên gia Dmitri Trenin nói. “Đây sẽ không phải là một sự kiện dễ dàng”.

Các trợ lý của Tổng thống Biden đã phải nỗ lực rất nhiều để tìm cách khẳng định rằng, mặc dù Tổng thống Biden đề xuất ý tưởng về cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ nhưng đây không phải là “một phần thưởng” cho Tổng thống Putin sau một loạt các động thái gây leo thang căng thẳng của Nga, như những gì mà một số thành viên của đảng Cộng hòa nhận xét.

Cơ hội khẳng định thông điệp “Nước Mỹ trở lại”

Các cuộc gặp gỡ đồng minh và đối thủ của Tổng thống Biden sẽ nêu bật hai thái cực đối lập trong chính sách đối ngoại của Mỹ, đồng thời mang đến cho ông Biden cơ hội để khẳng định thông điệp “Nước Mỹ trở lại”.

Kể từ khi lên nắm quyền, ông Biden đã đưa Mỹ tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và tiến hành các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran. Những nỗ lực này đã được các nhà lãnh đạo châu Âu đánh giá cao, nhưng họ cũng cảnh giác sau vụ tấn công vào trụ sở tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6/1 và lo ngại nền chính trị Mỹ có thể quay về chủ nghĩa dân tộc, nhiều nhà phân tích nhận định

Với bối cảnh chính trị Mỹ hiện nay, một số nhà ngoại giao cho rằng, khả năng tiếp cận của Tổng thống sẽ bị hạn chế.

“Joe Biden nắm được các vấn đề và hiểu rõ mong muốn của những nhà lãnh đạo khác. Nhưng mặt khác, ông ấy cũng có những ưu tiên nội bộ. Là tổng thống của nước Mỹ, từng chứng kiến sự kiện 6/1, ông ấy chắc chắn sẽ phải ưu tiên thực hiện chương trình nghị sự trong nước. Giai đoạn đầu của nhiệm kỳ đang trôi qua rất nhanh và sức ép với Tổng thống Biden cũng rất lớn”, một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu cho biết.

Một số nhà phân tích cho rằng, hội nghị G7 năm nay sẽ diễn ra trong bầu không khí cởi mở và yên bình, với mục tiêu thiết lập lại quan hệ hợp tác, khác xa so với thời chính quyền Trump. Trước đó, cựu Tổng thống Trump đã làm gián đoạn hai hội nghị G7 tại Pháp và Canada do bất đồng với một số nước thành viên.

Một quan chức châu Âu cho biết, dù vẫn lo lắng một số vấn đề như thuế quan và việc Mỹ rút khỏi Afghanistan nhưng châu Âu hiện giờ “cảm nhận được rằng chúng tôi thực sự có thể xây dựng lại một nền tảng vững chắc để hợp tác với Mỹ về các vấn đề kinh tế, công nghệ và khí hậu cũng như thống nhất trong cách tiếp cận với Trung Quốc”./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Washington Post

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/hai-thai-cuc-doi-lap-trong-chuyen-cong-du-nuoc-ngoai-dau-tien-cua-tong-thong-my-biden-865023.vov